Truyền thống cách mạng – "điểm tựa" và "động lực" trên quê hương Bắc Quang
BHG - Nói đến Bắc Quang, nhiều người không chỉ biết đến huyện cửa ngõ của tỉnh, vùng đất của cam, chè mà còn biết đến một miền quê cách mạng với truyền thống đấu tranh cách mạng đầy tự hào. Đảng bộ huyện Bắc Quang đã trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, được hình thành từ những ngày gian khó, khi đất nước đang bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân pháp đầy khốc liệt. Ngày 15.5.1947 là dấu mốc đánh dấu sự ra đời của Đảng bộ huyện Bắc Quang từ Chi bộ Đảng đã được Đảng bộ tỉnh xây dựng từ trước đó.
Trải qua 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, huyện Bắc Quang đã không ngừng lớn mạnh. Trong gian khó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đã đoàn kết một lòng, một dạ, dốc sức thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, góp phần cùng với tỉnh và cả nước chiến thắng trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành độc lập dân tộc; chiến thắng trong các cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc; tích cực thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, giành nhiều thành tựu quan trọng.
Bí thư Huyện ủy Bắc Quang Trần Văn Hòa (người đứng đầu) thăm mô hình nuôi bò tại xã Tân Quang. Ảnh: Thu Phương |
Bắc Quang 70 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, từ một địa phương miền núi với nhiều khó khăn, giờ đã trở thành một trong những huyện động lực của tỉnh. Đảng bộ huyện từ xuất phát điểm là một tổ Đảng có 4 đảng viên vào tháng 12.1946, đến tháng 4.2017 đã có một đội ngũ đảng viên hùng hậu với 9.430 đồng chí. Không chỉ là “chiếc nôi” cách mạng, tiên phong trong cuộc đấu tranh chống thực dân, phong kiến và các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của miền đất Hà Giang, tự hào trong truyền thống phát triển của Đảng bộ, đã bồi dưỡng, rèn luyện nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên trưởng thành, giữ nhiều chức vụ chủ chốt của tỉnh qua các thời kỳ.
Phát huy truyền thống của địa phương, những năm qua Đảng bộ huyện Bắc Quang luôn quan tâm đến công tác xây dựng hệ thống chính trị. Đảng bộ luôn quan tâm, nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; tăng cường việc đổi mới tác phong, lề lối làm việc, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến thôn, tổ dân phố; quyết liệt trong cải cách hành chính. Gần đây, Bắc Quang trở thành địa phương đi đầu trong tỉnh tổ chức thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các trường học và một số cơ quan, đơn vị. Đảng bộ cũng đi đầu trong tỉnh khi thành lập 4 được Đảng bộ khối cơ quan; một số đơn vị hành chính, sự nghiệp công lập đã được sáp nhập theo hướng tinh giảm đầu mối và chức danh quản lí; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền và thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; thực hiện tốt quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc...
Phát huy những tiềm năng, lợi thế của một địa phương cửa ngõ của tỉnh, những năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nền kinh tế của huyện có sự chuyển dịch mạnh theo hướng tích cực. Bắc Quang là địa phương đã hình thành rất rõ những vùng sản xuất hàng hóa tập trung như lúa, lạc, cam, chè. Và có một điều đặc biệt, người nông dân ở huyện Bắc Quang được biết đến là những người không chỉ đảm bảo đủ lương thực cho sinh hoạt mà câu chuyện làm giàu từ nông nghiệp đang là đề tài khá sôi nổi ở đây. Những người nông dân với thu nhập hàng tỷ đồng/năm trên địa bàn đã không còn là chuyện lạ trong nhiều năm qua. Là đầu tàu ngành nông nghiệp của tỉnh, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2016 đạt 1.466,2 tỷ đồng; giá trị sản phẩm thu hoạch/1ha đất trồng cây hàng năm đạt 62,15 triệu đồng.
Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn luôn có sự phát triển mạnh; toàn huyện hiện có 30 hợp tác xã, 98 doanh nghiệp tư nhân và 79 cơ sở sản xuất thủ công nghiệp. Trong chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, toàn huyện có 3 xã đạt chuẩn xây dựng Nông thôn mới. Diện mạo nông nghiệp, nông thôn ngày càng đổi mới, Bắc Quang được coi là một trong những địa phương có sự cơ giới hóa nông nghiệp dẫn đầu của tỉnh, mang đến những hiệu quả sản xuất rõ rệt.
Song song với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa xã hội của huyện cũng đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Với sự phát triển của lĩnh vực giáo dục – đào tạo, Bắc Quang tự hào là nơi đi đầu trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh. Đến nay, toàn huyện có 93 trường học với cơ sở vật chất tương đối ổn định, trong đó trường THPT Hùng An trở thành trường THPT đầu tiên của tỉnh được công nhận trường chuẩn Quốc gia. Với những nỗ lực quan tâm, đầu tư cho lĩnh vực văn hóa - xã hội, đến nay 100% số xã, thị trấn đã đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được phát triển mạnh và có chất lượng, hiện tất cả các thôn, tổ dân phố trong toàn huyện đều có nhà văn hóa; số gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” có 21.500/26.902 hộ đạt 79,91%; có 206/236 thôn, tổ dân phố văn hóa đạt danh hiệu “thôn, tổ dân phố văn hóa” đạt 87,2%; có 164/187 cơ quan, đơn vị văn hóa đạt 87,7%...
Ghi nhận thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Bắc Quang đã đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển 70 năm qua, huyện Bắc Quang đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đó là niềm tự hào, là điểm tựa để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện tiếp tục vươn lên, vượt qua khó khăn trong quá trình hội nhập và phát triển, dành được nhiều thắng lợi hơn nữa trong công cuộc phát triển KT – XH, xây dựng Bắc Quang trở thành một địa phương vững mạnh của miền đất Hà Giang.
HUY TOÁN
Ý kiến bạn đọc