Cao nguyên đá hội tụ tinh hoa văn hóa vùng cao

07:59, 08/02/2019

Xuân 2019 - Đến Cao nguyên đá Đồng Văn, là đến với một nơi thiêng liêng tột Bắc của Tổ quốc, nơi có Cột cờ Lũng Cú khẳng định chủ quyền đất nước. Cao nguyên đá Đồng Văn khi gia nhập Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (CVĐC), các giá trị di sản mà nó chứa đựng đang là chìa khóa mở cánh cửa của sự phát triển. Đây là cơ hội không chỉ riêng của miền đất Hà Giang, mà còn là cơ hội cho sự phát triển trong quá trình liên kết với các địa phương trong khu vực, cả nước và quốc tế.

Cao nguyên đá Đồng Văn gồm 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc, hiện còn bảo tồn được khá nguyên vẹn cảnh quan thiên nhiên với điệp trùng núi đá hùng vĩ. Những giá trị phong phú về địa chất, địa mạo, cổ sinh còn lưu giữ ở đây qua hàng triệu năm vẫn đang được các nhà khoa học khám phá, khai mở, đem đến những ngạc nhiên lớn cho những người quan tâm và tâm huyết với thiên nhiên.

Trên Cao nguyên đá Đồng Văn có hơn 10 dân tộc anh em cùng chung sống. Ngoài đồng bào Mông chiếm đa số, còn có những dân tộc khá ít người của cả nước như Lô Lô, Cờ Lao, Pu Péo, Bố Y, Xuồng, Giáy... Tất cả cố kết trong một cộng đồng bền chặt, vượt qua thách thức của hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Con người trên cao nguyên sinh ra và “Sống trên đá, chết nằm trong đá”, đã tạo nên kỹ năng và sức sinh tồn kỳ diệu, họ kiên cường sống giữa những rừng đá, sa mạc đá triệu tuổi để sản sinh ra bản sắc đặc biệt - một không gian sinh hoạt văn hóa vùng cao núi đá. Họ bám đá, giữ đá, gửi cả tâm hồn vào đá, đá và người cùng trở thành phên dậu của đất nước.

Chính những giá trị địa chất, địa mạo, những cảnh quan thiên nhiên độc đáo cùng với không gian văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên Cao nguyên đá Đồng Văn đã mang đến cho vùng đất này một tiềm năng phát triển du lịch cũng đặc biệt. Lượng khách trong nước và quốc tế đến với Cao nguyên đá Đồng Văn ngày càng tăng. Đáp ứng với triển vọng phát triển và để CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn xứng tầm là CVĐC đầu tiên của Việt Nam, ngày 7.2.2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 310 về việc “Phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn 2030”.

Mục tiêu quy hoạch là bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Cao nguyên đá Đồng Văn như một bảo tàng thiên nhiên về địa chất, sinh học và lịch sử văn hóa dân tộc dưới dạng các công viên chuyên đề: Công viên văn hóa, công viên địa sinh học và công viên khoa học địa chất; khai thác các giá trị di sản thông qua quy hoạch đầu tư, phát triển dưới dạng mô hình kinh tế du lịch; thu hút người dân tham gia làm du lịch cộng đồng. Qua việc quy hoạch, biến CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành khu du lịch Quốc gia, đưa Cao nguyên đá trở thành đầu mối để thúc đẩy phát triển du lịch khu vực miền núi Bắc Bộ.

Từ ưu thế và sự quan tâm lớn của Trung ương thông qua việc quy hoạch tổng thể, đã mở ra một cơ hội lớn cho quá trình hội nhập, phát triển của vùng Cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng và của tỉnh Hà Giang nói chung; tạo ra một sức hút đầu tư lớn đối với vùng Cao nguyên đá Đồng Văn và sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển cho vùng đất khó khăn này. Cao nguyên đá Đồng Văn gia nhập Mạng lưới CVĐC toàn cầu là nỗ lực chung của cả nước, vì thế, việc giữ vững tư cách thành viên của Mạng lưới cũng là trách nhiệm chung của cả nước.

Với sự quan tâm đặc biệt, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, giai đoạn 2013 – 2020”. Điều làm được tốt nhất của địa phương là công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia vào việc gìn giữ, bảo tồn và tôn tạo các giá trị di sản. Tiếp đó là một số chính sách ưu tiên thu hút đầu tư của địa phương.

Để biến vùng Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành một địa bàn có cơ hội đầu tư thực sự, không chỉ là bảo tồn di sản, phát triển du lịch mà còn là việc giải quyết vấn đề an sinh cho 4 huyện thuộc diện 30a, rất cần một cơ chế đặc thù của T.Ư dành cho Hà Giang và Cao nguyên đá Đồng Văn. Trước hết, cần ưu tiên xây dựng hệ thống đường giao thông làm cơ sở phát huy các hạng mục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển du lịch, đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho dịch vụ du lịch, các chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới... Các chính sách đầu tư sẽ gắn liền với các mục tiêu đảm bảo an ninh - quốc phòng, ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn.

