Kỳ cuối - Phát huy thế mạnh đàn gia súc

Nỗ lực diệt “giặc đói” nơi địa đầu Tổ quốc

08:15, 27/12/2014

HGĐT- Những ngày chớm Đông, Mèo Vạc chìm trong cái lạnh se sắt. Gió mùa Đông Bắc tràn về, thổi hun hút, len lỏi khắp ngõ ngách mảnh đất vùng biên, sương giăng trắng núi. Vậy mà từ sáng sớm, thị trấn Mèo Vạc được đánh thức bởi tiếng huyên náo của dòng người xuống chợ phiên - chợ bò họp vào Chủ Nhật hàng tuần. Trên các nẻo đường men theo triền núi, người dân đổ về chợ trung tâm huyện cùng những chú bò béo mượt, bụng căng tròn.
* Kỳ I - Bước chuyển mình trong sản xuất nông nghiệp
* Kỳ II - Từng bước mở rộng hệ thống thủy lợi



Chăn nuôi đại gia súc mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân Hoàng Su Phì.


Chợ bò Mèo Vạc có từ lâu và đã nổi tiếng khắp vùng, mỗi phiên chợ thương lái từ các tỉnh miền xuôi đánh hàng đoàn xe tải, thu mua hàng trăm con gia súc. Trâu, bò vùng cao, nuôi trên núi thớ thịt săn chắc, thơm ngon nên người miền xuôi vốn bội thực với các sản phẩm công nghiệp, nuôi tăng trọng săn lùng gắt gao, có thời điểm cung không đủ cầu. Anh Nguyễn Văn Hùng, thương lái đến từ tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, từ nhiều năm nay vào ngày chợ phiên anh đều đánh xe lên Mèo Vạc thu gom bò, dê, ngựa về đổ mối cho các cơ sở giết mổ dưới xuôi. Thương hiệu bò vùng cao được nhiều người ưa chuộng nên gần đây có cả thương lái các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội lên thu mua.


Phiên chợ bò những ngày cuối năm, khi đồng bào Mông chuẩn bị đón Tết sớm như đông vui hơn. Anh Vừ Mí Già, nhà ở mãi Khau Vai, cách chợ trung tâm huyện cả chục cây số, xuống chợ phiên anh phải dậy từ khi con gà mới gáy. Khoác trên mình bộ quần áo ấm, Già xuống chợ với chú bò mộng, lông vàng óng. Con bò vàng vạm vỡ vừa đến đầu phố huyện đã có thương lái săn đón, bán được hàng sớm, gặp chiến hữu giữa chợ, bàn rượu và bát thắng cố bốc hơi nghi ngút được bê lên. Tôi - người bạn mới quen cũng được mời, nâng chén rượu ấm nồng giữa trời đông lạnh, Vừ Mí Già khoe, trong chuồng lúc nào cũng có vài con bò, lợn, dê. Chăn nuôi gia súc đã mang lại cho gia đình nguồn thu đáng kể, đã sắm được nhiều tiện nghi phục vụ sinh hoạt. Trong số đó, Vừ Mí Già thích nhất là cái tivi màu 21 in, hàng ngày bật nó lên là biết được chuyện đông tây kim cổ, biết các chính sách của Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc, học được những cách làm hay áp dụng thực tế vào sản xuất, chăn nuôi của gia đình. Không chỉ gia đình Già, trong xã nhiều hộ nghèo cũng được Nhà nước hỗ trợ gia súc, mới đầu chỉ một con, sau đó cứ nhân lên thành đàn nhỏ, đàn lớn.


Nhận thấy những lợi thế trong phát triển chăn nuôi, nhất là đàn đại gia súc với giống địa phương quý hiếm, từ nhiều năm trước, tỉnh ta đã có chủ trương phát triển chăn nuôi đại gia súc hàng hóa với các con chủ lực trâu, bò, lợn, dê, ngựa. Thực hiện mục tiêu này, hàng loạt chính sách sớm được tỉnh ban hành, chỉ đạo triển khai quyết liệt như chương trình phát triển chăn nuôi đại gia súc gắn với thâm canh, triển khai công tác thụ tinh nhân tạo cho đàn bò nhằm cải thiện tầm vóc, giữ lại nguồn gen quý hiếm; hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo chưa có trâu, bò phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản; triển khai chấm điểm thi đua giữa ngành, cấp trong phòng, chống dịch bệnh và đói, rét cho đàn gia súc.


