Lan tỏa sắc Xuân nửa nhiệm kỳ Đại hội
Xuân 2019 - Năm 2018 là năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020, vượt lên những khó khăn như nguồn lực đầu tư hạn chế; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông còn yếu kém dẫn đến thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn; trình độ dân trí thấp, không đồng đều; khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống nhân dân... Tuy nhiên, với truyền thống đoàn kết, tinh thần vượt khó đi lên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã phát huy tốt nội lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI đề ra. Trong niềm hân hoan chào đón năm mới 2019, Đảng bộ chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang luôn tự hào về những đổi thay, những thành quả mà tỉnh nhà đã đạt được và tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2019 và những năm tiếp theo, quyết tâm xây dựng quê hương Hà Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Xã viên HTX cộng đồng Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ) chăm sóc cây dược liệu. |
Nổi bật trong nửa nhiệm kỳ qua là tỉnh ta đã thực hiện hiệu quả 2 khâu đột phá, đó là nâng cao chất lượng công vụ, xây dựng chính sách, vận dụng cơ chế, đưa chính sách vào cuộc sống cho phát triển nhanh và bền vững và đột phá về ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất. Tập trung lãnh đạo hoàn thành xây dựng đề án sắp xếp, kiện toàn các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Sáp nhập và từng bước thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện thu gọn đầu mối trong một số cơ quan, đơn vị góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động. Chỉ đạo thực hiện chuyển mạnh từ “Tiền kiểm sang hậu kiểm” đối với việc thu hút đầu tư; giao nhiệm vụ theo cơ chế “Mỗi việc một cơ quan chủ trì, một người phụ trách, một thời gian hoàn thành và một kết quả nhất định”. Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ tạo đột phá về cải cách hành chính, hoàn thành đề án vị trí việc làm; cơ cấu, sắp xếp lại, giảm bớt số lượng cán bộ làm việc không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố. Ban hành quy định điều kiện tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, viên chức theo hướng xác định rõ tiêu chí về phẩm chất, đạo đức, trình độ năng lực; thí điểm thi tuyển lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập… Qua đó, chỉ số cải cách hành chính tăng 32 bậc, từ vị trí 57/63 năm 2015 lên vị trí 25/63 tỉnh, thành phố năm 2017.
Với đặc thù là tỉnh miền núi biên giới, tỉnh ta xác định đột phá về ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất là vô cùng quan trọng. Theo đó, tập trung vào giải quyết những vấn đề cấp thiết, mang tính đột phá phù hợp với điều kiện, khả năng kinh tế của tỉnh, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý Nhà nước, phục vụ công tác cải cách hành chính và giải quyết các “nút thắt” trong phát triển KT – XH; mở rộng hệ thống giao ban điện tử liên thông từ tỉnh tới huyện và 191/195 điểm cầu cấp xã. Năm 2017, chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT, truyền thông đứng thứ 24/63 tỉnh, thành phố. Quan tâm triển khai có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, môi trường, y dược, như Phục tráng và bảo tồn nhiều giống lúa, ngô địa phương có chất lượng cao; bảo tồn nguồn gen dược liệu bản địa và phát triển các loại dược liệu quý hiếm; đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào sản xuất giống cây có ưu thế, hàng năm cung cấp hàng trăm nghìn cây giống đan sâm, giảo cổ lam, kim ngân, hà thủ ô… Kết quả đã có 9 nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp tỉnh; 40 nhiệm vụ cấp sở, ngành; 51 nhiệm vụ cấp huyện được phê duyệt tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Cam sành – cây trồng chủ lực giúp người dân xã Trung Thành (Vị Xuyên) xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu. |
Bên cạnh đó, 5 chương trình trọng tâm cũng đạt được kết quả đáng khích lệ. Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với tổ chức lại sản xuất cho nhân dân và cơ cấu lại các nguồn vốn để đầu tư tập trung hơn; đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp; nhiều sản phẩm nông nghiệp đã xây dựng được nhãn hiệu và thị trường tiêu thụ. Sản xuất lương thực tiếp tục phát triển vững chắc, tổng sản lượng lương thực đạt 39,78 vạn tấn; tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2017 chiếm 30,86% tổng sản phẩm trong tỉnh; giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt trên 1.586 tỷ đồng. Ưu tiên vốn ngân sách cho Chương trình, giai đoạn 2016 – 2018 bố trí được 651 tỷ đồng, tập trung cho phát triển 3 cây và 3 con. Triển khai có hiệu quả hình thức cho vay đầu tư thu hồi và hỗ trợ lãi suất theo chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hàng hóa. Chỉ đạo quyết liệt đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng phát triển các hình thức liên kết giữa các hộ, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp và liên kết vùng, thu hút đầu tư tư nhân; sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm gắn với xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm. Triển khai thực hiện Đề án mỗi xã, phường một sản phẩm gắn với thương hiệu doanh nghiệp, HTX bao tiêu sản phẩm.