Đất nước Việt Nam trải qua quá trình dựng nước và giữ nước, với những trang sử hào hùng được ghi lại bằng nhiều loại hình sử liệu khác nhau: di tích - di vật, hình ảnh, chữ viết, ngôn ngữ truyền miệng. Trong số đó thì di tích lịch sử - văn hóa đóng vai trò như một nguồn sử liệu vật chất quan trọng. Nó cung cấp cho chúng ta một số thông tin trực tiếp từ những hoạt động của con người trong quá khứ mà nhiều nguồn sử liệu khác không hoặc không có điều kiện đề cập tới. Thông tin từ những nguồn sử liệu này đã giúp cho các nhà nghiên cứu lịch sử có những bằng chứng để khẳng định thêm sự có mặt của nhóm cộng đồng cư dân đã sống và tồn tại trên mảnh đất này.

Các di tích lịch sử văn hóa với các loại hình di tích lịch sử (lịch sử truyền thống, cách mạng kháng chiến, lưu niệm danh nhân), di tích kiến trúc nghệ thuật (đình, chùa, đền, thành lũy, nhà cổ), di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh. Công tác bảo tồn và phát huy bao gồm các nhiệm vụ: Kiểm kê di tích, lập hồ sơ khoa học đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét xếp hạng và cấp bằng công nhận di tích Quốc gia và di tích cấp tỉnh nhằm đảm bảo tốt hơn công tác bảo tồn và phát huy giá trị cũng như quản lý di tích về lâu dài. Bên cạnh đó là công tác trùng tu tôn tạo di tích, xây dựng bản đồ số hóa khoanh vùng bảo vệ di tích.

Tất cả những hoạt động ấy đều nhằm một mục tiêu bảo tồn và phát triển.

Bài, ảnh:  Hà Phương Thiện


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bác Hồ kính yêu với những dấu ấn năm Hợi

Xuân 2019 - Nhớ mãi tuổi thơ tôi, cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, cùng lũ trẻ trong làng thường được người già kể lại cảm xúc đặc biệt khi nghe thơ chúc Tết đêm giao thừa lúc sinh thời của Bác Hồ. Cho dù Bác đã đi xa, nhưng những cảm xúc đặc biệt về mùa Xuân, về Bác như còn mãi với dân tộc. Nhân năm mới Kỷ Hợi 2019, chúng ta cùng nhớ về những năm Hợi với dấu ấn đặc biệt làm nên "sức Xuân dân tộc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh!

07/02/2019
Ẩm thực: "Chất gây nghiện" của du lịch miền cực Bắc

Xuân 2019 - Năm nào tôi và bạn bè cũng xách ba lô tới Hà Giang ít nhất một lần, không chỉ để được thăng hoa cùng những hùng quan, các lễ hội đặc sắc hay đắm mình giữa cánh đồng hoa Tam giác mạch, mà còn bởi "chất gây nghiện" không thể cưỡng lại mang tên "Ẩm thực của núi rừng". Sở hữu hẳn một danh sách dài những món ngon đậm đà hương vị núi rừng, lạ mà bổ dưỡng, ngọt mà mát, béo nhưng không ngấy, dường như, ẩm thực Hà Giang luôn sẵn sàng chiều lòng tất thảy những "tâm hồn" ăn uống đến từ bất cứ nơi đâu.

 

07/02/2019
Nguyễn Kim Chung Người lính cầm bút

Xuân 2019 - Hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ với phẩm chất tốt đẹp, cao quý và thiêng liêng, luôn là mạch nguồn cảm hứng mãnh liệt cho những người lính cầm bút. Đại tá Nguyễn Kim Chung, nguyên Phó Chỉ huy Trưởng về Chính trị (Bộ CHQS tỉnh) là một người như vậy. Ông đã có nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết và bút ký lịch sử về đề tài chiến tranh cách mạng. Những tác phẩm của ông ca ngợi hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ...

07/02/2019
Ấm áp nghĩa tình AgriBank Hà Giang

Xuân 2019 - Nếu mùa Xuân của tạo hóa mang đến sự ấm áp, diệu kỳ, làm cho cây cối đâm chồi, biếc lộc, ngàn hoa khoe sắc thì nghĩa cử giàu tính nhân văn qua công tác an sinh xã hội của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Hà Giang (AgriBank Hà Giang) chính là "mùa Xuân" ấm áp trong lòng bao người dân nơi địa đầu Tổ quốc. Trân trọng, biết ơn những thế hệ cha, anh đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, AgriBank Hà Giang đã có nhiều nghĩa cử cao đẹp thể hiện tình cảm tri ân sâu sắc.

07/02/2019