Quản Bạ khởi sắc sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện

15:04, 20/08/2018

BHG - Đến Quản Bạ hôm nay, là hình ảnh của một đô thị văn minh đang tràn đầy sức sống, với những bước chuyển biến quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Đó là kết quả từ việc tích cực thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ huyện trong nửa nhiệm kỳ, đã và đang tạo nền tảng vững chắc để huyện phát huy tiềm năng thế mạnh của mình.

Vườn dược liệu của Công ty Cổ phẩn Anvy Hà Giang ở xã Quyết Tiến, Quản Ba.
Vườn dược liệu của Công ty Cổ phẩn Anvy Hà Giang ở xã Quyết Tiến, Quản Ba.

 Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện Quản Bạ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, với mục tiêu hành động xuyên suốt là “Nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư để Quản Bạ phát triển”. Trong đó, nửa đầu nhiệm kỳ được Đảng bộ huyện xác định tập trung vào thực hiện 3 khâu đột phá và 3 chương trình trọng tâm. Qua đó, đã thực hiện đạt và vượt 12/26 chỉ tiêu chủ yếu nghị quyết Đại hội đề ra; có 9 chỉ tiêu đạt trên 90%; 4 chỉ tiêu đạt trên 80% và chỉ tiêu nông thôn đạt 66,7%.

Nổi bật là việc huyện đã thực hiện có hiệu quả Chương trình Nửa triệu con gia súc giai đoạn 2018 – 2020, bằng cách tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân vay vốn theo Nghị quyết số 209 và 86 của HĐND tỉnh và các nghị quyết của HĐND huyện về khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đến nay, với tổng số tiền giải ngân trên 45.000 triệu đồng cho vay mua con giống, sửa chữa và xây mới chuồng trại chăn nuôi, đã tạo sự chuyển biến lớn về tư duy sản xuất của người dân. Nhiều hộ tập trung chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cỏ gắn với chăn nuôi, đẩy mạnh thụ tinh nhân tạo cho đàn bò, làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi bò từ 20 con trở lên, thậm chí có mô hình từ 80-100 con. Đàn gia súc của huyện tăng lên nhanh chóng, với tổng đàn trâu là 22.400 con, đạt 104,2% nghị quyết.

Về cơ cấu cây trồng, vật nuôi đều chuyển dịch mạnh mẽ, nhân dân chú trọng thâm canh tăng vụ, ứng dụng khoa học công nghệ và đưa cơ giới vào sản xuất để phát triển nông nghiệp bền vững. Huyện tập trung chỉ đạo phát triển 3 cây thế mạnh của địa phương là:  Hồng không hạt, ngô lai và dược liệu. Hiện, tổng diện tích Hồng không hạt đạt 113,35 ha, ngô lai gieo trồng hàng năm là 3.410 ha và diện tích dược liệu hiện là 563,43 ha. Mối liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và người dân được hình thành; đang có 17 doanh nghiệp, 33 HTX và 110 Tổ hợp tác hoạt động dưới hình thức Tổ chỉ đạo sản xuất, dịch vụ, quản lý... Những sản phẩm từ dược liệu như: Cao Atiso, trà Gừng; Hồng không hạt đã có chỉ dẫn địa lý và đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng phát triển các sản phẩm đặc thù như: Lanh Lùng Tám, rượu ngô Thanh Vân, mật ong dược liệu… góp phần bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống địa phương; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp lên trên 500 tỷ đồng, đạt 92,7% nghị quyết. Đối với lĩnh vực du lịch, dịch vụ cũng đang có nhiều khởi sắc mới; toàn huyện có 20 khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ với trên 200 phòng và 42 nhà hàng; 10 hộ đạt chuẩn Homestay ASEAN; thu hút được 1 doanh nghiệp đầu tư dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp H’mông village tại xã Cán Tỷ. Các sản phẩm phục vụ du lịch ngày càng phong phú, đa dạng; lượng khách du lịch đến cuối năm 2017 là 70 nghìn lượt người, đạt 87,5% nghị quyết.

Bằng nhiều nỗ lực của địa phương, đời sống của nhân dân ngày một nâng lên. Nếu năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo là 61,17% thì ước tính đến năm 2018, giảm còn 38,5%; đạt 161% nghị quyết. Công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn từng bước được đổi mới căn bản, toàn diện, với nhiều cách làm hay sáng tạo; công tác xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học, phong trào thi đua xây dựng trường học “tiêu biểu toàn diện”, giáo dục kỹ năng sống gắn với đưa văn hóa truyền thống vào truyền dạy tại các trường phổ thông được triển khai tích cực; toàn huyện có 16 trường học chuẩn Quốc gia, đạt 100% nghị quyết. Về xây dựng NTM, ngoài việc duy trì 1 xã đạt chuẩn NTM, năm 2018 có thêm xã Quyết Tiến và Quản Bạ đạt 18 tiêu chí, 9 xã còn lại đạt từ 8 - 10 tiêu chí. Đặc biệt, về công tác y tế đã có 13 xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế, đạt 100% nghị quyết.

Xác định đội ngũ cán bộ lãnh đạo là “chìa khóa” tạo nên thành công, do vậy công tác đánh giá, quy hoạch, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ của huyện được thực hiện thường xuyên. Trong đó, chú trọng thực hiện việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”. Từ đó, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên có chuyển biến tích cực; lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền được nâng lên. Những kết quả nổi bật trong nửa nhiệm kỳ đã tạo ra thế và lực mới để Đảng bộ huyện Quản Bạ lãnh đạo hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, kế hoạch cả nhiệm kỳ và những giai đoạn tiếp theo.

Bài, ảnh: Lê Hải


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đảng bộ xã Cốc Rế thực hiện tốt các chỉ tiêu, nghị quyết Đại hội

BHG - Tại buổi làm việc với lãnh đạo xã Cốc Rế (Xín Mần) vào đầu năm 2017, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh đã có nhiều chỉ đạo kịp thời; trong đó, giao nhiệm vụ và các mục tiêu cụ thể cho tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ xã. Sau hơn 1 năm thực hiện chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Đảng bộ xã đã thực hiện tốt các chỉ tiêu, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra, tạo sự chuyển biến trong công tác xây dựng Đảng cũng như thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển KT - XH của địa phương.

 

27/07/2018
Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Vũ Tiến Tân nhiệt tình, trách nhiệm

BHG - "Nhiệt tình, trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua; phát huy tốt vai trò lãnh, chỉ đạo người dân trong thôn phát triển kinh tế, giữ vững an ninh trật tự tại địa phương…" - đó là những nhận xét của Bí thư Đảng ủy xã Tân Trịnh (Quang Bình) Phù Quang Sỹ khi nói về Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tân Lập, Vũ Tiến Tân (sinh 1952). Sinh ra, lớn lên tại quê lúa Thái Bình, năm 1971, ông Vũ Tiến Tân lên Hà Giang sinh sống và làm nghề dạy học... 

25/07/2018
Đánh giá mức độ quyết liệt của cán bộ lãnh đạo ở Đảng bộ huyện Đồng Văn

BHG - Thực hiện Chỉ thị số 03 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường giám sát "Nói đi đôi với làm" đối với cấp ủy viên, người đứng đầu các cấp, ngành và đơn vị trong tỉnh, BTV Huyện ủy Đồng Văn đã cụ thể hóa từng nội dung, ban hành hướng dẫn việc đánh giá mức độ quyết liệt của cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo diện cấp ủy quản lý. Qua thời gian ngắn triển khai, đã tạo sự chuyển biến lớn trong công tác quản lý, điều hành, thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu; từ đó, xây dựng hình ảnh người cán bộ, đảng viên gương mẫu, vì nhân dân phục vụ.

 

23/07/2018
Đảng bộ thị trấn Yên Bình: Xây dựng Đảng, gắn với phát triển KT-XH

BHG - Đảng bộ thị trấn Yên Bình (Quang Bình) có 523 đảng viên, sinh hoạt tại 17 chi bộ. Từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020 đến nay, Đảng ủy thị trấn luôn quan tâm lãnh đạo công tác xây dựng Đảng trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức; thường xuyên lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong xây dựng nghị quyết và chương trình hành động của Đảng bộ, phù hợp với thực tiễn địa phương.

22/06/2018