Nỗ lực diệt “giặc đói” nơi địa đầu Tổ quốc
Kỳ I - Bước chuyển mình trong sản xuất nông nghiệp
Từ năm 2013, Hà Giang không phải xin Trung ương cứu đói - Thông điệp được Chủ tịch UBND tỉnh Đàm Văn Bông đưa ra tại buổi làm việc của Tổng Bí thư BCH T.Ư Đảng Nguyễn Phú Trọng với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh ta tháng 8 vừa qua đã tạo sức lan tỏa và nhân bội niềm vui, niềm hy vọng. Chỉ một cụm từ ngắn ngủi, nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa, khẳng định quá trình phấn đấu không mệt mỏi, sức vươn mãnh liệt của đất và người nơi cực Bắc thân yêu.
Vụ Đông này, gia đình bà Nguyễn Thị Ngọ, thôn Làng Cúng, xã Đạo Đức (Vị Xuyên) đã thực hiện được quyết tâm không để đất trống. Với gần 4 nghìn m2 đất sản xuất nông nghiệp, sau khi thu hoạch xong vụ Mùa, bà cùng các thành viên trong gia đình lại bắt tay vào cày ải, làm đất chuẩn bị cho vụ mới. Trên diện tích đó, bà Ngọ dành hơn 2 nghìn m2 trồng ngô, trên 1 nghìn m2 trồng cải Xa - lát và hơn 600 m2 trồng cà chua. Đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng vụ Đông ngút màu xanh, bà Ngọ cho biết, cây ngô hàng hóa được gia đình cùng người dân Đạo Đức trồng từ nhiều năm nay, nó cho hiệu quả kinh tế cao. Đối với cây cải Xa - lát tuy mới bén rễ đồng đất Đạo Đức 3 vụ, nhưng đã khẳng định tính ưu việt, đó là không tốn công chăm bón, nhanh cho thu hoạch, đầu ra sản phẩm ổn định, doanh nghiệp đã ký hợp đồng, cung cấp giống và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Còn cây cà chua, năm nay bà Ngọ mạnh dạn đưa vào trồng thử nghiệm, nếu kết quả tốt sẽ tiếp tục duy trì những vụ sau.
Người dân xã Đạo Đức chăm sóc diện tích trồng cải Xa - lát.
Anh Nguyễn Xuân Tình mới được điều động từ phòng NN-PTNT Vị Xuyên, về đảm nhiệm công việc khuyến nông xã Đạo Đức cười hớn hở khi xắn quần lội ruộng cải Xa - lát nhổ cỏ cùng người dân. Theo anh Tình, trước đây việc trồng cây vụ Đông ở Đạo Đức rất khó, thu hoạch xong vụ Mùa, nông dân bỏ đất trống mấy tháng ròng nên cảnh đói giáp hạt cũng xảy ra với người dân cửa ngõ thành phố. Thế nhưng, 3 năm trở lại đây, sản xuất vụ Đông đã trở thành phong trào, được người dân tích cực hưởng ứng. Góp thêm câu chuyện vui trên đồng, bà Ngọ bộc bạch, nếu năm nay Công ty TNHH Vạn Đạt - doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cung cấp đủ giống, diện tích trồng cải Xa - lát sẽ phủ xanh toàn bộ đồng đất Đạo Đức.
Đem câu chuyện về sự thay đổi tư duy trong sản xuất của người dân trao đổi với lãnh đạo huyện Vị Xuyên, chúng tôi nhận được khẳng định, việc đưa cây vụ Đông vào gieo trồng thực sự là cuộc cách mạng với người nông dân. Năm 2013, diện tích gieo trồng cây vụ Đông có sự tăng đột biến, đặc biệt những cây trồng có giá trị cao, phù hợp thị trường đều tăng cao so với cùng kỳ, năng suất, sản lượng cũng vượt kế hoạch. Sự chuyển biến này xuất phát từ những thay đổi trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kế hoạch, phương án sản xuất được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo có tính hệ thống bắt đầu từ xây dựng cơ cấu thời vụ, giống vụ Xuân, vụ Mùa nhằm tạo quỹ đất và thời gian cho vụ Đông. Đồng thời, các chính sách khuyến khích được triển khai như hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật, thủy lợi... đã tạo động lực thúc đẩy người nông dân hăng hái sản xuất.
Trên cơ sở kết quả đạt được, năm nay huyện Vị Xuyên tiếp tục chủ trương đẩy mạnh sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, quy mô lớn, gắn chế biến và tiêu thụ sản phẩm; thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Trong đó, vụ Đông gieo trồng 1.100 ha gồm 205 ha ngô, khoai lang 100 ha, 630 ha rau các loại, cải Xa - lát 20 ha... Đến nay đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu, cây vụ Đông được người dân chăm bón đúng quy trình nên sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn đem lại cuộc sống ấm no.
Chuyển biến trên cánh đồng Vị Xuyên là một điển hình, chứng minh thành công từ những quan điểm chỉ đạo mới trong phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh xác định, sản xuất lúa, ngô hàng hóa tập trung gắn chế biến là một nội dung của “4 đổi mới, 8 đột phá, 15 chương trình trọng tâm”. Từ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, sự năng động của ngành chuyên môn, tinh thần vào cuộc quyết liệt của người dân... những chính sách đã thực sự đi vào cuộc sống, đang phát huy hiệu quả tích cực, tạo sức lan tỏa lớn. Qua 4 năm triển khai nghị quyết, tổng diện tích lúa hàng hóa toàn tỉnh thực hiện được trên 29 nghìn ha, sản lượng đạt gần 114 nghìn tấn, tổng giá trị thu nhập đạt gần 213 tỷ đồng. Đối với cây ngô hàng hóa, tổng diện tích gieo trồng đạt trên 33,4 nghìn ha, sản lượng trên 93,4 nghìn tấn, giá trị thu nhập gần 205 tỷ đồng.
Một trong những thành công của chương trình sản xuất lúa, ngô hàng hóa là các huyện đã chủ động lựa chọn được bộ giống phù hợp, thay đổi hoàn toàn giống lúa lai sang lúa thuần chất lượng cao. Còn cây ngô, việc sử dụng các giống lai tăng mạnh, đạt gần 20% giai đoạn 2011-2014. Sản xuất lúa, ngô hàng hóa từ chủ trương đã trở thành hành động cụ thể, được triển khai vào thực tiễn, góp phần tích cực giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người nông dân, chuyển dần từ tư duy làm ăn nhỏ lẻ, manh mún sang tập trung, quy mô lớn. Đồng thời, nó cũng góp phần thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác.
Quan điểm và phương châm chỉ đạo sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã bắt đúng nhịp, giải quyết được vấn đề nội tại đang diễn ra ở địa phương và đã phát huy hiệu quả. Nếu như, năm 2014 nhiều lĩnh vực sản xuất của tỉnh gặp khó khăn, thì nông nghiệp vẫn giữ vững vai trò, phát huy tốt vị trí chủ đạo trong nền kinh tế. Qua các vụ sản xuất, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt trên 177 nghìn ha, tăng trên 8 nghìn ha so với năm trước, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 386 nghìn tấn, diện tích cây trồng vụ Đông đạt trên 10,5 nghìn ha, giá trị sản phẩm/ha canh tác cây hàng năm đạt trên 39 triệu đồng, giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản đạt trên 7,7 nghìn tỷ đồng. Sản phẩm người nông dân làm ra, không những đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong gia đình, còn trở thành hàng hóa - điều trước đây chưa bao giờ có.
Kỳ II: Từng bước mở rộng hệ thống thủy lợi.
Ý kiến bạn đọc