Nâng cao tầm vóc đàn gia súc
Xuân 2019 - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 và Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh xác định trâu, bò là những con thế mạnh, chủ lực; là một trong những giải pháp giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững. Chính vì vậy, tỉnh ta có nhiều chính sách khuyến khích phát triển đàn trâu, bò, đặc biệt chăn nuôi theo hướng hàng hóa và hỗ trợ công tác thụ tinh nhân tạo (TTNT), cải tạo tầm vóc đàn đại gia súc.
Kỹ thuật viên thực hiện thụ tinh nhân tạo cho trâu tại xã Quang Minh (Bắc Quang). |
Trước đây, do tập quán chăn thả của người dân nên đàn gia súc giao phối tự nhiên, thậm chí cận huyết, khiến thể trạng còi cọc, năng suất thịt và giá trị kinh tế thấp. Khắc phục tình trạng này, ngoài các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi để mua giống trâu, bò, làm chuồng trại, hỗ trợ trồng cỏ làm thức ăn, tỉnh ta đặc biệt quan tâm đến công tác TTNT cho đàn trâu, bò với nhiều cơ chế, chính sách như: Đào tạo và hỗ trợ kinh phí TTNT cho dẫn tinh viên (DTV); bình tuyển trâu, bò giống và thiến trâu, bò “cóc”; tổ chức tập huấn cho người dân cách nhận biết trâu, bò đến thời kỳ động dục…
Theo Nghị quyết 209 và 86 của HĐND tỉnh, các DTV làm công tác phối giống theo phương pháp TTNT cho trâu, bò được hỗ trợ bằng 0,4 mức lương cơ sở/lần thành công (tương đương gần 600 nghìn đồng). Ngoài ra, nhiều địa phương trong tỉnh cũng dành nguồn kinh phí hỗ trợ thêm tiền công cho DTV phối giống thành công như: Quản Bạ 150 nghìn đồng/con, Yên Minh 200 nghìn đồng/con, Mèo vạc 0,4 mức lương cơ sở/con... Hay hỗ trợ mua trang thiết bị phục vụ TTNT; tập huấn nâng cao nghiệp vụ DTV... Tổng kinh phí toàn tỉnh thực hiện hỗ trợ TTNT, đào tạo, tập huấn từ năm 2015 đến nay trên 2 tỷ đồng.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Trịnh Văn Bình cho biết: Từ sự quan tâm đến công tác TTNT cho đàn đại gia súc, hơn 3 năm qua toàn tỉnh đã TTNT được trên 9.200 con trâu, bò; trong đó thành công trên 6.300 con; số bê, nghé đã sinh trên 4 nghìn con. Đàn trâu, bò sinh ra bằng phương pháp TTNT có thể trạng lớn hơn từ 10 – 20% so với giao phối tự nhiên và tỷ lệ sống, khỏe mạnh đạt 100%. Ngoài ra, toàn tỉnh đã đào tạo cho gần 500 lượt người về kỹ thuật DTV; tổ chức được 340 lớp với trên 10 nghìn nghìn người tham gia tập huấn nhận biết trâu, bò động dục; bình tuyển được trên 2.900 con trâu, bò cái giống đạt tiêu chuẩn; hầu hết các xã, thị trấn đều có thiết bị bảo quản tinh và DTV có thể thực hiện TTNT cho trâu, bò; Trung tâm Giống cây trồng và vật nuôi Phố Bảng đã làm chủ kỹ thuật sản xuất tinh cọng rạ, đáp ứng đủ nhu cầu TTNT cho đàn bò của tỉnh...
Những chính sách và kết quả thực hiện TTNT cho đàn đại gia súc đã góp phần quan trọng nâng cao tầm vóc, giá trị đàn trâu, bò.
Bài, ảnh: DUY TUẤN
Ý kiến bạn đọc