Điềm Mặc - địa chỉ đỏ của những người làm báo
Xuân 2019- Đó là một ngày mùa Thu cách đây gần 10 năm, Đoàn Nhà báo Hà Giang được các bạn đồng nghiệp Báo Thái Nguyên đưa về thăm Khu di tích An toàn khu (ATK) Định Hóa. Xã Điềm Mặc nằm gần như ở giữa của ATK Định Hóa với miên man rừng cọ, đồi chè với những mái nhà sàn nép mình bên sườn đồi, có dòng suối uốn lượn róc rách chảy, chiều đến khói bếp rải nhẹ, bay vờn cùng hương lúa mới, tạo cho chúng tôi cảm giác trù phú, đầm ấm của một bản làng vùng cao Việt Bắc. Nhà báo Phan Hữu Minh, hiện là Thường vụ, Trưởng ban Kiểm tra của Hội Nhà báo Việt Nam (lúc đó là Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên) đưa chúng tôi đến địa điểm cách đây 69 năm, đã diễn ra sự kiện lịch sử: Thành lập Hội Nhà báo Việt Nam. Một tấm Bia di tích bằng đá Cẩm thạch và nhà truyền thống của Hội được xây dựng đúng trên nền nhà hội trường diễn ra Hội nghị Báo chí kháng chiến, được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia. Những hiện vật lịch sử và thông tin trên bia di tích đã cho chúng tôi biết: Chiều ngày 21.4.1950, tại hội trường nhà lá có 8 mái của mặt trận Liên Việt, đại diện các báo của Đảng, mặt trận, các đoàn thể, Đài Tiếng nói Việt Nam và Việt Nam Thông tấn xã đã tổ chức hội nghị. Đồng chí Xuân Thủy được Đảng và Bác Hồ giao nhiệm vụ chủ trì hội nghị này. Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã nhận thấy: “Tên cũ: Đoàn báo chí kháng chiến không thể hiện được tính đoàn kết rộng rãi của giới báo chí nước nhà khi đó hoạt động cả ở vùng tự do lẫn vùng địch tạm chiến, hơn nữa hội còn có nhiệm vụ kiến thiết đất nước sau kháng chiến thắng lợi. Do đó, hội nghị quyết định thành lập Hội và lấy tên là: “Hội những người viết báo Việt Nam” – tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam hiện nay, đồng chí Xuân Thuỷ được bầu làm Chủ tịch Hội. Kể từ đó, ngày 21.4.1950 được xác định là mốc son lịch sử – Ngày thành lập Hội; ngày truyền thống vẻ vang của tổ chức Hội và hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
Các nhà báo lão thành và thế hệ nhà báo hôm nay tại Bia di tích lịch sử Quốc gia “Địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam” tại Điềm Mặc, Định Hóa ngày 20.4.2005. ảnh: Tư liệu |
69 năm qua, cùng với dòng chảy của thời gian và lịch sử đất nước, rất nhiều thế hệ nhà báo đã nối tiếp nhau vững tay bút, tay máy với cái đầu lạnh, trái tim nóng, dấn thân, cống hiến trên tuyến đầu mặt trận báo chí, tuyên truyền. Họ đã có mặt ở mọi miền đất nước, những điểm nóng của sự kiện, theo sát những đoàn quân, những công trường, nhà máy, trường học, cánh đồng… để chuyển tải đến bạn đọc, nhân dân những thông tin chính xác, cần thiết, thời sự, đang diễn ra; làm cầu nối thông tin và niềm tin cho toàn xã hội.
69 năm – một chặng đường dài khẳng định sự lớn mạnh, trưởng thành; từ gần 300 nhà báo, hội viên đầu tiên khi thành lập Hội, đến nay đã có gần 300 tổ chức trực thuộc Trung ương Hội với gần 24.000 nhà báo, hội viên. Hội Nhà báo các cấp đã thực sự là ngôi nhà chung, ấm tình đồng nghiệp; là nơi giao lưu, kết nối của các hội viên, được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao nhiệm vụ là người chiến sĩ đi đầu trên mặt trận tư tưởng, văn hoá của Đảng. Bằng các hoạt động nghiệp vụ sâu sắc nhưng nhân văn, tổ chức Hội và những người làm báo đã từng bước có được lòng tin và vị thế vững chắc trong lòng nhân dân, được nhân dân yêu quý, tin cậy vì đã đáp ứng, nói đúng, nói được tiếng nói của nhân dân trong mọi thời kỳ xây dựng và phát triển của đất nước.
Báo chí cách mạng Việt Nam đã có chặng đường vẻ vang 94 năm kể từ ngày ra đời số báo Thanh Niên đầu tiên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ngày 21.6.1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc). Và tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam với địa danh Điềm Mặc và mốc son ngày 21.4.1950, đã ghi dấu chặng đường 69 năm ra đời, trưởng thành và lớn mạnh. Quá khứ hào hùng sẽ trở thành hành trang thắp lửa truyền thống cho ngày hôm nay, để mỗi nhà báo chúng ta tự tin vững bước trong nghề làm báo.
Lê Trọng Lập
Ý kiến bạn đọc