“Làn gió tươi mới” trong đời sống tinh thần của đồng bào vùng cao - Kỳ II: “Làn gió” của sự đổi mới
BHG - Trong những năm qua, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh được quan tâm, đầu tư, hỗ trợ phát triển bằng nhiều chương trình, chính sách, dự án của Đảng, Nhà nước, đời sống nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trong đồng bào còn tồn tại nhiều tập quán lạc hậu trong hôn nhân, tang ma, lễ hội, sinh hoạt tín ngưỡng, sinh hoạt gia đình và sản xuất. Ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống cộng đồng, cản trở sự phát triển KT-XH… dẫn tới nghèo đói!
Cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cùng các hội viên xã Minh Tân (Vị Xuyên) trong buổi tuyên truyền bài trừ hủ tục. |
Trước thực trạng đó, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 10/5/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng bài trừ các hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh. Ngay sau đó, Tỉnh ủy đã ra Quyết định số 443-QĐ/TU về thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 – 2025 (BCĐ 443). Đẩy mạnh hơn nữa công tác này, một năm sau BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 01/5/2022 về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, hội đặc thù của tỉnh tiếp tục cụ thể hóa các Chỉ thị, Nghị quyết, Thông báo kết luận của BCĐ thành chương trình hành động, kế hoạch thực hiện; ban hành Kế hoạch số 106/KH-UBND, ngày 07/04/2022 của UBND tỉnh về biên soạn tài liệu tuyên truyền bài trừ hủ tục dùng trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở GD&ĐT đã có Công văn số 522/SGDĐT-GDTrH, ngày 13/4/2022 đề nghị các cơ quan chức năng liên quan cử cán bộ tham gia Ban Biên soạn tài liệu tuyên truyền xoá bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu dùng trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Các Huyện, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc đã tổ chức Hội nghị quán triệt, tuyên truyền phổ biến, mạn đàm Chỉ thị số 09-CT/TU và nội dung Thông báo kết luận số 01-TB/BCĐ; Kết luận số 240-KL/TU của BCĐ 443 và Nghị quyết số 27-NQ/TU tới cán bộ chủ chốt của Huyện, Thành ủy và tới cán bộ, đảng viên ở cơ sở được 2.107 cuộc, cho trên 240.000 đại biểu tham gia; mạn đàm được 404 cuộc với trên 22.500 đại biểu tham gia.
Bằng nhiều biện pháp thiết thực các huyện, thành phố đã đẩy mạnh trọng tâm hướng mạnh về cơ sở, chủ động bám sát từng thôn, tổ dân phố, từng dân tộc, dòng họ, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề người dân quan tâm. Phát huy hiệu quả các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú đến các thôn, tổ dân phố, nhóm hộ, tại các phiên chợ. Đồng thời tập trung chỉ đạo cơ sở thành lập các tổ khảo sát thống kê các phong tục, tập quán trong từng xã, từng dân tộc để tìm ra những phong tục, tập quán lạc hậu cần xóa bỏ, giảm bớt và tổ chức hội thảo cấp huyện để thống nhất triển khai thực hiện trên địa bàn. Cùng với đó, các cấp ủy đã quan tâm chỉ đạo phát huy vai trò của Hội Nghệ nhân dân gian (thầy mo, thầy cúng, thầy khèn...), các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng dân cư cùng tham gia vận động nhân dân thực hiện xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh thông qua các quy ước, hương ước, qua việc xem ngày, giờ cho đám cưới, đám tang. Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tin, bài đăng tải trên báo in, báo điện tử và phát thanh - truyền hình.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Vàng Seo Cón cho biết: Xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của Chỉ thị số 09-CT/TU và Nghị quyết số 27-NĐ/TU của Tỉnh ủy, nhất là yêu cầu và sự cần thiết trong việc vận động nhân dân bài trừ hủ tục trong giai đoạn hiện nay, Ủy ban MTTQ tỉnh đã quán triệt sâu sắc Chỉ thị, Nghị quyết tới toàn thể cán bộ, công chức làm công tác mặt trận các cấp, ban hành chương trình triển khai thực hiện. Đồng thời, xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình điểm tại xã Nậm Dịch, huyện Hoàng Su Phì. Không ngừng đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn kết các dân tộc; tăng cường công tác phối hợp với các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác triển khai thực hiện và giám sát việc triển khai thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết của các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở gắn với triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”. Phối hợp với chính quyền và các đoàn thể triển khai xây dựng các mô hình, điển hình về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và trong sinh hoạt đời sống phù hợp với từng địa bàn, dân tộc. Thường xuyên giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và trong sinh hoạt đời sống.
Những thói quen sinh hoạt, những tập tục lạc hậu đã ăn sâu vào nếp nghĩ, cách làm của nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS qua nhiều thế hệ. Vì vậy, để vận động nhân dân bài trừ các hủ tục trong đời sống được cấp ủy, chính quyền các cấp nhận định không phải là ngày một, ngày hai mà phải là một quá trình lâu dài, bền bỉ. Đây là việc làm cần sự chung tay, chung sức và trách nhiệm, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; tôn trọng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc nhưng cũng linh hoạt, kiên quyết, kiên trì theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” để từng bước xóa bỏ những thói quen, tập quán lạc hậu.
Bài, ảnh: LÊ HẢI
Kỳ cuối: Cách mạng văn hoá trên mảnh đất biên cương
Ý kiến bạn đọc