Quản Bạ triển khai hiệu quả Đề án 32 về thành lập Ban quản lý phát triển thôn
BHG - Thực hiện Đề án số 32/ĐA-TU của Tỉnh ủy về thành lập Ban quản lý (BQL) phát triển thôn theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của BCH T.Ư, khóa XII; thời gian qua, huyện Quản Bạ đã kiện toàn BQL phát triển thôn tại các xã, từ đó tạo hiệu quả trong việc triển khai các nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương.
Gia đình ông Sân Sài Mìn, thôn Na Lình, xã Nghĩa Thuận phát triển đàn dê hàng hóa. |
Trước đây, dù đã có các BQL phát triển thôn song mô hình này ở các xã còn khác nhau. Tuy nhiên, việc lồng ghép các chức danh ở thôn đã giảm số lượng người hưởng kinh phí, tăng thêm thu nhập, nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề của thôn. Từ đó, trách nhiệm của chức danh Trưởng thôn đã được nâng lên, việc sản xuất bước đầu có hiệu quả. Bí thư Chi bộ thôn Na Lình, Sân Dù Dìn chia sẻ: “Thực hiện việc kiện toàn BQL phát triển thôn, vừa qua chúng tôi tiếp tục lồng ghép, kiêm nhiệm các chức danh những người hoạt động không chuyên trách một cách linh hoạt, đến nay chỉ còn 6 người trong BQL. Đối với những vị trí nào yếu, chúng tôi thay bằng người có trách nhiệm hơn, từ đó bộ máy hoạt động hiệu quả, nhất là trong việc vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của tỉnh, huyện”. Theo anh Dìn, Na Lình được biết đến là một thôn biên giới tích cực phát triển kinh tế, đời sống của người đây đang ngày càng khấm khá. Hiện nay, toàn thôn đã trồng được trên 16 ha Hồng không hạt; chăn nuôi trâu, bò, lợn với số lượng tăng hàng năm. Đặc biệt, từ năm 2017, được vay vốn ưu đãi có thu hồi để phát triển nuôi dê của huyện, toàn thôn hiện có hơn 400 con dê.
Đến thăm ông Sân Sài Mìn, thôn Na Lình, khi ông đang xây ngôi nhà mới khang trang, ông Mìn vui vẻ cho biết: “Nhà tôi được huyện cho vay vốn ưu đãi từ năm 2017 với số tiền 20 triệu đồng để mua dê về nuôi. Sau hơn một năm thì đàn dê của gia đình đã phát triển lên 15 con. Năm nay giá bán dê tăng cao đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình”. Nhờ được tuyên truyền về các chủ trương, chính sách mới của tỉnh, huyện mà các hộ dân ở đây đã biết vận dụng những ưu đãi, hỗ trợ từ T.Ư đến địa phương để phát triển kinh tế. Chị Sân Thị Năm, thôn Na Lình, chia sẻ: “Nhà tôi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo chủ trương của huyện bằng cách trồng trên 250 cây quýt. Nếu cây phát triển tốt thì gia đình sẽ có thêm thu nhập với giá bán quýt trên thị trường 20 nghìn đồng/kg. Bây giờ bà con trong thôn đều chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng mới vì có thu nhập cao hơn trồng ngô, lúa”.
Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận, Sân Tiến Phúc cho biết: Để nâng cao chất lượng hoạt động của thôn vừa qua, xã đã có nhiều chỉ đạo như: Quy định họp thôn, hoạt động của mô hình Tổ dân vận khéo, Thôn tự chủ tự quản, Hội đồng Quản lý phát triển thôn… Tuy nhiên, mô hình của mỗi nơi khác nhau nên đem lại hiệu quả khác nhau. Do vậy, việc chỉ đạo thành lập mô hình thống nhất trong toàn huyện - BQL phát triển thôn là cần thiết.
Việc thống nhất trong công tác quản lý ở thôn sẽ bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy và quản lý của chính quyền, thực hiện tốt mục tiêu Nghị quyết 18 của BCH T.Ư, khóa XII.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc