Xã Vĩnh Phúc chú trọng chất lượng cây ăn quả
HGĐT- Từ gốc bưởi Diễn sẽ cho thu hoạch hàng tạ quả... cam Vinh; những vườn nhãn gần chục năm tuổi được đốn thấp, tạo chồi mới để ghép cành, mang đến mùa nhãn chín muộn và thu rải vụ. Đây là cách làm sáng tạo của xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang), trong việc áp dụng phương pháp ghép cải tạo nhãn, bưởi nhằm nâng cao chất lượng cây ăn quả...
Hiện 80 ha đất vườn tạp trồng các loại cây ăn quả như nhãn, bưởi trên địa bàn xã Vĩnh Phúc đã khẳng định tính thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để tăng thu nhập cho người trồng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Cây trồng đã già cỗi, chất lượng giống không đảm bảo, người trồng ít chú trọng chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Đặc biệt, cây bưởi Diễn sinh trưởng, phát triển tốt nhưng chất lượng quả thấp, tép bưởi khô... Tất cả những hạn chế trên đã làm giảm thu nhập của nhà vườn, khiến việc phát triển cây trồng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của xã; trongkhi Vĩnh Phúc được biết đến là một trong những địa phương phát triển mạnh về cây ăn quả của huyện Bắc Quang. Từ thực tế trên, nếu cải tạo vườn cây ăn quả theo hướng chặt bỏ và trồng mới thì 3-4 năm sau, cây trồng mới cho thu hoạch. Điều đó làm tốn nhiều công chăm sóc và tăng chi phí đầu tư. Do vậy, để nâng cao chất lượng cây ăn quả, xã Vĩnh Phúc đã lựa chọn phương pháp ghép cải tạo đối với những cây nhãn, bưởi khỏe mạnh, không bị sâu bệnh hại di truyền.
Cán bộ xã Vĩnh Phúc kiểm tra sự phát triển cành ghép tại vườn nhãn của gia đình chị Hoàng Thị Hoa.
Từ tháng 5 đến nay, vườn nhãn 22 cây của gia đình chị Hoàng Thị Hoa (thôn Vĩnh Sơn) đã áp dụng phương pháp ghép đoạn cành (ghép trực tiếp vào đầu cành) với những cây nhãn dưới 8 năm tuổi. Còn với những cây trên 8 năm tuổi được gia đình chị cưa, đốn thấp, tạo chồi mới rồi thực hiện ghép cải tạo bằng giống nhãn chín muộn PHM99-1.1 (hay còn gọi là giống nhãn chín muộn miền Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, khi phương pháp này thành công, sẽ mang đến cho nhà vườn giống nhãn quả to, tròn có màu vàng sáng (khoảng 50-70 quả/1kg); vỏ dày, nhiều gai nổi rõ, ít bị nứt quả, ăn có vị ngọt đậm, thơm mát và là một trong những giống nhãn quý cho năng suất cao. Đặc biệt, nhãn muộn có thời gian thu hoạch khác biệt so với nhãn Lồng chính vụ (khoảng từ đầu tháng 9 đến giữa tháng 10) và thời gian treo quả trên cây dài nên có thể thu hoạch rải vụ, bán với giá cao. Mặt khác, đặc điểm nổi trội của giống nhãn muộn chính là tỷ lệ ra hoa, đậu quả cao và ổn định đều giữa các năm so với giống nhãn thường.Trong tháng 5 và tháng 6, gia đình ông Nguyễn Quang Huy, Lý Hữu Cao (thôn Vĩnh Ban) đã thực hiện phương pháp ghép áp bên, để ghép chuyển đổi 5.000 mắt ghép giống cam Vinh (Cam xã Đoài, lòng vàng – giống cam đặc sản của tỉnh Nghệ An) trên 100 gốc bưởi Diễn. Đến nay, các mắt ghép này đã cho kết quả khả quan sinh trưởng, phát triển tốt. Trong tương lai gần, xã Vĩnh Phúc sẽ có những vườn cam ghép cho quả to, tròn, vỏ mỏng mầu vàng sáng, có múi mọng, vị ngọt thanh, được thị trường ưa chuộng. Hơn nữa, đây còn là giống cam cho năng suất cao, ổn định và chín sớm hơn so với giống cam sành địa phương (thời gian thu hoạch từ tháng 9 đến tháng 11).
Thực tế cho thấy, cách làm trên của chính quyền sở tại có tiền lệ tốt khi trước đó, nhiều hộ dân trong xã đã thực hiện phương pháp này một cách hiệu quả. Trong đó, tiêu biểu như gia đình chị Nguyễn Thị Bẩy (thôn Vĩnh Ban). Từ 180 gốc bưởi Diễn cho hiệu quả kinh tế thấp được gia đình chị chuyển đổi bằng cách ghép mắt cam Vinh trên chính cây bưởi Diễn. Ban đầu, cách làm này khiến nhiều hộ hoài nghi về tính khả thi. Song, chỉ một năm sau, vườn cam ghép bói quả đã chứng minh tính hiệu quả nên được nhiều gia đình khác học tập, làm theo. “Dù mới bước sang năm thứ 2, nhưng vụ này, vườn cam ghép cho gia đình tôi thu 4 tấn quả; với giá bán tại vườn đạt từ 22-23.000 đồng/kg. Nếu thời tiết hồi tháng 4 thuận lợi để cây đậu quả thì chắc chắn sản lượng cam không dừng lại ở con số khiêm tốn 4 tấn đâu”, chị Bẩy hồ hởi chia sẻ. Còn đối với phương ghép cải tạo nhãn, nhiều năm trở lại đây, vườn nhãn trên 100 cây của gia đình anh Bùi Văn Hiệp (thôn Vĩnh Sơn) đã chứng minh tính ưu việt của phương pháp ghép này; khi cây phát triển khỏe, có tỉ lệ đậu quả cao và đạt năng suất trên 1,5 tạ quả/cây, mang lại nhiều lợi nhuận kinh tế cho gia đình.
Với phương pháp ghép cải tạo vườn nhãn, bưởi địa phương bằng giống nhãn chín muộn hay chuyển đổi giống bưởi Diễn sang cam Vinh, chỉ sau một năm, cây trồng sẽ cho thu hoạch. Cách làm này của xã Vĩnh Phúc không chỉ từng bước nâng cao chất lượng cây ăn quả, tăng trị kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác mà còn thiết thực làm tốt lời Bác dạy khi Người lên thăm Hà Giang (tháng 3.1961): “Đồng bào phải chú ý hơn nữa bảo vệ rừng và trồng cây gây rừng. Trồng cây ăn quả và cây làm thuốc”...
Ý kiến bạn đọc