"Cánh tay kinh tế" đắc lực của huyện Bắc Mê
Xuân 2019 - Những chú cá Bỗng đầu tiên sinh ra từ phương pháp thụ tinh nhân tạo, những chú bò nằm nghe nhạc, những vườn chuối trải dài bất tận, những cây dược liệu quý mọc lên từ vùng đất hoang hay những cánh đồng lúa trĩu vàng gọi mùa no đủ…; đó là “bức tranh” nhiều màu sắc của ngành Nông nghiệp huyện Bắc Mê năm qua.
Bà con xã Minh Ngọc thu hoạch lúa giống j02. |
Để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, ngay từ đầu năm, Phòng Nông nghiệp đã cùng UBND huyện giao chỉ tiêu cụ thể cho các xã, thị trấn, tổ chức ký kết giao ước thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ; chỉ đạo quyết liệt việc chuyển đổi khung thời vụ, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng. Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về nông nghiệp, nông thôn như: Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020; chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hàng hoá theo Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND và Nghị quyết 86/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; Đề án Phát triển nửa triệu con đại gia súc; phát triển vùng sản xuất tập trung, xây dựng xã, thôn điển hình về phát triển kinh tế, phong trào nói không với sử dụng thuốc diệt cỏ; Chương trình đột phá về khoa học- công nghệ, trực tiếp là ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Khép lại năm 2018 là những kết quả đáng ghi nhận: Tổng sản lượng lương thực có hạt cả năm của huyện ước đạt 31.960,6 tấn, tăng 2,4%, đạt 101% KH. Sản lượng lương thực bình quân ước đạt 561,9 kg/người/năm. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 9.316,3 ha/9.311,4ha, đạt 100% KH, bằng 96,1%. Thực hiện 96 ca thụ tinh nhân tạo cho bò, trong đó có 67 ca thành công. Tổng đàn gia súc 92.560 con đạt 100% KH; đàn gia cầm 263,79 nghìn con, đạt 103% KH. Về thủy sản, toàn huyện hiện có 65 lồng cá, tập trung chủ yếu tại xã Thượng Tân, Yên Phong và thị trấn Yên Phú, thể tích bình quân mỗi lồng 15m3. Trồng mới 658,59 ha rừng sản xuất; 256,8 ha cây dược liệu, gồm 62,88 Quế, 190ha cây nghệ và 3 ha cây Đương quy. Thực hiện điểm quy tụ dân cư tại 13 xã, thị trấn, với tổng số 55 hộ, 281 khẩu, tổng kinh phí thực hiện là 1.027,5 triệu đồng.
Để có được kết quả trên, Phòng đã tham mưu triển khai và thực hiện một số giải pháp, chương trình nhằm kích cầu và thúc đẩy sản xuất: Chương trình cánh đồng mẫu lớn, đầu tư có thu hồi, dồn điền - đổi thửa. Phối hợp với Viện Nghiên cứu và phát triển lâm nghiệp - Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên xây dựng hoàn thiện và trình UBND tỉnh phê duyệt Dự án Trồng rừng kinh tế, gắn phát triển dược liệu. Chỉ đạo định hướng các xã, thị trấn chủ động liên kết với các doanh nghiệp thực hiện theo hình thức đầu tư có thu hồi; xã Minh Ngọc liên kết với Công ty Phát Đạt Hà Giang thực hiện được 45 ha lúa vụ Xuân; HTX Nà Xá, xã Yên Định liên kết với Công ty An Đạt Thành - Chi nhánh Quang Bình thực hiện gieo mạ khay, máy cấy; Công ty TNHH Cát Thành liên kết với nhân dân xã Phú Nam trồng 60 ha nghệ. Chương trình “Dồn điền - đổi thửa”, giai đoạn 2016-2018 nhân dân đã được trên 25ha. Phòng Nông nghiệp cũng hoàn thành Đề tài khoa học sinh sản cá Bỗng nhân tạo tại thị trấn Yên Phú.
Thực hiện Nghị quyết 209 và Nghị quyết 86, đến nay có 206 hộ đăng ký vay vốn với số tiền 20.960 triệu đồng; tổ chức thẩm định được 151 hộ, trong đó 129 hộ đủ điều kiện vay vốn với số tiền 15.730 triệu đồng; giải ngân cho 126 hộ với 15.670 triệu đồng; giải ngân cho vay khoảng 17 tỷ đồng, đạt 113,3%. Thực hiện Phương án số 2 của UBND huyện về phát triển gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm năm 2018 với tổng số 17 gia trại. Thu hút nhiều đơn vị đầu tư với các dự án sản xuất, kinh doanh như: Dự án Liên kết trồng chuối xuất khẩu tại xã Yên Định của Công ty CP phát triển nông, lâm nghiệp Hà Giang; trồng nghệ phục vụ chế biến tại xã Phú Nam của Công ty TNHH Cát Thành; HTX Thiên Ân, xã Yên Cường liên kết trồng dâu nuôi tằm; HTX Nà Xá, liên kết hoạt động dịch vụ cung ứng giống, phân bón, gieo mạ khay, cấy bằng máy...
Bước sang năm Kỷ Hợi 2019, Phòng đề ra những mục tiêu cụ thể, nỗ lực triển khai các chỉ tiêu sản xuất đảm bảo đạt kế hoạch cả về diện tích và sản lượng. Phấn đấu diện tích lúa thâm canh đạt 90% trở lên, vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ của T.Ư, của tỉnh, đồng thời có các chủ trương, cơ chế riêng của huyện nhằm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá. Phát triển mạnh trồng rừng kinh tế, vùng rừng nguyên liệu tập trung. Rà soát diện tích rừng nghèo kiệt và rừng tre nứa có giá trị kinh tế thấp để trồng rừng mới. Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, có các chính sách khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Bài, ảnh: Hoàng Yến
Ý kiến bạn đọc