Trên đỉnh cao 1.200 mét

08:15, 20/06/2009

HGĐT- Những cán bộ, kỹ thuật viên Trung tâm tiếp sóng PT-TH cổng trời Quản Bạ luôn cần mẫn sống, làm việc trên đỉnh cao 1.200m so với mặt nước biển. Cuộc đời, công việc thật đẹp khi luôn được làm bạn với mây bay, gió núi và tín hiệu sóng. Niềm vui của họ đã hoà cùng nụ cười của người dân khi xem, nghe các chương trình truyền thanh, truyền hình được thu, phát đi từ độ cao 1.200m.


 
 Kỹ thuật viên Lê Trọng Hùng kiểm tra các thông số kỹ thuật thu, phát sóng truyền hình.

Chúng tôi lên độ cao 1.200m, nơi đặt trụ sở của Trung tâm tiếp sóng PT-TH cổng trời Quản Bạ đúng dịp những người làm báo cả nước đang tổ chức nhiều hoạt động chào mừng 84 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Giám đốc Trung tâm Trần Văn Dự vừa đưa tôi đi thăm các phòng làm việc vừa giới thiệu: Các thiết bị thu, phát sóng ở Trung tâm được đánh giá hiện đại, đảm bảo tốt việc thu, phát lại chương trình PT-TH. Trung tâm tiếp sóng PT-TH cổng trời Quản Bạ hoạt động từ năm 2004 với nhiệm vụ thu, phát lại chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài PT-TH Hà Giang. Hệ thống thu, phát sóng truyền hình được đầu tư hiện đại, đảm bảo thu, phát lại từ 5-24 giờ các chương trình VTV1, VTV2, VTV3; từ 4 giờ 30 - 24 giờ hệ VOV1 của Đài Tiếng nói Việt Nam. Chương trình phát thanh của đài địa phương được tiếp sóng, phát 2 lần/ngày với 4 thứ tiếng Kinh, Tày, Mông, Dao. Từ khi Trung tâm đi vào hoạt động, diện phủ sóng PT-TH được mở rộng. Đã có thêm nhiều người dân khu vực phía Bắc của tỉnh được tiếp cận với tri thức khoa học, các mô hình sản xuất, cách làm hay…từ đó vận dụng vào thực tế sản xuất của gia đình, góp phần xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống. Hàng ngày, người dân chỉ cần bật ti vi, mở đài là xem, nghe được rất nhiều chương trình nhưng ít ai biết đằng sau những chương trình đó là sự cống hiến, lao động không mệt mỏi của cán bộ, kỹ thuật viên làm việc trên đỉnh cao 1.200m.


Kỹ thuật viên phụ trách PT-TH Lê Trọng Hùng “đặc cách” cho tôi vào phòng máy, giới thiệu chi tiết từng thông số kỹ thuật của các thiết bị thu, phát sóng. Trung tâm tiếp sóng PT-TH cổng trời Quản Bạ được đầu tư, trang bị hệ thống máy móc khá hiện đại, để nắm chắc các thông số, làm chủ kỹ thuật, đòi hỏi mỗi kỹ thuật viên không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ. Như vậy mới kịp thời phát hiện những thay đổi thông số thu, phát lại nhằm đảm bảo chất lượng các chương trình PT-TH. Do đặc thù công việc, các cán bộ, kỹ thuật viên làm việc tại Trung tâm phải luân phiên trực 24/24 giờ, những ngày lễ, tết, kỳ cuộc quan trọng có truyền hình trực tiếp, yêu cầu công việc càng chặt chẽ hơn. Mục tiêu đặt ra phải đảm bảo tín hiệu sóng thông suốt, cùng thời điểm người dân Hà Giang - những vùng nằm trong diện phủ sóng PT-TH cũng tiếp nhận được thông tin như người dân ở các tỉnh miền xuôi. Kỹ thuật viên Lê Trọng Hùng sinh ra, lớn lên ở thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ). Năm 2004, anh được điều từ Đài Truyền thanh - truyền hình Đồng Văn về làm việc tại Trung tâm. “Đối với mỗi người, sau giờ làm việc, được trở về nhà, chăm sóc vợ con là hạnh phúc. Còn những người làm việc trên độ cao 1.200m gần như không có khái niệm hết giờ làm việc. Những lo toan của cuộc sống gia đình, đành gửi lại cho người vợ tảo tần”, Lê Trọng Hùng đã tâm sự với tôi như vậy. Từ nơi Hùng làm việc, đi mấy bước chân lên đỉnh núi là nhìn thấy ngôi nhà thân thương của mình. Nhưng đặc thù công việc đòi hỏi anh luôn phải có mặt ở Trung tâm, khi xuống núi thường kết hợp nhiều việc từ mua thức ăn, tranh thủ thăm gia đình, nhận chương trình của Đài PT-TH Hà Giang chuyển lên…tổng thời gian ở dưới núi chỉ mấy chục phút. Mọi việc gia đình đành nhờ vợ, thương chồng vợ Hùng - cô giáo trường PTCS thị trấn Tam Sơn, sau giờ trên lớp lại tất bật về nhà thay chồng chăm con, 2 con thương bố chăm ngoan, học giỏi. Đây là nguồn động viên rất lớn để anh yên tâm công tác.


