Phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ
BHG - Đấu tranh trước biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Năm 2017, Ban Bí thư T.Ư khóa XII đã raQuyết định số 99-QĐ/TW về ban hành Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ (gọi tắt là Quyết định 99-QĐ/TW). Thực hiện Quyết định 99-QĐ/TW, những năm qua tỉnh Hà Giang đã tích cực phát huy vai trò của nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.
Quan tâm, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của nhân dân
Trước mặt trái của cơ chế thị trường, lối sống thực dụng, khiến một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Tại Hà Giang, một trong những biểu hiện đó là một số vụ việc tiêu cực xảy ra những năm trước, như những vụ việc khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, một số vụ tham nhũng tại một số đơn vị hay vụ tiêu cực trong thi cử năm 2018, vụ việc tại CDC Hà Giang…gây bức xúc dư luận.
Thực hiện Quyết định 99-QĐ/TW, gắn với 8 lời Bác Hồ căn dặn cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Giang, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh luôn đặc biệt quan tâm xây dựng phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Tỉnh ủy ban hành nhiều kế hoạch, chỉ thị chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức cơ quan nhà nước các cấp nghiêm túc quán triệt, triển khai Quyết định 99-QĐ/TW, gắn với thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương; tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Qua đó, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
|
||
Để phát huy vai trò của nhân dân, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định 1859-QĐ/TU/2019 về Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân. Tỉnh chú trọng phát huy vai trò nhân dân giám sát cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên thông qua MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; khuyến khích nhân dân giám sát thông qua đơn, thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo đến cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; qua phản ánh của các phương tiện truyền thông đại chúng; qua phản ánh của người có uy tín trong cộng đồng dân cư, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, tổ nhân dân tự quản.
Trên tinh thần đó, trong 5 năm từ 2017 đến nay, các cấp, ngành ở tỉnh đã tiếp 4.468 lượt công dân với 5.051 người tham gia khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, nội dung chủ yếu về tranh chấp đất đai, các chế độ chính sách... Công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo bảo đảm theo đúng quy định, số đơn đã giải quyết đạt tỷ lệ trên 95%. Các kiến nghị, đề nghị của công dân đã được các cấp, các ngành xem xét, hướng dẫn, xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.
Theo ghi nhận từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân, doanh nghiệp được trên 3.850 cuộc, có trên 253.834 lượt người tham gia với hơn 30.635 ý kiến, kiến nghị. Các cơ quan, đơn vị đã tiếp 4.468 lượt công dân với 5.051 người tham gia; tiếp nhận được 3.406 đơn khiếu nại, tố cáo, trong đó, đơn đủ điều kiện xử lý 3.151 đơn, đã giải quyết 3.099 đơn, đạt 98,3%. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp thường xuyên thực hiện tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với cán bộ, chiến sỹ, người lao động thông qua hội nghị cán bộ công chức, hội nghị người lao động… Một số cơ quan, đơn vị còn tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân thông qua hình thức hỏi - đáp trên cổng thông tin điện tử, diễn đàn “chiều thứ sáu nghe dân nói”...
Đồng chí Nguyễn Việt Khánh, Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy
Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã tích cực thực hiện tiếp nhận thông tin của nhân dân thông qua tiếp xúc cử tri, đơn thư kiến nghị, phản ánh về những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở cơ sở, trong đó có cả những vấn đề liên quan đến biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Từ đó, xem xét, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý và thông tin kết quả cho nhân dân. Đồng thời, chủ động nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền có chủ trương, biện pháp xử lý kịp thời. Qua đó, ngày càng phát huy vai trò của nhân dân tham gia đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần vào sự phát triển KT – XH, sự ổn định chính trị, AN-TT của Hà Giang những năm qua.
