Bể nước Hữu nghị
Xuân 2019 - Đều nằm sát đường biên giới Việt – Trung, hai xóm chỉ cách nhau khoảng trên dưới 500 mét, cùng nằm trong một thung lũng nhỏ có tên Mà Lủng. Hiện nay, mỗi xóm trên dưới 20 hộ. Điều đặc biệt ở 2 xóm là cùng một tên Mà Lủng, người dân đều dân tộc Mông, cùng mang họ Ly. Nhưng khác biệt lại là xóm Mà Lủng trên thuộc Trấn Má Púng, huyện Ma Ly Pho (Trung Quốc), xóm dưới thuộc xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn (Việt Nam). Ranh giới trên đường biên giới Việt Nam và Trung Quốc giữa hai xóm là một bể nước.
“Bể nước Hữu nghị”. |
Người già xóm dưới kể rằng: Chẳng biết từ bao đời, hai xóm đã cùng tên, cùng ăn chung một nguồn nước. Giữa 2 xóm, do nguồn nước tự nhiên chảy từ trong kẽ đá, đã tạo một hố nước nho nhỏ, chỉ đặt được một thùng gỗ khoảng 30cm để hứng nước. Mùa mưa, nước dùng thoải mái nhưng về mùa Đông nước chảy ít, dân hai xóm cùng thực hiện ai đến trước hứng trước hoặc múc trước, người đến sau xếp hàng chờ. Mọi người đều có ý thức giữ gìn hố nước cho sạch sẽ. Bà con bảo nhau: Ta không chỉ là anh em cùng họ, mà còn là người đại diện cho hai Quốc gia láng giềng, tuyệt đối không được làm điều gì ảnh hưởng đến tình hữu nghị ngàn đời nay. Ngoài việc thực hiện ý thức Quốc gia, Quốc giới theo chính sách của mỗi nước và chung của hai nước, còn phải nghe ý kiến các cụ già làng, trưởng họ. Ông Ly Dũng Sèo, người già làng xóm dưới vừa biết thổi khèn giỏi, lại là một thợ mộc, thợ đá và thuộc làu làu các phong tục tập quán dân tộc. Không chỉ ở hai xóm, ông được các xóm lân cận coi là già làng, là người có uy tín của khu vực.
Xóm Mà Lủng, xã Lũng Táo. |
Một hôm, khi đứng quan sát mọi người hứng nước, ông Ly Dũng Sèo bảo:
- Bây giờ nhà nước có xi măng, giá như hố nước này được xây thành bể lớn chứa được nhiều, các cháu đến không phải đứng đợi mà cứ việc múc đổ đầy thì gùi về, đỡ phải mất công các cháu nhỉ?
Có tiếng một phụ nữ xóm trên:
- Ông ơi, được như ông nói thì tốt, vì ban đêm nước bỏ phí, mà xây được bể thì xây cả chỗ giặt quần áo có phải tốt không?
Ông Sèo nói tiếp: Đúng rồi! Khi có bể nước to hơn lại có chỗ giặt giũ thì tốt quá, nhưng các cháu có hưởng ứng làm bể không? Hưởng ứng thì phải bỏ công sức cùng nhau làm đấy!
Lại có tiếng một phụ nữ khác:
- Chúng cháu rất muốn có bể, cần góp công thì chúng cháu sẵn sàng, chỉ cần tìm người biết phá đá và xây là làm thôi ông ạ.
Một thanh niên góp ý:
- Theo cháu thì chúng ta đây là dân hai nước, hố nước chung của hai xóm cũng là hai nước, mà hố nước ngay đường biên có khi còn phải được sự đồng ý của hai Chính phủ mới làm được.
Ông Dũng Sèo tiếp lời:
- Cháu nói đúng, nhưng hố nước từ xưa tới nay là của dân hai xóm, nếu hai xóm đồng tình, thì xin chính quyền cơ sở hai xã đồng ý là được, vì nó mới là nước chảy tự nhiên trong kẽ đá chứ không phải nước của nhà nước xây lên mà có.