Chương trình phát triển du lịch gắn phát triển bền vững được chỉ đạo đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm theo hướng bền vững, trên cơ sở phát huy giá trị di sản địa chất, đa dạng sinh học, văn hóa truyền thống, danh lam thắng cảnh gắn sưu tầm, phục dựng các lễ hội văn hóa dân tộc trở thành sản phẩm phục vụ du lịch, bằng cách làm cụ thể như tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá, hợp tác du lịch liên vùng, trong nước và quốc tế, từng bước xây dựng Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành Khu du lịch trọng điểm Quốc gia. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, thu hút ngày càng đông du khách đến với Hà Giang. Năm 2017, thu hút được 1.023 nghìn lượt du khách đến với Hà Giang; năm 2018 tiếp tục là một năm thành công khi số lượng khách đến Hà Giang đạt trên 1,1 triệu lượt người, doanh thu đạt trên 1.150 tỷ đồng, đạt 74,2% Nghị quyết.
Người dân đến giao dịch tại bộ phận một cửa xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang). |
Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Nhân dân nhận thức rõ vai trò chủ thể, tích cực phát huy nội lực, thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Chỉ đạo lồng ghép các nguồn lực từ ngân sách và xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng KT – XH; tập trung quy hoạch, xây dựng trung tâm xã và các khu dân cư gắn với phát triển dịch vụ. Giai đoạn 2016 – 2017, nguồn vốn đầu tư lồng ghép là 1.888 tỷ đồng; huy động đóng góp trên 42 tỷ đồng; có thêm 13 xã đạt chuẩn NTM. Diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn năm 2017 là 13,5 triệu đồng/người/năm, tăng 28,45% so với năm 2014.
Đối với giáo dục – đào tạo, tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện chương trình hành động của Chính phủ, của tỉnh về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Quan tâm rèn luyện nhân cách, đạo đức, kỹ năng sống và truyền dạy văn hóa truyền thống các dân tộc cho học sinh; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, xây dựng trường chuẩn Quốc gia. Thực hiện hiệu quả đề án phổ cập THCS, THPT và chuyển học sinh từ các điểm trường về trường chính; sáp nhập các đơn vị trường học và đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục. Chất lượng giáo dục toàn diện được cải thiện, tỷ lệ học sinh chuyển lớp, chuyển cấp, học sinh giỏi được nâng lên, đến nay 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn. Văn hóa – xã hội, y tế có bước phát triển. Anh sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Chủ quyền lãnh thổ, biên giới Quốc gia được giữ vững; chính trị xã hội ổn định, quốc phòng – an ninh được tăng cường.
Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm bình quân giai đoạn 2016 – 2018 đạt 7,5%; có 19/48 chỉ tiêu đạt và vượt, chiếm 39,6%; 21 chỉ tiêu đạt từ 80% đến dưới 100%, chiếm 43,8%; 4 chỉ tiêu đạt từ 50% đến dưới 80%, chiếm 8,3%; 4 chỉ tiêu đạt dưới 50%, chiếm 8,3% so với Nghị quyết. Thực hiện hiệu quả Bộ tiêu chí tỉnh Hà Giang đến năm 2020 thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; kết thúc năm 2017 có 14/19 tiêu chí đạt và vượt mục tiêu năm 2020.
Xuân đang về trên khắp các nẻo đường, ngõ xóm, từ những thành quả đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua, đồng bào các dân tộc trên quê hương cực Bắc thêm một mùa Xuân trọn vẹn, đầm ấm và yên vui, trên tinh thần đoàn kết, đồng thuận.
Bài, ảnh: Thanh Thủy
Ý kiến bạn đọc