Ghi nhận vai trò đấu tranh chống tiêu cực của cán bộ, đảng viên và nhân dân
Mỗi chúng ta đều cảm thấy buồn trước những vụ án như tại Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh diễn ra cách đây 7 năm hay vụ án tại Công ty TNHH 1 thành viên Xổ số kiến thiết Hà Giang cách đây khoảng 5 năm, vụ án thi cử năm 2018. Mới đây là vụ việc tại CDC Hà Giang, Ban Nội chính Tỉnh ủy…, với nhiều cán bộ, đảng viên đã bị xem xét để xử lí nghiêm minh. Đó là những lời răn đe, cảnh tỉnh mạnh mẽ cho xã hội. Trong một số vụ việc, chúng ta phải ghi nhận những cá nhân đã dũng cảm đương đầu với áp lực để vạch trần những sai phạm của lãnh đạo, nhân viên tại đơn vị. Nhưng, mỗi chúng ta cũng cảm thấy vui khingày 27.6.2019, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn ban hành quyết định trao tặng Bằng khen cho 4 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo tham nhũng. Các cá nhân đó là các ông Khuất Duy Mỹ và Nguyễn Ngọc Đức, Công ty TNHH 1 thành viên Xổ số kiến thiết Hà Giang; các ông Phạm Ngọc Chuyển và Phạm Văn Phú, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh. Và mới đây, Thanh tra Chính phủ đã có quyết định về việc trao thưởng gần 150 triệu đồng cho 4 cá nhân tố cáo hành vi tham nhũng nêu trên.
Một góc thành phố Hà Giang hôm nay |
Trao đổi với chúng tôi sau khi biết tin được Thanh tra Chính phủ trao thưởng vì thành tích đấu tranh chống tham nhũng, ông Phạm Ngọc Chuyển, nguyên cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh rất phấn khởi cho biết: Quá trình đấu tranh chống tham nhũng tại chính đơn vị mình công tác, chúng tôi phải chịu nhiều áp lực.Nhưng với sự tin tưởng vào sự nghiêm minh của Đảng, Nhà nước và pháp luật, chúng tôi đã quyết tâm đấu tranh đến cùng, có kết quảđể bảo vệ sự an toàncho người dân, tài sản của nhà nước.
Có thể nói, từ phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, chúng ta đã ghi nhận được nhiều những thông tin cực kỳ giá trị phục vụ công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đoàn thể. Nhiều cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan thanh tra chính quyền, kiểm tra Đảng những năm qua, bên cạnh sự nỗ lực trong nghiệp vụ chuyên môn đã có sự hỗ trợ rất hiệu quả từ nhân dân thông qua các tin tố giác, tin mật báo về tội phạm, các vấn đề vi phạm pháp luật. Thông qua sự trân trọng, ghi nhận của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng, đã khơi dậy và phát huy sức mạnh, nêu cao vai trò của nhân dân tham gia đấu tranh với các biểu hiện sai trái, vi phạm pháp luật. Rất nhiều cá nhân, tập thể nhân dân, cán bộ, đảng viên có thành tích đã được Chủ tịch UBND tỉnh và chính quyền các cấp biểu dương, khen thưởng. Qua đó, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, góp phần đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ,xây dựng chỉnh đốn Đảng ngày càng vững mạnh.
Cần đẩy mạnh thực hiện Quyết định 99-QĐ/TW trong tình hình hiện nay
Trong tình hình hiện nay, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộvẫn luôn nhà nhiệm vụ cực kỳ cấp thiết, được Đảng ta đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy, đồng chí Nguyễn Việt Khánh, Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, cho rằng, cần phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Quyết định 99-QĐ/TW: Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cần thể hiện tốt vai trò nêu gương, cầu thị lắng nghe ý kiến nhân dân, xác định trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, thực thi công vụ có sự giám sát của nhân dân. Thực hiện tốt những nội dung công khai để nhân dân biết, bàn, góp ý, giám sát để góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.
Bên cạnh đó, để phát huy Quyết định 99-QĐ/TW trong việc bảo vệ nội bộ, xây dựng và chỉnh đốn Đảng, chúng tôi thấy rằng, cần nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận, xử lý, phản hồi ý kiến góp ý, kiến nghị, giám sát của nhân dân; nêu cao ý thức tự giác, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, cách nhận biết và tích cực tham gia tố giác, đấu tranh chống biểu hiện suy thoái, hành vi tiêu cực. Đặc biệt, phải đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, giảm phiền hà cho người dân; giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc mà dư luận và nhân dân quan tâm.
Huy Toán - Lê Lâm
Ý kiến bạn đọc