Tòa soạn báo - ngôi nhà và mái trường của tôi!

08:18, 20/06/2009

HGĐT- 21.6 hằng năm luôn làm tôi rạo rực vì đó chính là Sinh nhật của cái nghề tôi chọn - viết báo. Tính từ ngày bắt đầu nghiệp viết báo, đến nay cũng ngót nghét 7 năm trời. Quãng thời gian tuy ngắn ngủi với một đời người, nhưng cũng đủ để tôi được đến với mọi miền Hà Giang - mảnh đất địa đầu Tổ quốc đầy gian nan, vất vả và đây cũng chính là “quê hương thứ 2” của gia đình, nơi cả nhà tôi đang sinh sống bằng nghiệp viết báo...


 
 Tổng Biên tập Báo Hà Giang Lê Trọng Lập cùng lãnh đạo các phòng nghiệp vụ và biên tập viên chuẩn bị cho số báo mới.

Năm 1993, gia đình tôi từ Tuyên Quang chuyển lên sinh sống tại Hà Giang. Dọc theo bờ sông Lô chỉ toàn lau, sậy hoà theo gió mênh mông. Đôi con đường giao thông chính của thị xã “gầy gò” chạy dài theo hai tuyến phố, nhìn mỏi mắt cũng chỉ thấy thấp thoáng vài ngôi nhà xây thấp lè tè... Lúc bấy giờ thị xã còn nghèo lắm, không sầm uất như khu vực Rạp Tháng 8 (Tuyên Quang) nơi rất đông vui, nhộn nhịn đã gắn liền với tuổi thơ tôi. Trước một hình ảnh hoang vắng, heo hút của thị xã, đứng bên cây đa cổ thụ, đối diện với Sân vận động Kỳ đài mà bật khóc vì TXHG khi ấy, không như tôi tưởng tượng, không như nơi tôi đã sống trước đây...


Ngay khi chuyển lên Hà Giang, mẹ tôi đã vào công tác tại Báo Hà Giang và cũng từ khi đó tôi được làm quen với nghề Báo. Dù thời điểm đó tôi còn rất bé nhưng cũng đã hiểu được những cái vất vả, khó khăn của nghề làm Báo. Mà nhất là trong thời điểm ấy, Hà Giang còn nghèo nên để sống được với nghề, không chỉ mẹ tôi mà tất cả các bác, các cô, chú, như: Bác Hoàng Kiệm, Quang Vượng, Quốc Trí, Trần Bé, chú Đức Dũng, Trung Thu, cô Minh Tâm... phải rất vất vả, lặn lội theo từng cung đường gập ghềnh dốc đá đến với từng thôn, bản xa xôi, kịp thời đưa những thông tin chân thực, chính xác nhất của địa phương đến với bạn đọc.


Nhớ lắm, quên sao được! Sau thời gian làm phóng viên, mẹ tôi được chuyển sang làm biên tập viên và cái quãng thời gian ấy, sau này mỗi lần tôi nghĩ đến, lại thương mẹ tôi hơn, càng khâm phục trước sự cố gắng vươn lên trong cuộc sống, tính bền bỉ, chịu khó, “ngậm đắng, nuốt cay” làm việc, để chúng tôi được ăn, học đầy đủ... Hàng ngày mẹ tôi đi làm, trưa, chiều về lo bữa cơm cho gia đình, xong tối đến vẫn tiếp tục ra Công ty In để trực theo dõi, kiểm tra quá trình in báo, tránh sự sai sót để sáng hôm sau báo xuất bản kịp thời theo đúng kế hoạch. Cứ những ngày in báo là một lần mẹ tôi thức trắng đêm, đến sáng mới về. Và rồi một lần, như bao lần khác, khoảng 6 giờ chiều mẹ tôi đi làm. Đêm về, con đường về nhà đã được đổ đầy đá để nâng cấp mà trong khi đó trời tối, không đèn đường nên cả người và xe đã lao cả vào đống đá, xước hết chân, tay, xe hỏng, đi bộ về... Vất vả, gian khổ vậy đó, mà mẹ tôi không hề một lời ca thán. Quả thật, theo cảm nhận của riêng tôi. Những cái vinh dự, đắng cay, nhọc nhằn của nghề Báo mẹ tôi cũng đều đã trải qua nhưng chứa đầy đam mê, đau đáu với từng con chữ. Lúc nào cũng cặm cụi, say nghề, luôn hoàn thành tốt nhất, nhanh nhất mọi nhiệm vụ dù là khó khăn mấy và vẫn luôn gắn bó với nghề. Phải chăng đây chính là nguồn động lực để tôi tiếp tục theo con đường nghề Báo mà mẹ tôi đã, đang đi...?.


