Không thể xuyên tạc, phủ nhận về nền giáo dục ở nước ta hiện nay
Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta thường xuyên quan tâm lãnh, chỉ đạo, đổi mới, phát huy trí tuệ của các cấp, ngành và toàn dân để xây dựng nền giáo dục Việt Nam đáp ứng với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tâm huyết, vẫn còn những kẻ luôn xuyên tạc, bịa đặt, phủ nhận, đặc biệt lợi dụng những yếu kém, khuyết điểm trong lĩnh vực giáo dục để vu khống, quy chụp, đổ lỗi do chế độ xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Những luận điệu đó hoàn toàn vô căn cứ, phủ nhận vai trò chủ đạo của hệ tư tưởng mácxít trong nền tảng tinh thần của xã hội, xuyên tạc thực tiễn phát triển nền giáo dục ở Việt Nam hiện nay.
Nền giáo dục ở Việt Nam là nền giáo dục Xã hội chủ nghĩa, gắn với chế độ Xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng ta, giữ vai trò trung tâm, chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội. Qua 35 năm đổi mới, nền giáo dục Việt Nam có đóng góp rất quan trọng để đất nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế. Chúng ta cũng đang hết sức, tận tâm, tận lực để khắc phục những hạn chế. Đổi mới, xây dựng nền giáo dục Việt Nam phải vì mục tiêu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cha ông ta luôn coi trọng giáo dục lịch sử dân tộc cho thế hệ sau. Dù kẻ thù có tìm mọi cách đồng hóa, phá hoại, xuyên tạc, song người Việt Nam luôn sáng suốt, phân biệt rạch ròi công, tội, đánh giá khách quan về lịch sử. Đó là sự răn dạy con cháu “uống nước nhớ nguồn”, biết ơn những người có công với non sông đất nước, vạch mặt những kẻ “Việt gian”, “bán nước”, “cõng rắn cắn gà nhà”.
Trong tình hình mới, sự dạy bảo của cha ông về giáo dục lịch sử dân tộc được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta thấm nhuần, thực thi hiệu quả. Không thể không thừa nhận sự hiểu biết đúng về lịch sử của một bộ phận nhân dân, nhất là thế hệ trẻ còn nhiều thứ đáng bàn. Tuy nhiên, tâm huyết với vấn đề này là phải góp ý về phương pháp giáo dục lịch sử, phát huy vai trò của các cấp, ngành và toàn xã hội, nhất là từ phía ông bà, cha mẹ với con cháu và đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động “xâm lăng”, xuyên tạc về văn hóa, giáo dục, đạo đức, chú ý nhiều hơn nữa những tác động từ mạng xã hội.
Hiện nay, giáo dục Việt Nam hướng tới mục tiêu “nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế”, trong quá trình đổi mới, sự nghiệp xây dựng nền giáo dục Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Được cộng đồng quốc tế ghi nhận là nền giáo dục Việt Nam có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng. Chúng ta đã hoàn thành mục tiêu đưa trẻ em đúng độ tuổi được đến trường, cơ bản hoàn thành phổ cập Trung học cơ sở. Tuy nhiên, thực hiện phương hướng “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và trọng dụng nhân tài” còn nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, bên cạnh việc đóng góp những tâm huyết, nhân lực, trí lực, vật lực cho phát triển nền giáo dục nước nhà, chúng ta cũng luôn tỉnh táo, nhận diện, vạch trần và đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, chống phá, nhất là những kẻ đòi “xóa bỏ nền giáo dục Xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam.
Trung tá Đặng Công Thành (Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng)