Hoàng Su Phì, nhiều giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng
BHG - Đảng bộ Hoàng Su Phì có 73 tổ chức cơ sở (TCCS) Đảng, trong đó có 25 đảng bộ xã, thị trấn, 3 Đảng bộ khối cơ quan và 45 chi bộ cơ sở, với trên 5.660 đảng viên, sinh hoạt ở 199/199 thôn, tổ dân phố. Trong những năm gần đây, công tác xây dựng Đảng của huyện có sự chuyển biến tích cực; nổi bật là việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCS Đảng cũng như chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Bí thư Đảng ủy các xã dự Hội nghị BTV Huyện ủy để học hỏi kinh nghiệm điều hành cuộc họp. |
Vận dụng linh hoạt Nghị quyết số 22 - NQ/TW ngày 2.2.2008 của BCH T.Ư Đảng khóa X về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCS Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, Đảng bộ huyện đề ra một số chủ trương và giải pháp mới mang lại hiệu quả thiết thực.
Trước hết, Đảng bộ bố trí các chức danh Bí thư chi bộ, Trưởng, Phó các tổ chức đoàn thể của thôn lên học việc tại xã theo ngành dọc, mỗi tuần một lần, mỗi lần 1 ngày; đồng thời ban hành Phương án "Nâng cao chất lượng họp thôn", giúp cán bộ cấp thôn đổi mới tác phong, lề lối làm việc, vận dụng vào thực tiễn. Cùng với đó, đưa các chức danh lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể của xã lên huyện học việc theo ngành dọc, mỗi năm một lần, mỗi lần từ 4 - 6 tháng, nên chất lượng làm việc chuyển biến rõ nét…
Mô hình chăn nuôi trâu của đảng viên tại xã Nậm Khòa ngày càng phát triển. |
Hàng tháng, bố trí Bí thư Đảng ủy xã lên huyện dự họp BTV Huyện ủy, Chủ tịch UBND xã lên huyện dự phiên họp thành viên UBND huyện, để trực tiếp học cách điều hành cuộc họp cấp ủy và UBND. Thông qua đó, lãnh đạo xã nắm bắt kịp thời những chủ trương, nhiệm vụ đề ra trong tháng tới của cấp ủy, chính quyền huyện; khi có vấn đề vướng mắc ở cơ sở, cán bộ xã đề xuất với huyện giải quyết ngay tại cuộc họp. Huyện cũng chỉ đạo cán bộ, công chức xã tham gia thực hiện mô hình phát triển kinh tế để nhân dân học tập; vì vậy, trong 3 năm qua toàn huyện có trên 200 cán bộ, công chức xã, đảng viên có mô hình phát triển kinh tế hiệu quả...
Hàng tháng, các chi bộ cơ sở và chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở tổ chức sinh hoạt luân phiên (3 - 4 chi bộ một cụm theo từng khối nông thôn, cơ quan, trường, trạm…) đến dự theo dõi trình tự, nội dung, cách duy trì sinh hoạt chi bộ, rút kinh nghiệm và bổ sung ý kiến. Qua đó giải quyết được nhiều vấn đề: Các chi bộ duy trì sinh hoạt đều hàng tháng, không còn tình trạng 2 - 3 tháng mới sinh hoạt và khắc phục được việc phải sinh hoạt chi bộ ghép với họp cơ quan hoặc họp thôn; công tác chuẩn bị nội dung, trình tự sinh hoạt cũng được chu đáo, ngắn gọn, toàn diện, trọng tâm sát thực tiễn hơn; trong sinh hoạt chi bộ, tinh thần tự phê bình và phê bình được nâng lên, quá trình thảo luận diễn ra sôi nổi, các ý kiến thảo luận tập trung, trọng tâm hơn; sinh hoạt chi bộ luân phiên giúp các chi bộ học tập được kinh nghiệm, đồng thời giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan giữa các thôn hoặc giữa các cơ quan, đây là dịp để các chi bộ tham gia giám sát chéo…
Đảng bộ huyện thống nhất chủ trương lãnh đạo các TCCS Đảng và chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở thực hiện nghiêm túc việc phân công cấp ủy, đảng viên phụ trách đến thôn và gia đình; đồng thời hàng tháng họp cấp ủy và sinh hoạt chi bộ từng đồng chí cấp ủy viên và đảng viên phải báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được cấp ủy, chi bộ giao trong tháng trước, trong đó có nội dung phụ trách hộ và tự nhận xếp loại trong tháng. Sau đó, các đồng chí cấp ủy hoặc đảng viên trong chi bộ đóng góp cho nhau, tập trung vào những mặt còn hạn chế. Thông qua đó chất lượng của cấp ủy và chất lượng thực hiện nhiệm vụ của đảng viên được nâng lên, khắc phục được một số vấn đề: Từng đồng chí cấp ủy, đảng viên phải chủ động thực hiện nhiệm vụ được cấp ủy, chi bộ phân công trong tháng trước, báo cáo cấp ủy và chi bộ tại cuộc họp cấp ủy và sinh hoạt chi bộ; thông qua việc đóng góp ý kiến cho nhau, nhất là những mặt yếu kém, từng đồng chí cấp ủy, đảng viên tự rút kinh nghiệm. Thông qua việc cấp ủy, đảng viên phụ trách đến từng hộ dân, mỗi năm có gần 5.000 đảng viên được phân công phụ trách gần 7.000 hộ dân, tạo cho Đảng gần dân hơn, nắm bắt kịp thời tư tưởng và dư luận trong nhân dân để báo cáo tổ chức Đảng có hướng giải quyết...
Từ những giải pháp trên, chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên. Đến nay toàn huyện đã có 2 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm…
Bài, ảnh: Nguyễn Duy Thập (Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Hoàng Su Phì)
Ý kiến bạn đọc