Chuyện chống đói, chống rét cho “đầu cơ nghiệp” trong mùa Đông thời gian gần đây đã có sự chuyển biến rõ nét. Mặc dù có chính sách phát triển, tổng đàn gia súc tăng hàng năm, nhưng chăn nuôi luôn phải đối mặt với rủi ro, chỉ một chút chủ quan, thành quả gây dựng bao năm có thể tan theo những ngọn gió Đông. Đến thời điểm này, hẳn nhiều người nông dân vẫn chưa thể quên đợt rét đậm, rét hại năm 2008 đã đốn gục 17.689 con trâu, bò, nhiều đàn trâu thả rông trên rừng, sau một đêm chết sạch, đẩy hàng loạt gia đình vào cảnh trắng tay. Gần đây hơn, đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2011 cũng làm chết 7.560 con trâu, bò, dịch LMLM và bệnh tụ huyết trùng làm chết 1.534 con. Trâu bò chết, hậu quả để lại rất nặng nề, nó phá vỡ thành quả ngành chăn nuôi, vốn hỗ trợ của Nhà nước bị mất, còn người dân lại rơi vào đói nghèo. Nói như anh Nguyễn Chí Thâm, tân Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, bảo vệ “đầu cơ nghiệp” không chỉ là trách nhiệm của riêng người dân. Mỗi con trâu, bò chết vì rét, vì đói, có thể người dân coi đó là bình thường, nhưng ông Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch huyện phải thấy xót xa, có như vậy mới sát sao trong chỉ đạo. Nhậm chức chưa được nhiều thời gian, Chủ tịch Nguyễn Chí Thâm đã dành nhiều ngày đi cơ sở và nhận thấy, trên chỉ đạo quyết liệt, nhưng dân thì vẫn thờ ở, chủ quan, nếu cán bộ chỉ ngồi trên hô hào chung chung, không đi thực tế thì rất khó chỉ đạo, vận động dân làm chuồng trại chống rét, trồng cỏ làm thức ăn gia súc.


Người vùng cao từ nhiều đời nay, làm đủ ăn đã khó chứ chưa nói gì đến chuyện làm giàu. Bao nhiêu năm vẫn cứ mãi điệp khúc trồng cây gì, nuôi con gì, cán bộ yêu cầu dân phải suy nghĩ, dân thì đợi cán bộ chỉ cho, cái vòng luẩn quẩn ấy mãi không thoát ra được. Không thể duy trì mãi tư duy này được, nhiều năm trở lại đây, tỉnh đã chỉ rõ trong chăn nuôi phải tập trung phát triển đàn đại gia súc thế mạnh, đi kèm với nó là hàng loạt chính sách hỗ trợ và đang phát huy hiệu quả. Đến nay, ngành chăn nuôi có thể tự hào bởi tổng đàn trâu đã tăng lên trên 158 nghìn con, đàn bò trên 105 nghìn con, ngựa trên 4 nghìn con, mỗi năm xuất bán gần trăm nghìn con gia súc các loại. Một trong những yếu tố quan trọng để đàn gia súc phát triển tốt đó là phải đảm bảo nguồn thức ăn, nhất là trong mùa Đông, chính vì vậy hàng nghìn ha đất trống, đất trồng cây nông nghiệp hiệu quả kinh tế thấp được sang trồng cỏ. Với sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước về giống, công tác khuyến nông, toàn tỉnh có gần 32 nghìn ha cỏ, đáp ứng tốt nhu cầu thức ăn cho chăn nuôi.


Đầu tư cho thủy lợi, phát triển sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi đại gia súc hàng hóa... đã thực sự mang lại cơm no, áo ấm, “giặc đói” đã thực sự bị đẩy lùi ra khỏi cuộc sống đồng bào các dân tộc nơi mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Còn nhớ, cách đây mấy mươi năm, khi lên thăm, nói chuyện với Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc tỉnh ta, Bác Hồ kính yêu ân cần căn dặn: Đồng bào phải ra sức tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để làm cho mọi người áo ấm, cơm no; muốn sản xuất tốt phải có đủ nước, nhiều phân bón và cải tiến nông cụ; cần phải phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn... là nguồn lợi lớn lại là nguồn phân bón ruộng nương. Thực hiện lời dạy của Người, Hà Giang đang từng bước vươn lên thoát nghèo, người dân có đủ áo ấm, cơm no đúng như Bác kính yêu hằng mong muốn.


THIÊN THANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đảng bộ xã Lũng Chinh cụ thể hóa lời dạy của Bác
HGĐT- Trong những ngày đầu của tháng cuối năm 2014, chúng tôi có dịp lên xã Lũng Chinh (Mèo Vạc) với cái rét đầu Đông, làn sương mờ phủ kín những ngôi nhà xa xăm, được tận mắt chứng kiến sự đổi thay của một xã vùng cao còn nhiều khó khăn. Qua câu chuyện của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, được biết xã Lũng Chinh đã có nhiều việc làm cụ thể, mang lại hiệu quả rõ rệt trong thực
27/12/2014
Nỗ lực diệt “giặc đói” nơi địa đầu Tổ quốc
Kỳ II- Từng bước mở rộng hệ thống thủy lợiTheo ghi nhận của các chuyên gia nông nghiệp, một mùa vụ sản xuất thành công, có sự đóng góp rất lớn của hệ thống thủy lợi. Thực tế sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy, diện tích đất nông nghiệp không mở rộng thêm, thậm chí còn bị thu hẹp để phục vụ các công trình quốc kế dân sinh. * Bước chuyển mình trong
25/12/2014
Phát động đợt thi đua cao điểm “Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ” và “8 lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Hà Giang”
HGĐT - Bộ CHQS tỉnh vừa phát động đợt thi đua cao điểm với chủ đề “Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ” và “8 lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang”; thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22.12.1944 - 2014) và 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22.12.1989 - 2014); 68 năm Ngày truyền thống LLVT Quân khu 2
25/10/2014
Quản Bạ tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua “Thực hiện 8 lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Hà Giang”
HGĐT-Ngày 24.9, huyện Quản Bạ đã tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua “Thực hiện 8 lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang”. Dự Lễ phát động có đồng chí Chúng Thị Chiên, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ HĐND tỉnh, lãnh đạo Ban thi đua khen thưởng tỉnh.
25/09/2014