Nguyễn Kim Chung Người lính cầm bút
Xuân 2019 - Hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ với phẩm chất tốt đẹp, cao quý và thiêng liêng, luôn là mạch nguồn cảm hứng mãnh liệt cho những người lính cầm bút. Đại tá Nguyễn Kim Chung, nguyên Phó Chỉ huy Trưởng về Chính trị (Bộ CHQS tỉnh) là một người như vậy. Ông đã có nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết và bút ký lịch sử về đề tài chiến tranh cách mạng. Những tác phẩm của ông ca ngợi hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ, ca ngợi những trang sử hào hùng của LLVT Hà Giang với tấm lòng “tri ân đồng đội”, gắn bó tình cảm sâu nặng với quê hương, cầm bút bằng tâm huyết cả đời lính chiến.
Đại tá Nguyễn Kim Chung kể chuyện truyền thống cho cán bộ, chiến sỹ LLVT tỉnh. Ảnh: Hoa Sim |
Năm 1965, ông Nguyễn Kim Chung lên đường nhập ngũ, chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Năm 1970, ông trở lại Hà Giang, công tác tại Bộ CHQS tỉnh, qua nhiều cương vị rồi giữ chức Phó Chỉ huy Trưởng về Chính trị, cho đến khi nghỉ hưu. Đam mê viết sách ngay từ khi nhập ngũ, trong bom đạn chiến tranh đã thôi thúc ông cầm bút ghi chép và cho ra đời những tác phẩm văn học, những bài viết nóng hổi từ mặt trận cho các báo và tạp chí trong LLVT. Đại tá Nguyễn Kim Chung chia sẻ: Ông làm vậy để trả ơn đồng đội của mình. Bởi ông may mắn được làm lính Cụ Hồ, may mắn có được những trải nghiệm từ trong chiến tranh nên viết với tư cách là người trong cuộc. Tất cả những sự kiện ông trải qua sẽ luôn là nguồn tư liệu sinh động, phong phú thôi thúc ông viết nhiều hơn về đề tài người lính, để thế hôm nay biết cha anh mình đã sống và chiến đấu như thế nào.
Những tác phẩm đó luôn đoạt giải cao trong các cuộc thi viết về đề tài người lính, như: Tập truyện ký Ngọn lửa cao nguyên - giải A, Giải thưởng VHNT Tây Côn Lĩnh; Nghị lực cha tôi - Huy chương Vàng Liên hoan Truyền hình toàn quân năm 2003...
Nâng niu những kỷ niệm của một thời hoa lửa, Đại tá Nguyễn Kim Chung tự thấy mình càng phải có trách nhiệm viết lên những tư liệu đầy đủ về dấu ấn lịch sử, quân sự và cuộc đấu tranh cách mạng của đất và người Hà Giang một cách chân thực nhất, như một lời tri ân đầy sâu sắc. Ông cũng thường xuyên có những cuộc trao đổi thân tình, sẻ chia với đồng nghiệp, với các nhà báo trẻ tỉnh nhà, để tiếp cho họ lòng nhiệt huyết và tình yêu nghề.
Tuổi đã cao, nhưng Đại tá Nguyễn Kim Chung luôn cháy lên ngọn lửa đam mê nghiên cứu lịch sử Đảng bộ tỉnh nhà. Những địa danh đã đi qua, những số phận con người cụ thể ông từng tiếp xúc đã dội vào tâm thức, trở thành những hồi ức đáng nhớ. Ông như một “pho sử sống” ở Hà Giang vậy. Từ chất liệu đó, bằng sự từng trải cùng những chiêm nghiệm, ông nghiền ngẫm suy tư trên từng trang viết. Để qua đó, những cuốn sách: Lịch sử LLVT tỉnh Hà Giang, Lịch sử LLVT huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì và Lịch sử Trung đoàn bộ binh 877… đã được ra đời.
Những đề tài khoa học quân sự mà ông tham gia, như: “Xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện” năm 1991; Đề tài “Chống diễn biến hòa bình trên địa bàn tỉnh Hà Giang” năm 1992. Năm 2002, khi đã về hưu ông vẫn tiếp tục nghiên cứu và hoàn chỉnh Đề tài “Tổ chức và phương pháp phối hợp dân quân với bộ đội biên phòng bảo vệ xã, thị trấn biên giới tỉnh Hà Giang”, là những đề tài khoa học có giá trị lịch sử mang tính thực tiễn cao.
Các sáng tác của ông luôn gắn liền với những chặng đường cách mạng vẻ vang của Đảng bộ và đồng bào các dân tộc Hà Giang. Ông tâm niệm, những trang sách của mình sẽ là nguồn tư liệu cho độc giả. Bởi nó tái hiện sự kiện lịch sử một cách chân thực, sống động và mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp. Đến tận bây giờ, những tác phẩm ông viết vẫn còn nguyên giá trị. Và, nó được coi như những trang sử thi mang chiến công chói lọi của đồng bào các dân tộc Hà Giang để các thế hệ sau tìm hiểu, nghiên cứu.
Trở về sau những tháng năm phục vụ trong quân ngũ, Đại tá Nguyễn Kim Chung vẫn luôn giữ gìn nếp sống thanh đạm, gắn bó, chan hòa với thiên nhiên. Hiện nay ông vẫn miệt mài chạy đua với thời gian cầm bút và sáng tác với quan điểm: Nghỉ hưu nhưng không thôi việc. Bằng trái tim người lính, Đại tá Nguyễn Kim Chung vẫn đang ấp ủ viết nhiều tập bút ký, tư liệu lịch sử để thế hệ trẻ hiểu hơn về truyền thống cách mạng của tỉnh nhà.
Hồng Hà (Đài PTTH tỉnh)
Ý kiến bạn đọc