Chu Thanh Hùng, chàng kỹ thuật viên trẻ báo cho tôi tin vui mới cưới vợ. Hùng tốt nghiệp trung cấp kỹ thuật Trường cao đẳng PT-TH, làm việc ở Đài TT-TH Quản Bạ từ năm 2002, năm 2004 được điều động lên đỉnh cao 1.200m. Thanh Hùng ở rịt trên đó, ít xuống núi, mãi không có người yêu. May quá, trong một chuyến xuống núi, Thanh Hùng đã lọt vào mắt xanh của cô giáo viên trường mầm non Đông Hà (Quản Bạ). Thế là họ cưới nhau. Nói về công việc của những cán bộ, kỹ thuật viên trên đỉnh cao 1.200m, Giám đốc Trần Văn Dự cho biết: Theo đề án thành lập, Trung tâm có 15 biên chế nhưng hiện tại chỉ có 9 nên mọi người luân phiên túc trực. Ai cũng có gia đình, có công việc, sự lo toan riêng nhưng mọi người rất thông cảm, chia sẻ cho nhau, biết tạm gác việc riêng để phục vụ mục tiêu chung. Điều kiện địa hình của Hà Giang rất phức tạp, nhiều núi cao, vực sâu, diện phủ sóng truyền hình rất hẹp, Trung tâm tiếp sóng PT-TH cổng trời Quản Bạ ra đời đã đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân. Trên đỉnh cao 1.200m, điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn, nhất là tình trạng thiếu nước. Một năm có thể vài tháng thiếu nước, khắc phục vấn đề này, mỗi cán bộ, kỹ thuật viên về thăm nhà, khi trở lại Trung tâm đều chủ động mang theo can 20 lít nước để dùng trong vài ngày. Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng không lúc nào họ sao nhãng công việc.


Trước khi rời đỉnh cao 1.200m, Giám đốc Trần Văn Dự nói: Từ khi Trung tâm đi vào hoạt động đến nay, sóng truyền hình đã phủ đến 100% các xã của huyện Quản Bạ và một số xã của huyện Vị Xuyên, Đồng Văn, Yên Minh. Sóng phát thanh phủ đến 100% các xã, phường, thị trấn của tỉnh và một số tỉnh lân cận. Trên đỉnh cao ấy, những cán bộ, kỹ thuật viên quanh năm làm bạn với tín hiệu sóng, với mây bay, gió núi. Niềm vui của chúng tôi hoà cùng những nụ cười của người dân mỗi khi xem, nghe chương trình của Đài T.Ư được thu, phát lại từ độ cao 1.200m.


Tiến Chiến

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Giảm nghèo ở những xã đặc biệt khó khăn cần sự vào cuộc của toàn xã hội
HGĐT- 35 xã đặc biệt khó khăn ở 6 huyện nghèo của tỉnh đang được thụ hưởng nhiều chính sách đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Đề án 30a được các huyện xây dựng với nhiều chính sách ưu tiên phát triển kinh tế sẽ giúp những xã đặc biệt khó khăn vươn lên thoát nghèo trong thời gian nhanh nhất. Nhưng để Đề án 30a phát
30/05/2009
Hỗ trợ tôn lợp, cỏ giống cho người dân xã Tả Phìn
HGĐT- Vừa qua, tại Hội nghị triển khai kế hoạch phụ trách, đỡ đầu xã Tả Phìn (Đồng Văn) - xã do Văn phòng Tỉnh ủy đỡ đầu-các doanh nghiệp, hợp tác xã đã quyết định hỗ trợ tôn lợp để xoá nhà tạm cho 21 hộ (bình quân 4 triệu đồng/hộ, tương ứng số tiền khoảng 84 triệu đồng).
30/05/2009
Những nỗ lực xóa đói, giảm nghèo ở Lũng Thầu
HGĐT- Lũng Thầu là 1 trong 13 xã đặc biệt khó khăn, có trên 50% hộ nghèo của huyện Đồng Văn. Trong những khó khăn chung của một xã vùng cao núi đá phía Bắc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Lũng Thầu luôn nỗ lực vươn lên trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, từng bước cải thiện đời sống cả về vật chất và tinh thần.
18/06/2009
26 hồ chứa nước sinh hoạt đã được triển khai xây dựng
HGĐT- Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Hà Giang được đầu tư xây dựng 30 hồ chứa nước tại 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc nhằm giải quyết khó khăn về nước sinh hoạt cho người dân.
18/06/2009