Mô hình CSA "đơm trái ngọt" đầu mùa
Xuân 2021 - Về xã Yên Hà, huyện Quang Bình những ngày này, chúng tôi cảm nhận sắc Xuân của núi rừng đang hòa cùng nhịp đất trời. Sắc Xuân tươi đẹp, màu vàng rực của những vườn cam Sành xum xuê, mọng trĩu khắp triền đồi tô điểm thêm cho vùng đất phía Nam của tỉnh sự ấm no, đủ đầy. Đó là những “trái ngọt” đầu mùa từ mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu (CSA); không chỉ góp phần nâng cao năng suất, hơn cả đã thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong phát triển nông nghiệp sạch, bền vững.
Hồ chứa nước sạch tưới cho cây cam tại xã Yên Hà (Quang Bình). |
Trao đổi với đồng chí Nguyễn Song Tứ, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, được biết: Dự án “Cải thiện nông nghiệp có tưới” vay vốn Ngân hàng Thế giới thực hiện tại Hà Giang gồm có 4 hợp phần; trong đó, hợp phần 3 là thực hiện các mô hình CSA trên các cây trồng chính như: Cam Sành, Hồng không hạt, lúa, lê... Mục tiêu của dự án là nâng cao năng suất, hiệu quả bền vững thông qua giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng và giá thành sản phẩm. Đặc biệt, quan tâm đến giảm ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính bằng việc cắt giảm phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, tưới nước hợp lý…
Hệ thống tưới nước sạch cho vườn cam xã Yên Hà. |
Mô hình thâm canh, cải tạo vườn cam Sành giai đoạn sản xuất, kinh doanh tại xã Yên Hà được phê duyệt, triển khai từ tháng 3.2017 với tổng diện tích 16,4 ha, có sự tham gia của 11 thành viên HTX Xuân Khu. Tổng kinh phí thực hiện mô hình trên 5 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ và nhân dân đối ứng. Các kỹ thuật được áp dụng bao gồm: Thiết kế, cải tạo lô, định hình mật độ, tán cây, trồng thay thế, bổ sung, đánh giá thực trạng vườn, cắt tỉa, tạo tán kết hợp bón phân hợp lý và điều tra phân tích hệ sinh thái hàng tuần để quản lý dịch hại. Cùng với đó, sử dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm bằng hệ thống tưới nhỏ giọt; trồng xen kẽ gần 3.000 cây ổi tạo môi trường xua đuổi sự phát tán của rầy chổng cánh. Mở các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ tuyên truyền, phổ biến kiến thức về mô hình CSA cho người dân, nắm được kỹ thuật trồng và chăm sóc cam giai đoạn kiến thiết cơ bản theo hướng VietGAP.
Giám đốc HTX Xuân Khu Đặng Ngọc Long chia sẻ: Sau hơn 3 năm triển khai, cây cam của 11 hộ trong HTX có tỷ lệ nhiễm sâu bệnh giảm, năng suất tăng. Bà con trồng cam đã khắc phục được nhiều hạn chế trong phương thức sản xuất, cắt tỉa, tạo tán và bảo quản sản phẩm. Đặc biệt, chuyển đổi từ sản xuất dựa trên kinh nghiệm sang áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo hướng VietGAP, góp phần phát huy thế mạnh nông sản chủ lực của địa phương. Bên cạnh đó, nhờ việc sử dụng thùng bảo quản quả cam góp phần hạn chế ảnh hưởng, giảm hao hụt trong quá trình vận chuyển.
Việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật kết hợp với ứng dụng kỹ thuật hiện đại góp phần làm năng suất quả cam tăng thêm 16,79%, hiệu quả kinh tế tăng thêm 30,51%. Không chỉ giảm thiểu 10–15% lượng phân bón vô cơ, việc sử dụng phân bón cân đối đã giảm thiểu phát thải khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giảm tác động xấu đến môi trường, giúp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bài, ảnh: VĂN NGHỊ - PHẠM HOAN
Ý kiến bạn đọc