Khó khăn về nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng theo Nghị quyết 30a

07:48, 25/04/2013

HGĐT- Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ được ví như “đòn bẩy” giúp 6 huyện nghèo trên địa bàn tỉnh dần hoàn thiện kết cấu cơ sở hạ tầng thôn bản, xã, huyện, đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH, giữ vững AN - QP. Tuy nhiên, qua 4 năm triển khai đã xuất hiện những khó khăn, vướng mắc và mục tiêu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo Đề án thực hiện Nghị quyết 30a của các huyện đã được tỉnh phê duyệt khó có thể hoàn thành.



Điểm trường tiểu học thôn Nậm Chộm, xã Du Tiến (Yên Minh) chờ vốn đầu tư.


Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, công trình cấp nước sinh hoạt, nước sản xuất... nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội là mục tiêu trọng tâm trong Đề án thực hiện Nghị quyết 30a của 6 huyện nghèo trên địa bàn tỉnh. Ngày từ năm 2009, khi bước vào triển khai, thực hiện chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo Nghị quyết, tỉnh ta đã tập trung chỉ đạo ngành chức năng, các huyện tranh thủ nguồn lực đầu tư của Nhà nước, nguồn vốn tài trợ của các doanh nghiệp, tập đoàn cùng với việc lồng ghép các nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Từ năm 2009 đến năm 2012, đã có 167 công trình cấp huyện; 751 công trình cấp xã được xây dựng từ chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo Nghị quyết 30a. Nguồn vốn tập trung chính vào việc hoàn thiện hệ thống đường giao thông từ huyện xuống xã, từ xã xuống thôn; công trình trường học; công trình điện; nước sinh hoạt, sản xuất... Do thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát trong quá trình đầu tư, xây dựng nên hầu hết các công trình đã xây dựng đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả. Đồng chí Phạm Tiến Tình, Bí thư Đảng ủy xã Du Tiến (Yên Minh) cho biết: “Là một xã vùng sâu, cơ sở hạ tầng còn rất nhiều khó khăn, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn; đường điện; điểm trường. Vừa qua, xã được đầu tư 2 công trình đường giao thông nông thôn loại B từ nguồn vốn Nghị quyết 30a với số tiền đầu tư trên 5 tỷ đồng. Đó là tuyến đường từ thôn Khau Ản đi Phia Rịa và đường từ thôn Khai Hoang đi Gia Vài, phục vụ nhu cầu giao lưu kinh tế, văn hóa cho hàng trăm hộ dân. Có thể khẳng định, chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng theo Nghị quyết 30a đã từng bước giúp xã hoàn thiện cơ sở hạ tầng thôn bản, là điều kiện giúp xã thoát nghèo bền vững”. Không chỉ Du Tiến, hầu hết các xã trên địa bàn 6 huyện nghèo đều được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn 30a, các công trình đều mang tính bức thiết, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững cho các địa phương.

 

Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai Nghị quyết 30a, việc thực hiện chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng đối với các huyện nghèo còn gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết, với điểm xuất phát về cơ sở hạ tầng còn thấp nên khi triển khai, thực hiện Nghị quyết 30a, các hạng mục đầu tư hầu như xây dựng mới hoàn toàn. Do đó, để đạt được mục tiêu đề ra, nhu cầu nguồn vốn rất lớn và tập trung chủ yếu trong giai đoạn 2010 – 2015 mới đảm bảo tiến độ theo Đề án thực hiện Nghị quyết 30a của các huyện. Thế nhưng, trong 4 năm qua, nguồn vốn T.Ư bố trí cho tỉnh hàng năm không đáp ứng được yêu cầu theo Đề án đã được phê duyệt, số tiền cấp còn quá thấp so với nhu cầu thực tế. Từ năm 2009 đến 2012, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo Nghị quyết 30a đã cấp được 803 tỷ đồng, trong khi đó nguồn vốn theo nhu cầu của Đề án thực hiện Nghị quyết 30a của các huyện là 6.000 tỷ đồng. Chính do nguồn vốn đầu tư còn hạn chế nên đến năm 2012, tổng số công trình cơ sở hạ tầng ở 6 huyện nghèo đã thực hiện mới chỉ đạt 5,6% so với tổng số công trình đã đăng ký trong Đề án; tổng vốn bố trí (kể cả nguồn vốn lồng ghép) mới đạt trên 12%. Ngoài khó khăn về nguồn vốn, trong quá trình triển khai chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng cũng gặp vướng mắc do các huyện không xác định được công trình cần ưu tiên nguồn vốn, dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, nợ đọng vốn lớn, hiệu quả ở nhiều công trình chưa cao...