Thế rồi, ông Ly Dũng Sèo bàn với 2 Trưởng xóm của 2 bên và thống nhất cùng xin ý kiến cấp trên (Súa Thào xin ý kiến UBND xã Lũng Táo, Chúng Sình xin ý kiến chính quyền trấn Má Púng) và thông tin cho nhau về kết quả.
Chưa đầy một tháng sau, được chính quyền 2 bên nhất trí, 2 xóm cùng triển khai xây bể.
Về vật liệu, xóm trên đóng góp xi măng và cử người xây bể, xóm dưới góp đá, cùng nhau vận chuyển vật liệu.
Ngày khởi công xây bể nước, đó là một ngày đầu năm 1968. Công trình hoàn thành, hai bên tổ chức liên hoan ăn mừng, cùng nhất trí đặt tên Bể nước Hữu nghị.
Tại buổi liên hoan mừng bể nước, bà con hai xóm yêu cầu ông Dũng Ly Sèo phát biểu, ông nói:
Thưa các cháu Mà Lủng thân mến! Các cháu thấy hai xóm ta có mất đoàn kết bao giờ không?
Có tiếng thưa: Chúng cháu lớn lên đến bây giờ chưa thấy hai xóm mất đoàn kết ông ạ.
Ông Dũng Sèo nói tiếp: Đúng rồi, ông già thế này ông còn chưa thấy bao giờ, nghĩa là do nhân dân hai xóm ta hiểu ta vừa là anh em vừa là dân hai nước gần nhau, phải sống đoàn kết bên nhau. Bể nước này là báu vật của tình đoàn kết hữu nghị đó, nên chúng ta phải cùng nhau giữ gìn. Các cháu luôn nhớ giữ lấy tình cảm anh em mãi mãi vẫn là anh em, hữu nghị hai nước mãi mãi hữu nghị, các cháu có làm được không?
Tất cả đồng thanh: Được ạ.
Ông Ly Dũng Sèo nói xong, thì ông Ly Chúng Sình (Trưởng xóm Mà Lủng - trấn Má Púng) đứng lên:
- Thưa bà con hai xóm! Ông Dũng Sèo nói ngắn gọn nhưng ý nghĩa sâu sắc, chúng ta cảm ơn ông Dũng Sèo, bể nước này là ý tưởng và ông Dũng Sèo khơi mào đấy. Tất cả chúng ta cùng cầm bát lên kính chúc ông Sèo luôn khỏe mạnh; cùng hứa thực hiện đúng ý kiến của ông. Nói xong nghe tiếng chạm nhau của bát rượu, cuộc liên hoan được tổ chức ngay thành Bể nước Hữu nghị thật là vui như các ngày lễ, ngày tết dân tộc bà con hai xóm vẫn thường tổ chức hàng năm.
Từ đó đến nay, vừa đúng 50 năm nhân dân hai xóm luôn ghi nhớ và thực hiện tình cảm anh em, tình hữu nghị hai nước.
Năm 2001, thực hiện việc phân giới, cắm mốc biên giới trên tuyến Việt – Trung, hai nước thống nhất đặt cột mốc có số 405 ngay cạnh bể nước. Cùng đó, đã khắc và sơn đỏ dòng chữ tại bể nước, gồm bốn chữ: “Bể nước Hữu nghị”.
Hiện nay, hai xóm Mà Lủng cũng đã được 2 nhà nước đầu tư làm hồ treo. Tuy bà con không phải ra lấy nước ở “Bể nước Hữu nghị”, nhưng người dân hai bên thống nhất, vẫn giữ nguyên bể nước, bởi đó là một “di sản” chung của bà con nơi đây.
Bài, ảnh: Triệu Đức Thanh
Ý kiến bạn đọc