Xây dựng nếp sống văn minh trên vùng cực Bắc - Kỳ II: Ánh sáng của Đảng soi đường, chỉ lối
BHG - Nhận thấy tác hại, hệ lụy của những hủ tục đối với nhân dân các dân tộc trong tỉnh nói chung, đặc biệt là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng, ngày 10.5.2021, BTV Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng bài trừ các hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh (Chỉ thị 09). Từ khi có Chỉ thị 09 tất cả các địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện quyết liệt và đạt được những kết quả bước đầu khá tích cực. Để từng bước bài trừ, tiến tới xóa bỏ những hủ tục, ngày 01.05.2022, BCH Đảng bộ tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU “Thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc Hà Giang, giai đoạn 2022-2025, hướng đến năm 2030” (Nghị quyết 27). Với mục tiêu chủ yếu: Đến hết năm 2022, đảm bảo 100% cán bộ, đảng viên đang công tác trong các cơ quan Nhà nước, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thực hiện và có trách nhiệm vận động gia đình, người thân xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu. Đến hết năm 2025, phấn đấu 75% các hộ gia đình trong tỉnh nhận thức được tác hại, hệ lụy của các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu; sự cần thiết và tích cực tham gia bài trừ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong gia đình, dòng họ. Đến năm 2030, 100% các địa phương xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu còn đang tồn tại trong đồng bào các dân tộc thiểu số và thực hiện các nội dung xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng Nông thôn mới… Từ khi có Chỉ thị 09, Nghị quyết 27, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã quyết liệt triển khai, từ đó đã xuất hiện nhiều cách làm hay, phát huy được vai trò của Bí thư Chi bộ, đảng viên, nghệ nhân dân gian, người có uy tín cùng tham gia thực hiện…
Nghệ nhân Vàng Chá Thào truyền nghề thổi khèn Mông cho thế hệ trẻ. Ảnh: văn nghị |
Vai trò của tổ chức Đảng, đảng viên
Xã Phố Cáo có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc Mông, ở đây còn nhiều phong tục, tập quán lạc hậu như: Tang ma kéo dài; người chết không đưa vào áo quan; trả lễ cao; tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Những hủ tục này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân, gây ô nhiễm môi trường nên cấp ủy, chính quyền đặt quyết tâm xóa bỏ. Triển khai thực hiện Chỉ thị 09 và Nghị quyết 27, Đảng ủy xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện, trong đó đề cao và phát huy vai trò của Bí thư Chi bộ.
Bí thư Đảng ủy xã Phố Cáo Giàng Mí Giàng cho biết: Thực hiện Chỉ thị 09 và Nghị quyết 27, xã đã rà soát và nhận diện 12 hủ tục trong việc tang, 3 hủ tục trong việc cưới và 4 hủ tục trong đời sống sinh hoạt của người dân như: Không đưa người chết vào áo quan, người chết để lâu trong nhà và còn bón cơm; giết mổ nhiều gia súc trong đám tang; lễ vật thách cưới cao; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết; con gái không được cho đi học nhiều… Để xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu thì vai trò của Bí thư chi bộ, trưởng các thôn rất quan trọng, họ là những người hiểu hoàn cảnh từng gia đình, dòng họ trong thôn từ đó có những cách tuyên truyền, vận động hiệu quả.
Ông Hầu Súa Mỷ, thôn Sủa Pả A, xã Phố Cáo chia sẻ: “Trước đây, mỗi đám tang mổ nhiều trâu, bò đã để lại nặng gánh nợ nần cho người sống; uống nhiều rượu rất hại cho sức khỏe và thường xảy ra xích mích mất đoàn kết; người chết để lâu ngày gây mất vệ sinh môi trường… Được tuyên truyền về những tác hại của những hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, đến nay gia đình tôi và các gia đình trong dòng họ đã bắt đầu nhận thức được tác hại của những hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu và việc cần thiết phải tổ chức đám tang văn minh, như cho người chết vào áo quan, không giết mổ nhiều gia súc, không uống nhiều rượu… Hiện 100% các nhánh trong dòng họ Hầu của tôi đã hiểu và thực hiện theo”. Theo Bí thư Đảng ủy xã Phố Cáo Giàng Mí Giàng, dòng họ Hầu được đánh giá là dòng họ tiêu biểu, đi đầu trong đưa người chết vào áo quan và thực hiện văn minh trong việc tang.