 

Trước khó khăn đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Chương trình giảm nghèo bền vững do BCĐ Giảm nghèo bền vững T.Ư tổ chức, đồng chí Sèn Chỉn Ly, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã phát biểu, đánh giá tầm quan trọng của nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng có ý nghĩa quan trọng giúp các xã nghèo, huyện nghèo vươn lên. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn như hiện nay, tỉnh rất khó có thể thực hiện đạt mục tiêu Đề án thực hiện Nghị quyết 30a về xây dựng cơ sở hạ tầng trong giai đoạn 2010 – 2015. Do đó, Hà Giang cần Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư xem xét, cân đối và tập trung chỉ đạo việc huy động nguồn lực (vốn thực hiện các chính sách mới theo Nghị quyết 30a) đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong đó xác định rõ danh mục các công trình gắn với xây dựng nông thôn mới để tập trung đầu tư hoàn thành đúng tiến độ. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tác động đến các tập đoàn, doanh nghiệp lớn tiếp tục hỗ trợ nguồn lực cho các huyện nghèo đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

 

Những kiến nghị trên cũng là giải pháp quan trọng nhất giúp tỉnh giải quyết những khó khăn, vướng mắc để tiến gần hơn đến mục tiêu hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn ở 6 huyện 30a, phục vụ công cuộc xóa nghèo bền vững, phát triển văn hóa, xã hội và giữ vững AN - QP.


TUYÊN BÌNH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hai đứa trẻ mồ côi cha mẹ rất cần sự giúp đỡ
HGĐT- Nhìn hai khuôn mặt ngơ ngác, ánh mắt buồn của hai đứa trẻ đã từ lâu thiếu thốn sự chăm sóc của cha mẹ, khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Đó là em Ly Mí Phứ, 15 tuổi là học sinh lớp 8; em Ly Mí Chằng, 12 tuổi là học sinh lớp 4 trường cấp 1 - 2 xã Tả Lủng (huyện Mèo Vạc).
25/04/2013
Những tấm gương điển hình ở Quang Bình
HGĐT- Trên các lĩnh vực công tác, trong mọi công việc và ngay cả khi sinh hoạt hằng ngày, mỗi cán bộ, đảng viên ở huyện Quang Bình, luôn gương mẫu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Từ đó, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương sáng trong các phong trào lao động, sản xuất và xây dựng nông thôn mới (NTM).
25/04/2013
100% hộ dân Đồng Văn tham gia ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
HGĐT - Mặc dù trong thời điểm ngày mùa bận rộn, nhưng 34 hộ dân thôn Ngài Lủng, thị trấn Đồng Văn, dưới sự hướng dẫn sát sao của cán bộ xã và lãnh đạo thôn đã thực hiện xong việc góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
24/04/2013
Bài học kinh nghiệm trong Xây dựng Nông thôn mới ở Xín Mần
HGĐT- Trong 2 năm 2011- 2012, 9.992,5 triệu đồng là số tiền huy động chung tay giúp sức của cộng đồng các doanh nghiệp, HTX, các cá nhân, tập thể cho xây dựng Nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Xín Mần. Trên 21.000 m đường bê tông nông thôn, cùng 3.486 chuồng trại được đưa ra xa nhà; 588 công trình vệ sinh, gần 800 hộ tiến hành láng bó nền sạch, đẹp cùng hàng chục ngàn
24/04/2013