Khơi tiềm năng "mũi nhọn" du lịch
Xuân 2019 - Mèo Vạc – vùng đất đa sắc màu văn hóa nằm trong vùng lõi Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn chứa đựng nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Bằng các giải pháp đồng bộ, mang tính chiến lược cùng các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho người dân và các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch, dịch vụ, huyện đang nỗ lực đánh thức tiềm năng ngành “công nghiệp không khói” để tạo lực thúc đẩy KT – XH và tạo sinh kế giúp người dân vươn lên thoát nghèo.
Lòng hồ Thủy điện Nho Quế 1 đang được Mèo Vạc quan tâm thu hút đầu tư phát triển du lịch. Trong ảnh: Đua thuyền trên lòng hồ Thủy điện Nho Quế 1. |
Mèo Vạc đẹp hoang sơ, kỳ vĩ không chỉ bởi những dãy núi đá tai mèo điệp trùng với “Rừng hoa đá” Lũng Pù “độc nhất vô nhị”; “Mê cung đá” kỳ bí; đỉnh Mã Pì Lèng “đệ nhất hùng quan”... mà những nét văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc anh em với nhiều phong tục, lễ hội truyền thống như: Lễ Cầu mưa của người Lô Lô; Lễ hội Lồng tồng của người Giấy, người Tày; Lễ hội Chợ tình Khâu Vai hàng năm... được xem là tài sản vô giá trong đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn. Bên cạnh đó, Mèo Vạc có 5 di tích văn hóa được xếp hạng cấp Quốc gia: Danh thắng Mã Pì Lèng, hóa thạch Huệ biển, hang Rồng, Lễ hội Mừng năm mới của dân tộc Giấy, tri thức canh tác thổ canh hốc đá của cư dân Cao nguyên đá; di tích cấp tỉnh Chợ tình Khâu Vai. Cùng với đó, hệ thống di tích lịch sử cách mạng và các danh lam thắng cảnh được giữ gìn, tôn tạo; các lễ hội truyền thống, các loại hình nghệ thuật dân gian được nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục và phát huy giá trị. Đó là tiềm năng lớn trong hướng phát triển du lịch của địa phương.
Lãnh đạo huyện Mèo Vạc khảo sát, trải nghiệm bơi thuyền trên lòng hồ Nho Quế 1. |
Trước những lợi thế đó, Mèo Vạc xác định phát triển du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn”. Huyện huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại; phát triển các dịch vụ, chú trọng nâng cao chất lượng các ngành du lịch, dịch vụ, vận tải, nhà hàng, khách sạn. Đồng thời, bảo tồn các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống, phát huy giá trị Công viên Địa chất phục vụ phát triển du lịch, phấn đấu trở thành huyện trọng điểm về du lịch của tỉnh. Hiện thực hóa mục tiêu đó, huyện tập trung, ưu tiên thực hiện tốt khâu tuyên truyền, quảng bá, coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; tăng cường gắn kết các điểm du lịch của huyện với các tua, tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh và khu vực. Tiến hành quy hoạch lại quần thể du lịch Mã Pì Lèng gắn với du lịch sinh thái - văn hóa. Điểm nhấn là vùng lòng hồ Thủy điện Nho Quế 1 được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi sừng sững; dọc hai bên bờ sông có những cánh rừng với hệ sinh thái đa dạng; đan xen với những ngôi làng yên bình bên các sườn núi tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ.
Để tạo động lực thúc đẩy du lịch, Mèo Vạc đang tích cực cải cách hành chính, thu hút đầu tư. Khi triển khai các dự án ở Mèo Vạc, các nhà đầu tư sẽ được hưởng các cơ chế ưu đãi đầu tư tối đa căn cứ theo quy định của Chính phủ và của tỉnh. Bên cạnh đó, huyện tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính; giải phóng mặt bằng; tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư.
Đến với Mèo Vạc, ngoài thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên mê đắm lòng người, du khách còn được đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về ăn, nghỉ. Bởi hiện nay huyện đang khuyến khích phát triển, kết nối hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, các cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo an ninh trật tự. Đồng thời, du khách còn được tham gia trải nghiệm các hoạt động văn hóa đặc sắc thông qua các hoạt động được tổ chức tại Chợ đêm Mèo Vạc vào dịp cuối tuần. Mèo Vạc luôn là điểm dừng chân lý tưởng trên Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn!
NGUYỄN CAO CƯỜNG (Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc)
Ý kiến bạn đọc