Đến các nghệ nhân dân gian, người có uy tín
Ông Vàng Chá Thào, Chủ tịch Hội Nghệ nhân dân gian xã Phố Cáo được giao nhiệm vụ định hướng cho hội viên là các thầy cúng, thầy khèn tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục. Ông đã cùng với các hội viên rà soát, nhận diện những hủ tục cần xóa bỏ trong các nghi lễ truyền thống ở địa phương. “Tôi và gần 60 hội viên nghệ nhân dân gian trong xã nghiêm túc chấp hành xóa bỏ các hủ tục, mình làm thầy cúng, thầy khèn mà gương mẫu làm trước thì người dân làm theo. Khi các gia đình có việc hệ trọng, mời thầy đến làm lễ, chúng tôi phân tích, vận động các hộ cắt bỏ những lễ nghi rườm rà, tốn kém, không phù hợp với nếp sống văn minh”, ông Vàng Chá Thào chia sẻ.
Chia sẻ với phóng viên, Bí thư Đảng ủy xã Phố Cáo Giàng Mí Giàng nhận xét: “Nghệ nhân Vàng Chá Thào thường xuyên phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể xuống từng thôn, đến từng dòng họ để giải thích, tuyên truyền, giúp người dân nâng cao được nhận thức về những hệ lụy khi những hủ tục vẫn còn tồn tại trong cộng đồng. Là người có uy tín, lại am hiểu phong tục, tập quán nên bác nói, người dân nghe theo”.
Nhờ sự vào cuộc tích cực của Hội Nghệ nhân dân gian, đặc biệt là vai trò gương mẫu, đi đầu của nghệ nhân Vàng Chá Thào, công tác xóa bỏ hủ tục ở xã Phố Cáo đã có nhiều chuyển biến. Đến nay, hầu hết các thôn trong xã giờ rút ngắn thời gian làm đám tang từ 48 tiếng xuống còn 24 tiếng; có 7/12 dòng họ đưa người chết vào áo quan; người dân trả lễ trong đám tang bằng tiền thay vì gia súc như trước đây và không còn ăn cơm trên máng gỗ. Tại xã đã giảm hẳn tình trạng tảo hôn và không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống.
Với vốn kiến thức sâu rộng về văn hóa truyền thống, ông Thào còn được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy mời là thành viên tổ tư vấn, sưu tầm giá trị văn hóa truyền thống. Đến nay, ông đã có ba đề tài nghiên cứu về văn hóa người Mông là: Nguồn gốc nghi lễ đặt tên; nghi lễ vào nhà mới; nguồn gốc cây khèn Mông. Ngoài ra, ông còn được các trường học trên địa bàn huyện Đồng Văn mời dạy văn hóa truyền thống cho học sinh, chủ yếu là dạy các điệu múa khèn, thồi khèn, thổi sáo, múa, hát các làn điệu dân ca truyền thống của người dân tộc Mông.
Với những thành tích đã đạt được trong công tác tuyên truyền, vận động người Mông xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh, nghệ nhân Vàng Chá Thào đã được tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen của tỉnh, huyện, xã. Quan trọng hơn, uy tín của ông được cộng đồng người Mông ghi nhận, ông được mời đi tuyên truyền tại hầu hết các hội thảo, hội nghị bàn giải pháp xóa bỏ hủ tục ở nhiều địa phương trên các huyện vùng Cao nguyên đá Đồng Văn.
VĂN NGHỊ
Kỳ cuối: Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Ý kiến bạn đọc