Năm 2002, rời quân ngũ, tôi chính thức được “cầm bút” theo đúng nghĩa của nghề Báo. Ban đầu, vì chưa được đào tạo qua trường lớp nên mỗi bài báo tôi viết quả thực rất vất vả, khó khăn và có nhiều lúc, tôi đã thực sự nản chí mỗi khi nghĩ đến viết bài, mặc dù tìm được chủ đề khá hay, nhưng vì bí vốn từ nên có khi thức trọn đêm viết cũng không xong. Trong khi đó, mẹ tôi một nhà báo “cứng” với đầy kinh nghiệm thực tế nhưng khi tôi hỏi, xin gợi ý, mẹ đều lảng tránh và chỉ nói: “Con hãy suy nghĩ thật kỹ về chủ đề mình đã chọn. Cứ mạnh dạn viết, mang ra nhờ trưởng phòng và mọi người đọc, kiểm tra, chỉ lỗi cho mà rút kinh nghiệm thì những bài viết đó mới thật sự là của con...”. Dù không được mẹ hướng dẫn, chỉ bảo từ những ngày đầu mới “chập chững” bước vào nghề nhưng tôi không hề oán trách, vì mẹ đã tạo được động lực, sự quyết tâm với mỗi bài viết của tôi. Sau một thời gian làm Báo đến nay, nhờ sự chỉ bảo tận tình của chú Thu, Trưởng phòng Phóng viên cùng các bác, các cô trong toà soạn mà từ lâu tôi đã không chỉ coi như người ruột thịt trong gia đình mà còn là “người thầy” trong sự nghiệp làm báo của tôi. Chính nhờ mọi người, mà nay tôi đã sản sinh ra những “đứa con tinh thần” thật sự là của mình được đăng tải trên Báo Hà Giang và một số báo Trung ương...


Mẹ ơi, con cảm ơn mẹ và mọi người nhiều lắm! Chính nhờ có mọi người mà nay “bước chân” của tôi theo nghề Báo đã dần vững chắc, mạnh mẽ hơn...


Tuấn Anh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Giảm nghèo ở những xã đặc biệt khó khăn cần sự vào cuộc của toàn xã hội
HGĐT- 35 xã đặc biệt khó khăn ở 6 huyện nghèo của tỉnh đang được thụ hưởng nhiều chính sách đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Đề án 30a được các huyện xây dựng với nhiều chính sách ưu tiên phát triển kinh tế sẽ giúp những xã đặc biệt khó khăn vươn lên thoát nghèo trong thời gian nhanh nhất. Nhưng để Đề án 30a phát
30/05/2009
Trên đỉnh cao 1.200 mét
HGĐT- Những cán bộ, kỹ thuật viên Trung tâm tiếp sóng PT-TH cổng trời Quản Bạ luôn cần mẫn sống, làm việc trên đỉnh cao 1.200m so với mặt nước biển. Cuộc đời, công việc thật đẹp khi luôn được làm bạn với mây bay, gió núi và tín hiệu sóng. Niềm vui của họ đã hoà cùng nụ cười của người dân khi xem, nghe các chương trình truyền thanh, truyền hình được thu, phát đi từ độ cao
20/06/2009
26 hồ chứa nước sinh hoạt đã được triển khai xây dựng
HGĐT- Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Hà Giang được đầu tư xây dựng 30 hồ chứa nước tại 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc nhằm giải quyết khó khăn về nước sinh hoạt cho người dân.
18/06/2009
Để các em có những mùa hè an toàn, bổ ích
HGĐT- Mùa hè là mùa học sinh nghỉ học, được tự do vui chơi nhưng kéo theo đó là nỗi lo của các bậc cha me về sự an toàn cho con khi chơi trong dịp hè. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh ta năm 2008 đã có 14/283 trẻ tử vong vì tai nạn thương tích.
18/06/2009