Năm học đặc biệt
Xuân 2021 - Năm học 2019 - 2020 là năm học đặc biệt, đầy khó khăn đối với ngành Giáo dục do chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid - 19. Bộ GD&ĐT thực hiện điều chỉnh kế hoạch năm học 2 lần và thời điểm kết thúc năm học chậm gần 2 tháng so với những năm học trước. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của ngành chức năng, giáo dục tỉnh nhà đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nguồn lao động chất lượng tương lai.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Chúng Thị Chiên trao Chứng nhận cho các nhà giáo có nhiều đóng góp vì sự nghiệp phát triển GD&ĐT. Ảnh: KIM TIẾN |
Hiện, toàn tỉnh có 821 cơ sở giáo dục với tổng số trên 245.640 trẻ Mầm non, học sinh phổ thông, học viên bổ túc văn hóa; 858 điểm trường Tiểu học và trên 1.220 điểm trường Mầm non; tỷ lệ trường học đạt chuẩn Quốc gia trên 42%; có trên 18.870 cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, nhân viên; hầu hết các nhà giáo đạt chuẩn và trên chuẩn; 77,78% nhà giáo là đảng viên. 100% cán bộ quản lý và giáo viên được tham gia các lớp bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Các chế độ, chính sách đối với giáo viên, học sinh được triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ. Trong năm học, Sở GD&ĐT tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát, sắp xếp tinh gọn mạng lưới các trường học và cơ sở giáo dục; thực hiện hiệu quả Đề án chuyển học sinh từ điểm trường về trường chính giai đoạn 2016 – 2020. Ngành Giáo dục đào tạo đã hoàn thành tất cả các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc tại hội nghị tổng kết ngành GD-ĐT năm học 2019 - 2020 . Ảnh: VĂN LONG |
Để nâng cao chất lượng giáo dục, các cơ sở giáo dục tăng cường đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục bằng nhiều hình thức linh hoạt, hiệu quả như: Xây dựng trường Mầm non lấy trẻ làm trung tâm; giáo dục đạo đức, kĩ năng sống cho học sinh; xây dựng môi trường, cảnh quan sư phạm an toàn, sạch đẹp; xây dựng các chủ đề tích hợp, liên môn; chú trọng giáo dục di sản, bảo vệ môi trường; xây dựng trường chất lượng cao; “Lớp học kiểu mẫu”; “Giỏ sách mini”; rèn công tác nội vụ đối với học sinh bán trú; thư viện xanh, góc văn hóa truyền thống; tăng gia sản xuất trong nhà trường bán trú; ứng dụng mạnh mẽ khoa học, CNTT trong quản lý và giảng dạy.
Học sinh Trường THCS Yên Biên, thành phố Hà Giang trong giờ tin học. Ảnh: AN GIANG |
Qua đó, chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên. Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến lớp Mẫu giáo đạt 99,66%; tỷ lệ huy động trẻ 6 - 14 tuổi đến trường đạt 99,08%; tỷ lệ duy trì sỹ số học sinh trung bình đạt trên 98%; tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2020 đạt 88,07%; tỷ lệ xếp loại năng lực học tập và tỷ lệ giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi các cấp học tăng lên theo từng năm; các địa phương giữ vững chuẩn Quốc gia về phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ em 5 tuổi; phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 2, phổ cập giáo dục THCS mức độ 1; chất lượng dạy học ngoại ngữ ở các cấp học được nâng lên; tỷ lệ học sinh Tiểu học duy trì học 2 buổi/ngày đạt 66,4%.
Các địa phương tập trung nguồn lực, quan tâm, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, cơ bản đáp ứng được nhu cầu dạy học, đặc biệt là yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày đối với chương trình giáo dục phổ thông mới; phát triển mô hình trường chất lượng cao. Công tác xã hội hóa giáo dục đạt nhiều kết quả nổi bật với tổng kinh phí hỗ trợ trên 150 tỷ đồng. Đặc biệt, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Sở GD&ĐT rà soát đội ngũ giáo viên; tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên, lựa chọn sách giáo khoa lớp 1; huy động các nguồn lực đảm bảo các điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới hiệu quả.
Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thế Bình chia sẻ: “Bên cạnh kết quả đạt được, ngành Giáo dục vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các nguồn kinh phí đầu tư cho giáo dục còn rất hạn chế trong khi nhu cầu xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học còn nhiều; biên chế giáo viên được giao thiếu hụt so với quy định. Công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS, THPT còn nhiều bất cập. Năm học 2020 – 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, cũng là năm đầu tiên thực hiện các chỉ tiêu, Nghị quyết Đại hội Đảng Bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025; toàn ngành Giáo dục thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo Bộ GD&ĐT, của tỉnh về công tác GD&ĐT; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; triển khai tốt chương trình giáo dục phổ thông mới; tiếp tục rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục; đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đổi mới giáo dục; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh; bảo đảm an toàn trường học. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục.
BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc