Nét dạo ngày Xuân
Xuân 2021 - Năm Canh Tý sắp đi qua, năm Tân Sửu sắp đến. Xuân mới lại về với quê hương bé nhỏ, thân thương.
Các chàng trai Pà Thẻn xã Tân Lập với vũ điệu nhảy lửa bằng đôi chân trần. |
Năm vừa qua, thế giới đã gặp phải cái họa khủng khiếp, người ta gọi là “đại dịch Covid – 19”. Cái vùng quê bé nhỏ này cũng đã có lúc ngoài đường vắng ngắt 14 ngày. Những ngày ấy ai cũng lo “nó” đến làng mình, vì đã có những cháu đi lao động ở vùng dịch về nhà. Sau một năm làm ăn với tinh thần phòng chống dịch, giờ đây quê tôi lại tấp nập, rộn rã vào vụ lúa, vụ ngô, tíu tít đàn em lại đến trường. Tất nhiên ai đi đâu, về đâu cũng phải đeo khẩu trang. Vâng đeo khẩu trang là tốt nhất để phòng chống Covid – 19. “Ồ thế thì đơn giản quá, ta không sợ nữa rồi”. Dân quê tôi bàn tán, bình luận. “Ấy vậy mà nghe đâu ở bên Tây không chịu thực hiện cái sự đơn giản này nên bây giờ phức tạp lắm rồi”. “Còn quê mình thì đeo khẩu trang cũng như cái cuốc, cái xẻng, con dao dắt sau lưng của mình thôi”. “Ây dà cũng có cái phức tạp đấy nhá… đeo nó vào rồi ai cũng giống ai rất dễ nhầm người đấy”. “Không sao nếu gọi nhầm, hỏi nhầm, chào nhầm thì xin lỗi nhau, thông cảm cho nhau là được mà”… Quả là dịch Covid – 19 ảnh hưởng đến nhiều ngóc ngách của đời sống, nỗi lo của bà con quê tôi, thật đáng yêu.
Gọi xuân về (Sủng Là, Đồng Văn). Ảnh: ĐỖ HẰNG PHƯƠNG |
Nói vậy cái năm Covid – 19 này sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội thì cuộc sống trở lại bình thường, có nhiều khởi sắc, những sản vật quê hương qua gian khó trở nên trân quý nặng tình đất mẹ. Vụ lúa Chiêm Xuân đúng thời kỳ phát hiện bệnh dịch thì lại là vụ lúa được mùa so với năm trước. Có thửa ruộng đạt đến năng suất chưa từng thấy. Bà chị tôi nói rằng, lúa vụ này có đủ để ăn cả năm. Đến vụ Mùa thì lúa lai trĩu hạt như quả gắm, quả song trên rừng. Nhất là lúa nếp cái hoa vàng, tôi chưa từng thấy năm nào ở chợ bán nhiều cốm như năm nay. Có tới hàng chục phiên chợ liên tiếp đầy ắp cốm. Mọi năm tôi chỉ mua được một ít để thưởng thức qua mùa thì năm nay tôi mua đến cả chục cân cốm. Cốm làm bằng lúa nếp cái hoa vàng thơm, dẻo, ngon và bổ dưỡng. Có tuần tôi ăn cốm thay cơm. Thật tuyệt vời, có nhà làm thóc cốm để dành đón năm mới, mừng Xuân, thết đãi con cháu, khách quý phương xa. Ngày chợ quê tôi luôn có bánh làm từ cốm. Xuân này có ai Xuân Giang xin hãy thưởng thức đặc sản của người dân cần cù mến khách.
Phong tục gánh cưới của người Tày Bắc Quang. Ảnh: HÀ CHÂU |
Sau cây lúa, có một sản vật rất đáng khoe và giới thiệu để quý khách mọi nơi đến quê tôi tiện bề mua sắm trong những ngày này, đó là cá. Quê tôi có câu “Khẩu nua, pia chí”, tức là “cơm xôi phải ăn với cá nướng”. Cá ở đây được nuôi trong ao có nguồn nước sạch nên chất lượng cá ngon hơn nơi khác. Một trong những đặc sản từ cá đó là mắm cá chua nổi tiếng của vùng đất này. Nó được làm từ cá nuôi ở những thửa ruộng, không nuôi bằng thức ăn công nghiệp mà thả tự nhiên. Cá được ướp với nhiều loại thảo dược và rượu nếp ngọt. Đây là sản vật truyền thống từ rất lâu đời của dân tộc Tày nơi đây. Trồng lúa, nuôi cá ruộng đang trở thành phong trào sau một thời gian dài tưởng chừng khó lòng khôi phục. Đã có những mô hình nuôi cá chất lượng cao, hình thành nhóm sở thích nuôi cá. Hàng ngày có hàng trăm cân cá bán ngoài chợ, đó là điều từ trước ít có. Ngày chợ phiên cá được bày bán thu hút người mua từ nhiều địa phương khác. Có ai về chợ phiên ngày Tết ngày Xuân mời hãy trải nghiệm câu chuyện về “cơm xôi, cá nướng” nơi này. Đó cũng là “một thoáng dừng” của quý khách để cảm nhận cái mới lạ ở vùng đất xa xôi, nhỏ bé đáng yêu.
Mùa Xuân đang đến rồi, người dân quê tôi còn nhiều việc phải làm để đón năm mới, đón Xuân, vượt lên khó khăn, đời sống ngày càng tốt đẹp. Mấy hôm nay bà chị dâu tôi mừng lắm, số là cái nương sắn trước đây chị chuyển trồng cây bồ đề vừa bán được hơn chục triệu. Chị nói, nương xưa trồng sắn để chống đói, nay trồng bồ đề có tiền làm giàu chú ạ. Trồng rừng trở thành thói quen, không cần vận động, trở thành nét đẹp của vùng đất này.
Những âm thanh của xe máy, ô tô, của người dân ở vùng quê xa xôi này trên những con đường, đồng ruộng, trên đồi cây xanh, tiếng các cháu sáng tinh sương đã trên đường đi đến trường xa như những bản nhạc của cuộc sống không gì cưỡng nổi. Bất chợt tôi nghe văng vẳng tiếng phách, tiếng đàn nhị, đàn bầu, tiếng sáo rộn rã, vui tươi, giục giã của bản nhạc “Nét dạo ngày Xuân” của Nghệ sĩ nhân dân Thế Dân từ chiếc loa trong xóm vọng tới. Quê tôi cũng đang làm nên những “Nét dạo ngày Xuân” thời Covid – 19.
Hoàng Kiệm
Ý kiến bạn đọc