"Dân vận khéo" giúp người dân Quyết Tiến xóa đói, giảm nghèo
BHG - “Dân vận khéo” đã giúp bà con xã Quyết Tiến (Quản Bạ) thay đổi cách nghĩ, cách làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ; từ 2 vụ ngô, lúa lên 3 vụ. Nhiều hộ tăng gia, chăn nuôi cho thu nhập cao, cuộc sống hết nghèo, đói; bộ mặt nông thôn vùng cao ngày một đổi thay.
Trước đây, cuộc sống của bà con 13 dân tộc thiểu số ở xã Quyết Tiến gặp nhiều khó khăn, quanh năm làm lụng vất vả mà không đủ ăn; đời sống cứ quanh quẩn mãi với vòng xoay nghèo, đói. Thì nay, nhân dân đã sống khá hơn, nhiều ngôi nhà xây kiên cố mọc lên, đường bê-tông nông thôn kéo dài đến từng thôn, bản và vào tận từng hộ; Quyết Tiến giờ đây đã trở thành địa danh nổi tiếng của cây dược liệu và các loại rau xanh.
Diện tích trồng cây Đan sâm của nhân dân xã Quyết Tiến (Quản Bạ). |
Nhớ lại khi xưa, việc vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; từ trồng ngô, lúa sang trồng cây dược liệu và chăn nuôi lợn, trâu, bò sinh sản theo hướng hàng hóa là cả một quá trình gian nan. Bí thư Đảng ủy xã Quyết Tiến, Trần Đức Mạnh tâm sự: “Chỉ cách đây khoảng 5 năm, việc vận động người dân cho công ty thuê đất để trồng cây dược liệu và các hộ tham gia trồng dược liệu là một bài toán khó. Người dân mình nghèo, sợ cho thuê đất, trồng cây dược liệu mà thất bại, không có ngô, lúa thì lấy gì mà ăn. Có những cuộc họp thôn, cả cán bộ xã, lãnh đạo huyện ngồi thảo luận, thuyết phục người dân đến tận nửa đêm mà không xong. Sau nhiều lần họp, phân tích cho bà con hiểu cái lợi, hại của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng cây dược liệu theo chủ trương của tỉnh bà con mới chịu làm theo”. Thế rồi việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng bắt đầu được triển khai và nhân rộng khi người dân thấy được lợi ích mà nó đem lại.
Giờ đây, cây dược liệu được trồng rộng rãi trên địa bàn xã với diện tích 247,54 ha; trong đó, diện tích trồng mới là 79,54 ha, tăng 4,9 ha so với cùng kỳ; diện tích chăm sóc cho thu hoạch là 168 ha, gồm các loại: Đương quy, Đan sâm, Sinh địa, Giảo cổ lam, Ngũ gia bì gai, gừng, nghệ,... Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ cây dược liệu. Để mở rộng và phát triển sản xuất dược liệu trên địa bàn xã, Đảng ủy, chính quyền xã chỉ đạo bộ phận chuyên môn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Kết quả có 2 hợp tác xã (HTX) và 2 doanh nghiệp là Công ty Cổ phân Thương mại phát triển NLN Bình Minh 3, Công ty Cổ phần Dược liệu Anvy Hà Giang tham gia đầu tư phát triển sản xuất dược liệu. Anh Lùi Xuân Thanh, Giám đốc HTX Dân quân cho biết: “HTX mới được thành lập trong năm 2017, sau khi được Đảng, chính quyền huyện, xã vận động, chúng tôi liên kết với Công ty Anvy Hà Giang trồng được 5,5 ha Đan sâm, đang chờ thu hoạch. Nếu vụ này được mùa, được giá thì chúng tôi sẽ mở rộng diện tích”.
Để có được kết quả trên là nhờ sự tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân của tổ chức cơ sở Đảng ở từng thôn. Bí thư Chi bộ thôn Bó lách, Vàng Pháng Sèng, cho biết: “Để trở thành một thôn đạt các tiêu chí về Nông thôn mới, Chi bộ có nhiệm vụ là hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế. Cả Chi bộ có 14 đảng viên, chúng tôi phân công mỗi đồng chí phụ trách giúp đỡ từ 7 – 8 hộ nghèo. Để nhân dân tin tưởng và làm theo, thì bản thân mỗi đảng viên trong Chi bộ phải nêu gương làm trước. Nhà tôi đã đi đầu trồng thử 2.000 m2 cây Đương quy Nhật Bản, giá giống là 2 triệu đồng/kg, sau vụ thu hoạch được khoảng 30 kg hạt giống để bán. Bên cạnh đó còn trồng 2.000 m2 cây Ngưu tất để bán hạt. Sau khi có hiệu quả, thu nhập gấp mấy lần trồng ngô, lúa thì mới đi tuyên truyền cho bà con làm theo”. Bằng cách làm cụ thể, thời gian qua, toàn thôn xây dựng được 7 mô hình gồm: Nuôi bò vỗ béo, trồng cây Đương quy, nuôi thỏ, trồng Ngũ gia bì làm hàng rào xanh, nuôi ong, trồng ngô “5 cùng”, nuôi lợn sinh sản; bình quân thu nhập từ 20 – 25 triệu đồng/người/năm.
Bí thư Đảng ủy xã Quyết Tiến, Trần Đức Mạnh cho biết thêm: “Đảng ủy cơ sở đã lãnh đạo chính quyền và nhân dân phối hợp với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai các mô hình kinh tế có hiệu quả. Áp dụng vào thực tế ở địa phương, đã có nhiều mô hình kinh tế mới, cách làm hay được xây dựng như: Mô hình xây bể biogas gắn với chăn nuôi lợn hàng hóa; trang trại trồng nấm; nuôi thỏ; trồng dược liệu... Nghị quyết 209 về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của HĐND tỉnh cũng đã tạo điều kiện cho 32 hộ vay vốn, với tổng số tiền là 6,515 tỷ đồng để chăn nuôi trâu, bò, xây dựng chuồng trại và trồng cây dược liệu. Từ đó giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Hiện nhân dân trong xã đã trồng 400,3 ha rau các loại; chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi được 558,3 ha. Nhiều hộ chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại với quy mô từ 10 – 50 con trâu, bò trở lên, đây là điều mà trước kia người dân chưa dám làm vì thiếu vốn và kỹ thuật. Nâng tổng đàn trâu, bò của xã lên 3.138 con; đàn ngựa có 39 con; đàn lợn là 9.221 con; đàn dê là 131 con; đàn gia cầm có 38.800 con; đàn ong có 516 tổ... Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giúp nâng thu nhập bình quân đạt 27 triệu đồng/người/năm”.
Lê Hải
Ý kiến bạn đọc