Về nơi “thắp sáng” lời Bác dạy
HGĐT- Có một nơi, chỉ cách đây chưa đầy một tháng, giữa màn đêm tĩnh lặng của miền quê vẫn âm vang tiếng bi bô học chữ của những học sinh thuộc thế hệ... bố, mẹ. Cũng tại đây, sau thời gian nông nhàn, họ cùng nhau học cách tăng gia sản xuất. Không một ai có thể phủ nhận kiến thức bổ ích qua những buổi học ấy đã giúp họ nâng cao dân trí, tăng thu nhập cho gia đình... Nơi ấy, chính là Trung tâm Học tập cộng đồng (TTHTCĐ) xã Quang Minh (Bắc Quang).
TTHTCĐ xã Quang Minh được ví như ngôi nhà “thắp sáng” lời Bác dạy khi Người lên thăm Hà Giang, tháng 3.1961. Bởi nơi ấy vừa diễn ra lớp học xóa mù chữ theo tinh thần của Bác: “Đồng bào phải cố gắng xóa nạn mù chữ, phải biết đọc, biết viết thì làm ăn mới tiến bộ”. Không những vậy, TTHTCĐ còn phối hợp với nhiều đơn vị hữu quan, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân địa phương, để thiết thực làm tốt lời Bác dạy: “Đồng bào phải ra sức tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để làm cho mọi người áo ấm, cơm no”.
Sau lớp học xóa mù, chị Hiền (ngoài cùng, bên phải) vẫn dành thời gian dạy chữ cho đồng bào Nùng ở Pù Ngọm.
Pù Ngọm là thôn có nhiều xuất phát điểm thấp về cơ sở hạ tầng, trình độ dân trí so với các thôn khác trên địa bàn xã Quang Minh. Ở đây, tập trung chủ yếu đồng bào Nùng, từ xã Nàng Đôn (Hoàng Su Phì) chuyển về sinh sống. Qua khảo sát của chính quyền địa phương, Pù Ngọm chiếm số lượng người không biết chữ hoặc tái mù chữ nhiều nhất xã (trong đó có 35 hội viên phụ nữ). Việc không biết đọc, biết viết tiếng Việt của đồng bào để lại nhiều câu chuyện bi hài... Cả gia đình chị Lù Thị Ve đều không biết đọc, biết viết. Rồi một ngày, chị Ve đổ bệnh phải điều trị tại cơ sở y tế. Trước khi về nhà, dù đã được bác sỹ dặn dò kỹ cách sử dụng thuốc. Nhưng vì cả nhà không biết chữ, chị Ve phải đợi 1 ngày sau mới tìm được người biết chữ, nhờ họ chỉ giúp cách sử dụng thuốc. Do vậy, quá trình trị bệnh của chị chậm lại một ngày, khiến sức khỏe bị ảnh hưởng xấu. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp khi phải sử dụng chữ ký vào các giấy tờ liên quan, tự ngượng ngùng vì chỉ biết điểm chỉ, trong khi người bên cạnh biết viết chữ... Thực tế chứng minh, việc không biết đọc, biết viết giữa sự phát triển không ngừng của cuộc sống hiện đại, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển toàn diện của con người. Từ đó, có thể dẫn đến những thiếu sót đáng tiếc cho bản thân hoặc phương hại đến lợi ích kinh tế...
Trước thực tế trên, từ tháng 7 đến tháng 9.2014, TTHTCĐ xã Quang Minh phối hợp với Hội LHPN xã, mở lớp học xóa mù chữ cho 35 hội viên của thôn Pù Ngọm. Lớp học đặc biệt này được “cô giáo” trẻ Lù Thị Hiền (sinh năm 1988) – cán bộ Khuyến nông thôn giảng dạy. Từ đây, phong trào học xóa mù được các học sinh... quá tuổi đến trường theo học tương đối đều vào mỗi tối. Trong đó, tiêu biểu như chị Lù Thị Ve, đã động viên con trai Sin Văn Thức (15 tuổi) cùng theo mẹ đến lớp. Chị tự hào: Con trai học khá, biết nhiều chữ hơn mẹ nên có thể dạy mẹ, dạy bố học thêm chữ được rồi... Kết thúc lớp học xóa mù, đa phần chị em đều biết đọc, biết viết. Tuy nhiên, nhiều chị tuổi đã ngoài 40 hoặc 50 vẫn không tránh khỏi lo lắng nếu... lỡ quên chữ vì ít sử dụng. Do vậy, “học sinh” đề nghị với cô giáo Hiền được tiếp tục đến lớp học chữ. Mặc dù, sau 3 tháng dạy chữ tại lớp xóa mù, số tiền hỗ trợ từ TTHTCĐ dành cho chị Hiền chỉ dừng lại ở con số 1 triệu đồng. Nhưng trước ước muốn cháy bỏng của những “học trò”... phụ huynh, chị Hiền tiếp tục lên lớp, dạy chữ cho đồng bào một cách tự nguyện vào mỗi tối tại Hội trường thôn hoặc nhà riêng. Lên lớp sau ngày lao động vất vả với bộn bề lo toan phát triển kinh tế gia đình nhưng chị vẫn đong đầy nhiệt huyết: “Dù chỉ còn 1 người muốn mình dạy chữ, nhất định mình sẽ dạy. Vì như Bác dạy đấy, chỉ có học chữ thì làm ăn mới tiến bộ”...
Không chỉ có lớp xóa mù chữ, nhiều năm trở lại đây, TTHTCĐ xã Quang Minh còn mở nhiều lớp học để người dân địa phương có thể áp dụng vào tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2014 đến nay, TTHTCĐ đã mở 29 lớp học, thu hút 1.645 lượt người tham gia. Giám đốc TTHTCĐ xã Quang Minh - Nguyễn Khánh Dư - chia sẻ: “Sau quá trình học tập tại TTHTCĐ, các học viên đã biết áp dụng khoa học, kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất để nâng cao thu nhập cho gia đình, thông qua lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi như: Kỹ thuật nuôi lợn nái sinh sản và phòng trị bệnh cho lợn, tập huấn chăn nuôi thủy sản hay trồng ngô”,... Theo đó, người dân đã chú trọng cải tạo ao nuôi, đầu tư thâm canh các loại cá có giá trị kinh tế cao, như bỗng, trắm cỏ, vược... Trong tổng số 88,3 ha ao, hồ chăn nuôi thủy sản, xã đã có 27,5 ha nuôi thâm canh, 38,49 ha nuôi bán thâm canh và chỉ còn 22,3 ha nuôi quảng canh. Áp dụng kiến thức đã được học, tập huấn tại TTHTCĐ về chăn nuôi lợn, người dân thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc, duy trì số lượng đàn vật nuôi. Hiện nay, xã Quang Minh có tổng đàn lợn đạt 7.922 con (chỉ 9 tháng đầu năm, tổng đàn lợn của xã đã vượt so kế hoạch năm, đạt 124,6%) đang mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người chăn nuôi...
“Thắp sáng” lời Bác dạy năm xưa, TTHTCĐ xã Quang Minh đã tạo nên điểm nhấn đầy ấn tượng, khi đồng bào Nùng ở Pù Ngọm thêm yêu và quyết tâm học chữ để nâng cao trình độ dân trí. Còn thế hệ người trưởng thành từ các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật đã áp dụng hiệu quả vào thực tiễn tăng gia sản xuất; “Làm cho mọi người áo ấm, cơm no”, tiến tới làm giàu chính đáng từ chính bàn tay, trí tuệ của mình, như Bác kính yêu hằng mong.
Ý kiến bạn đọc