"Công dân học tập" trong xã hội học tập
BHG - Với các tiêu chí về năng lực tự học, học tập suốt đời, sử dụng công cụ tương tác và xây dựng các mối quan hệ xã hội, mô hình “Công dân học tập” được triển khai thí điểm trên địa bàn tỉnh đang mang lại hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng xây dựng xã hội học tập, nâng cao chất lượng nhân lực trong thời kỳ công nghệ số. Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm, chú trọng. Đến nay, toàn tỉnh có 4.059 Hội, Chi hội, Ban Khuyến học với tổng số 309.534 hội viên, 140.811 “Gia đình học tập”, 1.813 “Dòng họ học tập”, 1.683 “Cộng đồng học tập” và 842 “Đơn vị học tập”. Thực hiện Kết luận 49-KL/TW ngày 10.5.2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập với mục tiêu phấn đấu mỗi tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và gia đình cán bộ đảng viên trở thành “Đơn vị học tập”, “Công dân học tập” và “Gia đình học tập”, làm nòng cốt xây dựng mô hình học tập trong nhân dân và kế hoạch thí điểm mô hình “Công dân học tập” của Hội Khuyến học Việt Nam và UBND tỉnh, Hội Khuyến học tỉnh triển khai mô hình “Công dân học tập” với sự tham gia của 255 công dân/128 gia đình/9 xã, phường, thị trấn của 3 đơn vị gồm: Hoàng Su Phì, Yên Minh, thành phố Hà Giang; trong đó nhóm lao động nông thôn 71 công dân, nhóm lao động tri thức 133 công dân, nhóm lao động tiểu thương, công nhân 51 công dân.
Chị Mai Thị Tuyết, tổ 15, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang sử dụng máy tính cập nhật thông tin và học trực tuyến. Ảnh: BIỆN LUÂN |
Các công dân tham gia mô hình thực hiện 3 tiêu chí gồm: Năng lực tự học, học tập suốt đời, đây là khả năng tự mình vận dụng vào việc đọc, cập nhật thông tin, kiến thức từ các phương tiện truyền thông, sách báo, xây dựng kế hoạch học tập đáp ứng yêu cầu công việc, sắp xếp công việc, thời gian hợp lý tham gia các hoạt động cộng đồng, tạo điều kiện cho người thân học tập; sử dụng những công cụ tương tác như: Ngoại ngữ, công nghệ thông tin, tư duy biện chứng, phản biện; xây dựng và thực hiện tốt các mối quan hệ với người thân, gia đình, cộng đồng.
Trong quá trình triển khai mô hình, các địa phương chủ động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập nói chung, mô hình “Công dân học tập” nói riêng; vận động công dân tích cực tham gia mô hình; tổ chức tập huấn, kiểm tra, giám sát. Căn cứ các tiêu chí và chỉ số đánh giá của mô hình, đối với nhóm lao động tri thức có 76/133 người đạt xuất sắc; nhóm lao động tiểu thương, công nhân có 13/51 người đạt xuất sắc; nhóm lao động nông thôn có 4/71 đạt xuất sắc; các công dân còn lại đạt loại khá.
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sèn Chỉn Ly đánh giá: Việc triển khai thí điểm mô hình “Công dân học tập” nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi của cấp ủy, chính quyền các cấp và đồng thuận của nhân dân, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ về phong trào học tập trong xã hội, trở thành hạt nhân quan trọng để xây dựng xã hội học tập. Quá trình triển khai thí điểm mô hình còn một số khó khăn như: Trình độ dân trí chưa đồng đều, việc nhận thức về mô hình ở một số nơi chưa đầy đủ, ảnh hưởng của dịch Covid – 19, việc xác minh các minh chứng để chấm điểm theo tiêu chí, chỉ số của mô hình đối với nhóm tiểu thương, công nhân và nông dân gặp nhiều khó khăn, kinh phí hạn chế. Hội Khuyến học tỉnh đã đề xuất với Hội Khuyến học Việt Nam điều chỉnh tiêu chí phù hợp với các đối tượng là công dân vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số và phù hợp với các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, mô hình văn hóa, công chức, viên chức kiểu mẫu, Chi Đảng bộ, chính quyền trong sạch, vững mạnh, đảng viên xuất sắc… để khi triển khai nhân rộng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và mang lại hiệu quả thiết thực.
Xây dựng xã hội học tập là xu hướng tất yếu của nền giáo dục hiện đại, đặc biệt trong giai đoạn triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số hiện nay, mỗi công dân đều phải phát huy tinh thần học tập, có đầy đủ kiến thức, kỹ năng để trở thành những “Công dân số”, đóng góp quan trọng vào sự phát triển KT - XH của tỉnh. Trong hành trình đó, việc nhân rộng mô hình “Công dân học tập” là rất cần thiết.
Biện Luân