Tập trung vốn cho "Tam nông"
BHG - Mỗi độ Xuân về, cán bộ, viên chức Agribank Hà Giang lại tràn đầy niềm vui mới, bởi qua một năm, họ đã vượt lên nhiều khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; khẳng định vai trò ngân hàng thương mại nhà nước hàng đầu, đóng góp quan trọng vào nhiệm vụ phát triển KT-XH ở địa phương.
Nhân dịp đầu Xuân mới, phóng viên (PV) Báo Hà Giang đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Ngọc Hải, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Agribank Hà Giang.
PV: Thành công của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh, có sự tham gia tích cực của Agribank Hà Giang, xin đồng chí cho biết những đóng góp chính của đơn vị trong chương trình này năm 2017?
Đ.c Nguyễn Ngọc Hải:
Với phương châm tập trung vốn cho “Tam nông”, Agribank tỉnh Hà Giang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, chú trọng hỗ trợ khách hàng, như: Mở rộng đối tượng cho vay; triển khai thực hiện có hiệu quả các sản phẩm tín dụng mới của Agribank; tư vấn, hướng dẫn cho khách hàng việc xây dựng dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh, cung cấp, thiết lập hồ sơ vay vốn; áp dụng linh hoạt các cơ chế theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP giúp nhiều khách hàng tiếp cận được vốn vay của Agribank; đồng hành cùng khách hàng trong suốt quá trình vay vốn nhằm giải quyết kịp thời những khó khăn trong quan hệ tín dụng thông qua các biện pháp: Hỗ trợ lãi suất tiền vay theo các quy định của Chính phủ, ngân hàng cấp trên và của tỉnh Hà Giang; giảm lãi suất cho vay; cơ cấu lại nợ…
Ban Giám đốc Agribank Hà Giang trao quà an sinh xã hội cho các hộ dân. Ảnh: VĂN LONG |
Năm 2017, dư nợ cho vay theo Chương trình xây dựng NTM đạt 1.710 tỷ (16.217 khách hàng). Với sự nỗ lực của ngân hàng, các thành phần kinh tế trên địa bàn toàn tỉnh có thêm nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng với mức lãi suất thấp, mức vay không bảo đảm bằng tài sản được nâng lên; phát huy tiềm năng, thế mạnh trồng trọt, chăn nuôi của địa phương; tạo điều kiện thuận lợi để các chương trình kinh tế trọng tâm, các vùng có thế mạnh của tỉnh phát triển, góp phần thiết thực vào việc thực hiện hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng NTM của tỉnh.
Từ nguồn vốn tín dụng Agribank, hàng nghìn hộ dân đã mở rộng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho lao động khu vực nông thôn. Quan trọng hơn, đã giúp nông dân thay đổi nhận thức, mạnh dạn vay vốn để tự mình sản xuất kinh doanh, canh tác theo hướng thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xóa bỏ dần tâm lý ỷ lại, trông chờ vào trợ cấp của Nhà nước.
Đồng chí Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Agribank Hà Giang, tặng hoa các Tổ trưởng Tổ vay vốn của xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) tại Lễ ra mắt ngày 28.7.2017. Ảnh: Văn Long |
PV: Khẳng định vai trò “cầu nối” giữa Nghị quyết 209 HĐND tỉnh và người nông dân, vậy Agribank Hà Giang có những giải pháp gì trong việc đồng hành cùng người dân để phát huy hiệu quả nguồn vốn theo Nghị quyết trên?
Đ.c Nguyễn Ngọc Hải: Điểm nổi bật của Agribank tỉnh Hà Giang trong thực hiện cho vay theo Nghị quyết 209, đó là: Đã vận dụng linh hoạt cơ chế theo Nghị định 55 của Chính phủ để thực hiện cho vay theo Nghị quyết 209, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng được hưởng những cơ chế tín dụng ưu đãi nhất (về lãi suất, bảo đảm tiền vay...). Triển khai thực hiện tốt công tác giải ngân tại trụ sở UBND xã, đáp ứng được yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương đặt ra, đảm bảo an toàn tài sản của ngân hàng. Chi nhánh đã thực hiện cho vay tất cả các chính sách hỗ trợ của Nghị quyết 209, Nghị quyết 86. Tổng dư nợ đạt 418 tỷ đồng, với hơn 5.000 khách hàng. Có được kết quả đó, là do: Ngay sau khi Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND được ban hành, Agribank Hà Giang đã nỗ lực vào cuộc với tinh thần và trách nhiệm cao nhất, với những giải pháp cụ thể:
Học sinh điểm trường thôn Lùng Hảo, xã Minh Ngọc (Bắc Mê) vui cùng ngôi trường mới do Nhóm thiện nguyện Kết nối yêu thương Hà Giang cùng Đoàn thanh niên Agribank tài trợ. Ảnh: Văn Quân |
- Thành lập Tổ chỉ đạo thực hiện cho vay theo Nghị quyết 209 của Agribank tỉnh; cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh, trong đó có nội dung rút ngắn thời gian thẩm định cho vay so với quy định của Agribank. Nắm bắt tình hình triển khai thực hiện nghị quyết trong toàn tỉnh, đồng thời giải đáp kịp thời các thắc mắc đối với những vấn đề về cơ chế, chính sách, quy trình, quy định của Agribank liên quan đến việc cho vay theo Nghị quyết 209.
- Chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trực thuộc huy động tối đa lực lượng, cơ sở vật chất hiện có, tranh thủ tối đa thời gian (kể cả thứ Bảy, Chủ nhật) để thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền Nghị định 55, Nghị quyết 209 kết hợp với phổ biến, cung cấp các thông tin về quy trình, điều kiện, thủ tục vay vốn của Agribank đến các xã, thị trấn trong toàn tỉnh. Làm tốt công tác thẩm định dự án, phương án sản xuất, kinh doanh của bà con, đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn nắm bắt thông tin, dự báo khả năng thực hiện phương án, dự án sao cho đạt hiệu quả, có tính khả thi cao. Thực hiện tốt công tác giải ngân, kiểm tra sau khi cho vay, nhằm giám sát quá trình thực hiện phương án, dự án; giám sát việc sử dụng nguồn vốn đầu tư. Tham mưu cho UBND huyện, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 209; Tổ thẩm định tại huyện/thành phố; Tổ kiểm tra sử dụng vốn vay;... Thường xuyên báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương và ngân hàng cấp trên, nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc và tạo sự thống nhất, đồng thuận trong quá trình thực hiện Nghị quyết.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Đặng Hà An
Ý kiến bạn đọc