Tân Lập khắc sâu lời Bác dạy

10:29, 23/09/2014

HGĐT - Nhiều người vẫn ví: Ngủ dậy muộn thì phí mất một ngày, ở tuổi thanh niên mà không học tập thì phí mất cả cuộc đời. Thế nhưng, có những chị ngoài 20 hay những bác tóc đã điểm hoa râm ở tuổi 40 mới bắt đầu đến trường, học những chữ đầu tiên trong Bảng chữ cái tiếng Việt. Dù khởi đầu sự học khi tuổi đã cao, khả năng tiếp thu kiến thức gặp nhiều hạn chế. Song, họ vẫn hào hứng thắp đèn dầu, dò đường tới trường học chữ, sau ngày lao động vất vả với bộn bề lo toan phát triển kinh tế gia đình...


Điều đáng quý trên của đồng bào các dân tộc thiểu số xã Tân Lập (Bắc Quang) được khơi nguồn kiến thức từ chính lời căn dặn năm xưa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi Người lên thăm Hà Giang, vào tháng 3.1961: “Đồng bào phải cố gắng xóa nạn mù chữ, phải biết đọc, biết viết thì làm ăn mới tiến bộ”.



Xóa được nạn mù chữ, ông Siệu biết cách áp dụng khoa học, kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất để phát triển kinh tế hộ.
 

Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập, Triệu Chàn Khuân chia sẻ: Năm 1995, người dân trong xã đã theo học các lớp xóa mù chữ để nâng cao trình độ dân trí. Mặc dù khi ấy, việc vận động những học sinh thuộc thế hệ phụ huynh đến trường gặp không ít khó khăn. Bởi, việc học vào buổi tối (ban ngày dành lớp cho học sinh trong độ tuổi đến trường) trở nên thiếu hiệu quả, sau một ngày phụ huynh thấm mệt vì công việc phát triển kinh tế hộ. Thêm vào đó, tâm lý “đi học cũng ăn cơm, không đi học cũng ăn cơm” trở thành rào cản lớn, ngăn bước phụ huynh đến trường. Song, bằng cách so sánh, chứng minh thiệt, hơn giữa biết và không biết đọc, biết viết tiếng Việt của chính quyền địa phương mà phong trào học xóa mù được khơi dậy. Trong đó, có câu chuyện răn dạy “để đời” của bác Giàng Seo Pao (thôn Nậm Siệu). Chỉ vì không biết chữ, bác đã lấy nhầm thuốc trừ sâu thành thuốc diệt cỏ cháy, phun cho toàn bộ diện tích lúa và chè đang mắc sâu, bệnh hại, khiến “bát cơm, manh áo” ấy bị thiệt hại nặng nề và mất trắng, dưới tác dụng diệt trừ cực mạnh của thuốc diệt cỏ... Cùng với đó, chính quyền sở tại cũng khéo kết hợp giữa chiếu phim màn ảnh rộng với chương trình hướng dẫn khoa học, kỹ thuật về chăn nuôi, sản xuất sau mỗi buổi học để thu hút bà con đến trường học chữ và biết cách áp dụng kiến thức mới vào sản xuất.

 

Trưởng thành từ lớp xóa mù chữ, chị Triệu Mùi Liều chia sẻ: Trước đây, vì đã quen dùng ngôn ngữ của đồng bào Dao nên việc học tiếng Việt ở tuổi 21 với chị thực sự khó khăn. Song, được sự động viên, giúp đỡ của chồng, vượt qua trở ngại về tuổi tác, chị Liều đã đến trường học chữ để biết đọc, biết viết tiếng Việt. Điều đó, giúp chị biết cách phân biệt và sử dụng nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu cuộc sống có trên thị trường. Hơn nữa, bằng chính khả năng đọc, hiểu tiếng Việt, chị đã áp dụng linh hoạt vào trồng trọt, chăn nuôi để cùng chồng đưa kinh tế gia đình đi từ hộ cận nghèo trở thành hộ giàu trong xã.

 

Cũng như chị Liều, học sinh Triệu Giào Siệu (thôn Chu Thượng) gây ấn tượng đặc biệt với chúng tôi. Khi tóc đã điểm hoa râm, yên bề gia thất ở tuổi 40, ông Siệu mới biết đến những chữ cái tiếng Việt đầu tiên. Với suy nghĩ: “Xã hội không ngừng phát triển, mình không đi học là lạc hậu nên nhất định phải học cho bằng được cái chữ”; đến nay, ông Siệu đã biết đọc, biết viết và hiểu được nội dung thông tin qua sách, báo, tạp chí để áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Ông bảo: “Biết đọc thú vị lắm. Vì nhà mình nuôi hàng trăm con gia cầm, lợn và trâu, nếu không biết chữ thì làm sao biết cách sử dụng các loại thuốc phòng, trị bệnh cho đàn vật nuôi, để phát triển kinh tế gia đình hiệu quả?”. Không những vậy, sau lớp xóa mù, ông còn được bà con trong thôn tín nhiệm, bầu giữ nhiều chức vụ công tác quan trọng tại địa phương như: Trưởng xóm 3 (thôn Chu Thượng), công an viên, Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Chu Thượng. Đặc biệt, sau khi “ấm bụng chữ”, ông Siệu quyết tâm “nuôi con hơn cha, cho nhà có phúc”. Và khi ấy, con trai út của ông – anh Triệu Chàn Lụa may mắn hơn các anh chị khác trong gia đình, được theo học hết lớp 12 và học chuyên nghiệp. Đến nay, anh đã là Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lập, giành nhiều thành tích xuất sắc trong cương vị công tác, được chính quyền các cấp ghi nhận, người dân yêu mến...

 

Mặc dù hiện nay trong lớp xóa mù ấy có khoảng 10% những người ở độ tuổi trên 50, tái mù chữ. Song, để bù lại những thiếu sót trên con đường học vấn của mình, họ động viên con, cháu theo học các trường chuyên nghiệp để có cơ hội phát triển toàn diện bản thân. Bắt đầu từ năm 2006, xã Tân Lập có 1 học sinh đầu tiên thi đỗ đại học. Đến năm 2014, đã có 5 em trở thành tân sinh viên của các trường cao đẳng, đại học danh tiếng trên địa bàn cả nước. Điều đáng nói ở đây, các em đều là con của đồng bào dân tộc thiểu số như: Dao, Pà Thẻn, Tày,... với hoàn cảnh kinh tế gia đình còn gặp nhiều khó khăn.

 

Khắc ghi lời Bác dạy năm xưa, năm 2000, thế hệ phụ huynh ở Tân Lập cơ bản xóa được nạn mù chữ. Từ đó, họ biết cách khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế gia đình và đầu tư cho sự phát triển toàn diện của thế hệ trẻ. Để tương lai không xa, Tân Lập sẽ có thêm nguồn nhân lực chất lượng, đưa kinh tế địa phương bứt phá đi lên.


THU PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc