Chuyển dần sản xuất nông nghiệp từ bề rộng sang chiều sâu
Xuân 2018 - Năm 2017, sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh gặt hái nhiều thành quả quan trọng. Những tác động tích cực của Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đang chuyển dần sự phát triển nông nghiệp từ bề rộng, sang chiều sâu với nhiều sản phẩm chủ lực, tạo giá trị và sức cạnh tranh lớn. Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp với mục đích sắp xếp lại sản xuất theo thứ tự ưu tiên để tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm vào 3 cây gồm cam, chè, dược liệu và 3 con như trâu, bò, ong. Đến nay, các cây, con chủ lực đã được phát triển theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý, sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ.
Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Đức Vinh, trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân, tập thể có thành tích trong công tác chuyển giao công nghệ giai đoạn 2011 - 2016. |
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp đã xây dựng được các chương trình phát triển kinh tế để bổ trợ, tổ chức lại sản xuất như: Mỗi huyện 1 xã, mỗi xã 1 thôn điển hình về phát triển kinh tế nông nghiệp; cánh đồng mẫu 5 cùng; dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng; đầu tư có thu hồi; phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất thôn, bản; cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Thực hiện Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã tham mưu, đề xuất HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 209 và Nghị quyết 86 về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa để phát huy tiềm năng, thế mạnh, khơi thông nguồn vốn tín dụng đầu tư sảan xuất.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT, huyện Hoàng Su Phì và bà con nông dân xã Chiến Phố kiểm chứng Mô hình khuyến nông thâm canh đậu tương theo Dự án Phát triển nông thôn dựa vào kết quả. |
Có thể khẳng định, Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã tác động mạnh đến tư duy, thay đổi nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân, sản xuất hàng hóa đã gắn với thị trường. Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với người dân như: Liên kết trồng dứa tại huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, trồng mía huyện Vị Xuyên; sản xuất mạ khay, áp dụng máy cấy lúa chất lượng cao gắn với cơ sở chế biến tại Quang Bình... Thực tế cho thấy, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang chuyển từ bề rộng sang chiều sâu, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tạo đột phá, phát triển vùng sản xuất hàng hóa lớn gắn với thương hiệu, chất lượng, chỉ dẫn địa lý, ổn định và bền vững; toàn tỉnh phát triển được 836 gia trại chăn nuôi trâu, bò, dê và gia cầm; làm chủ được quy trình sản xuất tinh bò cọng rạ và sản xuất được trên 5 nghìn liều tinh, thụ tinh nhân tạo cho đàn gia súc được 2.226 con...
Tiếp tục thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, năm 2018, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn chủ động triển khai các biện pháp theo quan điểm: “Quyết liệt, kiên trì chỉ đạo sản xuất, chuyển biến mạnh mẽ từ bề rộng sang chiều sâu, nâng cao giá trị gia tăng, giá trị thu hoạch trên đơn vị ha đất canh tác, nâng cao thu nhập cho người dân”. Trong đó, tập trung vào 3 trụ cột chính gồm: Sản xuất các sản phẩm theo hướng an toàn, hữu cơ với sản lượng đủ lớn; ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cao vào sản xuất gắn với chế biến sâu và phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương để kết nối tiêu thụ sản phẩm...
Bài, ảnh: PHI ANH
Ý kiến bạn đọc