“Làn gió tươi mới” trong đời sống tinh thần của đồng bào vùng cao - Kỳ cuối: Cách mạng văn hóa trên mảnh đất biên cương
BHG - Chỉ thị số 09-CT/TU và Nghị quyết số 27-NQ/TU đã được các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh quan tâm lãnh chỉ đạo triển khai thực hiện, làm chuyển biến nhận thức, ý thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân các dân tộc về xóa bỏ hủ tục, việc xây dựng nếp sống văn minh được nâng lên, đời sống có nhiều chuyển biến tích cực.
Học sinh tìm hiểu văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Ảnh: LÊ HẢI |
Xây dựng nếp sống văn minh
Đến thăm xã Lũng Cú (Đồng Văn) được Trung tá Tạ Quang Tiến, Phó Bí thư Đảng ủy xã, là cán bộ tăng cường từ Đồn Biên phòng Lũng Cú, chia sẻ câu chuyện về phong tục tang ma của đồng bào vùng Cao nguyên đá. Là người có 28 năm gắn bó với vùng núi phía Bắc, anh Tiến đã nhiều lần tham gia vận động bà con không tổ chức đám ma kéo dài nhiều ngày, hạn chế giết mổ nhiều gia súc và đưa người mất vào áo quan. Anh Tiến, chia sẻ: Mặc dù tại mảnh đất vùng biên đời sống của bà con còn nhiều khó khăn nhưng có những gia đình tổ chức đám ma rất to, có đám giết mổ 8 – 9 con bò, tính ra phải lên đến hàng trăm triệu đồng. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc gia đình bên nội, bên ngoại muốn làm đám ma to để lấy sỹ diện với hàng xóm, thế nhưng những đám ma kéo dài như thế này khiến bà con rất khổ, do nhà nghèo, phải vay mượn tiền hoặc bò của nhà khác về làm đám ma. Sau đám tang là phải “kéo cày” trả nợ, có nhà nợ từ đời cha truyền đến đời con, như vậy thì làm sao đời sống bà con mình khá lên được.
Đây chính là lý do để huyện Đồng Văn quyết tâm xóa bỏ hủ tục, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Đồng Văn Dương Ngọc Đức chia sẻ: Để cụ thể hóa Chỉ thị số 09-CT/TU và Nghị quyết số 27-NQ/TU huyện Đồng Văn đã ban hành 42 văn bản các loại. Thành lập BCĐ cấp huyện về bài trừ hủ tục, đây là BCĐ lớn nhất của huyện với rất nhiều thành phần tham gia. Trong đó có sự vào cuộc của Đảng ủy, chính quyền các cấp, phát huy vai trò gương mẫu đi đầu của đảng viên; tại các thôn, tổ dân phố đã thành lập được 225 tổ tuyên truyền, vận động bài trừ hủ tục. Đồng thời, phát huy thế mạnh công tác tuyên truyền miệng và tuyên truyền qua Zalo, Facebook, trang Fanpage, trang thông tin điện tử của huyện.
Huyện cũng có cách làm riêng như tăng cường đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã với nhân dân. Mời các nghệ nhân như ông Vàng Chá Thào, là người có uy tín và là thầy cúng có tiếng nói trong cộng đồng người Mông ở vùng Cao nguyên đá, đến các hội nghị để nói chuyện, giải thích cho người dân hiểu những phong tục tập quán nào cần thay đổi. Điển hình như phong tục tang ma của người Mông là không cho người mất vào áo quan do ngày xưa địa hình đi lại khó khăn, không có điều kiện làm áo quan nhưng ngày nay các gia đình đã có điều kiện hơn, người dân cũng nên thay đổi đưa người mất vào áo quan để đảm bảo vệ sinh môi trường. Rồi ông lấy gương những gia đình đã thay đổi phong tục làm đám ma để tuyên truyền cho nhân dân. Từ đó, bà con hiểu sự thay đổi là cần thiết. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng chú trọng công tác tuyên truyền bài trừ hủ tục trong trường học; có sự tham gia nhiệt tình của đoàn viên thanh niên; sự vào cuộc của Hội Nghệ nhân dân gian địa phương; sự hưởng ứng của các hội đoàn thể đã tạo thành một phong trào sâu rộng trong nhân dân. Từ đó, tạo sự chuyển biến rõ nét trong tư tưởng, nhận thức và đời sống đồng bào.
Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Đồng Văn Dương Ngọc Đức nhận định từ khi thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU và Nghị quyết số 27-NQ/TU đã thực sự tạo thành một cuộc cách mạng trên địa bàn huyện, đời sống nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực, không còn cổ hủ lạc hậu như xưa. Chỉ sau 1 năm thực hiện, toàn huyện đã xuất hiện 29 dòng họ, 19 thôn, tổ dân phố và 26 cá nhân tiêu biểu trong thực hiện xóa bỏ tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.
Chuyển biến mới ở vùng cao
Sức lan tỏa của Chỉ thị 09-CT/TU và Nghị quyết số 27-NQ/TU đã tạo thành một làn gió đổi mới, mang đến sức sống mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của các cấp ủy, nhiều mô hình, cách làm sáng tạo trong thực hiện nếp sống văn minh được quan tâm thực hiện. Tiêu biểu như tại huyện Quản Bạ, nơi có 17 thành phần dân tộc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Quản Bạ Dương Chính Phù vui mừng cho biết: “Sau một thời gian thực hiện, đa số nhân dân đã có nhận thức tích cực như thị trấn Tam Sơn đã thành lập Ban tang lễ để giúp gia đình chủ trì lễ tang; thời gian tổ chức đám tang đã giảm như: Dân tộc Dao, Tày, Nùng, Hán, Bố Y… cơ bản không để người chết quá 48 tiếng, giảm thiểu việc ăn uống dài ngày, giảm tình trạng mổ trâu, bò hiến tế, nghi lễ phúng viếng cầu kỳ mà vẫn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc. Đặc biệt đối với dân tộc Mông, đã có 13/14 dòng họ thực hiện việc đưa người chết vào áo quan để đảm bảo vệ sinh môi trường, không làm ảnh hưởng đến sức khoẻ những người xung quanh”.
Các địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng có những cách làm hay như huyện Đồng Văn chỉ đạo tổ chức Đoàn các cấp vận động đoàn viên thanh niên tổ chức đăng ký kết hôn tập thể; thành lập Câu lạc bộ (CLB) sức khỏe sinh sản; CLB phòng chống tảo hôn; CLB “Gia đình hạnh phúc”; CLB gia đình “Nuôi con khỏe dạy con ngoan”; CLB “phòng chống mua bán người” tại 9 xã biên giới. Thành phố Hà giang tổ chức hội thảo cấp thành phố với chủ đề những giải pháp trong đoàn viên thanh niên với phong trào “Nói không với tệ nạn xã hội, nạn tảo hôn” trên địa bàn thành phố. Huyện Bắc Mê xây dựng mô hình, CLB “Cưới tiết kiệm, gia đình trẻ và thanh niên với việc cưới theo nếp sống mới” tại 13 xã, thị trấn. Huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần làm tốt công tác vận động mọi người không dự lễ cưới đối với các đôi tảo hôn. Với sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, việc tảo hôn, kết hôn cận huyết thống ở một số địa phương đã giảm nhiều so với trước, đặc biệt có những nơi đã xóa bỏ được.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vũ Mạnh Hà cho biết: Việc thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU và Nghị quyết số 27-NQ/TU đã tạo ra chuyển biến mới tích cực trong nhân dân. Tuy nhiên BTV cũng nhận định đây là một quá trình lâu dài, cần sự kiên trì, thường xuyên và không ngừng nghỉ. Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong thời gian tới, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, người có uy tín, đặc biệt là người đứng đầu trong việc bài trừ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, trong đó có áp dụng chuyển đổi số, tuyên truyền trên mạng xã hội Facebook, Tiktok, Zalo, sân khấu hóa ở cơ sở… về tác động tiêu cực của hủ tục ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe, đời sống nhân dân. Đồng thời, làm tốt công tác phát hiện và khen thưởng các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong bài trừ hủ tục.
Từ thực hiện bài trừ hủ tục sẽ góp phần phát huy những mặt tích cực, nhân lên những giá trị tốt đẹp trong đời sống văn hóa các dân tộc. Để từ đó văn hóa truyền thống đặc trưng của các dân tộc trở thành một ưu thế cho phát triển du lịch tại địa phương, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; phát huy được nguồn lực, sức mạnh trong nhân dân tham gia xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh, phát triển KT-XH, giúp nhau giảm nghèo, đóng góp hiệu quả trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.
LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc