Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 - Bước ngoặt đổi mới giáo dục

10:24, 23/03/2022

BHG - Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) theo tinh thần Nghị quyết số 29 của BCH T.Ư Đảng (khoá XI) là yêu cầu cấp thiết để nâng cao chất lượng GD&ĐT trong tình hình mới; trong đó, việc triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được xem là bước ngoặt quan trọng trên hành trình đổi mới của ngành Giáo dục.

 Tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Minh Khai (thành phố Hà Giang).
Tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Minh Khai (thành phố Hà Giang).

Chương trình GDPT 2018 được triển khai từ năm học 2020 - 2021 đối với học sinh lớp 1 và năm học 2021 - 2022 với học sinh lớp 2 và lớp 6. Chương trình có nhiều đổi mới về nội dung, môn học, thời gian học và phương pháp giảng dạy theo hướng vừa hình thành kiến thức vừa phát triển năng lực, phẩm chất người học, đồng thời phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của giáo viên. Tỉnh ta triển khai Chương trình GDPT 2018 trong điều kiện còn nhiều khó khăn: Cơ sở vật chất thiếu thốn, tỷ lệ kiên cố hoá trường, lớp học mới đạt 61,52%; cấp tiểu học có 2.171 phòng và cấp THCS có 145 phòng học chưa được kiên cố hoá. Tỷ lệ đáp ứng nhu cầu tối thiểu đối với thiết bị dạy học các cấp học còn thấp, trong đó bậc tiểu học đạt 46%, THCS đạt 38%, THPT đạt 13%.

Việc sắp xếp, sáp nhập trường, điểm trường gặp khó khăn do trên địa bàn tỉnh còn rất ít trường có quy mô dưới 10 lớp, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, diện tích đất hạn hẹp, số điểm trường lẻ nhiều.

Học sinh thành phố Hà Giang học trực tuyến đảm bảo chương trình học trong điều kiện bị ảnh hưởng của dịch Covid - 19.                          Ảnh: BIỆN LUÂN

Học sinh thành phố Hà Giang học trực tuyến đảm bảo chương trình học trong điều kiện bị ảnh hưởng của dịch Covid - 19.

Ảnh: BIỆN LUÂN

Khó khăn lớn nhất là tình trạng thiếu giáo viên; tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 10.095 giáo viên phổ thông, trong đó 5.553 giáo viên tiểu học, 3.462 giáo viên THCS và 1.080 giáo viên THPT. So với định mức quy định của Bộ GD&ĐT còn thiếu 1.483 giáo viên; đặc biệt là giáo viên dạy các môn Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật. Trình độ ngoại ngữ, tin học của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn hạn chế nên việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học còn nhiều bất cập.

Trong bối cảnh đó, để đảm bảo thực hiện Chương trình GDPT 2018 hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện rất kịp thời, phù hợp, tập trung các nội dung trọng tâm: Chuyển học sinh từ các điểm trường về học tại trường chính để tăng số lượng học sinh được học 2 buổi/ngày, đạt 75,1%; năm học 2020 - 2021 giảm 39 điểm trường tiểu học so với năm học trước; đẩy mạnh xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập; hiện nay, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt trên 45%; đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vào giảng dạy trong trường học để trang bị cho học sinh kỹ năng ứng phó, xử lý tốt các tình huống trong cuộc sống, phát triển phẩm chất, đạo đức và gìn giữ văn hoá truyền thống địa phương; tăng thời lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 và lồng ghép Tiếng Việt ở tất cả các môn học. Tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện chương trình GDPT 2018; đào tạo văn bằng 2 và nâng trình độ cho gần 200 giáo viên các môn Tin học, Tiếng Anh để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên; biên soạn tài liệu giáo dục địa phương cấp Tiểu học và THPT. Việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) được thực hiện chủ động, phù hợp, khách quan, trong đó tổ chức hội thảo giới thiệu các bộ SGK, cấp cho mỗi phòng GD&ĐT 15 bộ SGK mẫu để các cơ sở giáo dục nghiên cứu, lựa chọn; ban hành tiêu chí lựa chọn và danh mục SGK, thành lập hội đồng lựa chọn SGK.

Ngành Giáo dục đầu tư mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1, lớp 2, lớp 6 cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh theo lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018. Đến nay, 100% trường Tiểu học, TH&THCS được cấp thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1, lớp 2; 95,4% trường THCS, THCS&THPT được cấp thiết bị dạy học tối thiểu lớp 6, cơ bản đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh. Hiện, ngành đang tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục triển khai mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu cho lớp 3, lớp 7 và lớp 10 theo lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Trong bối cảnh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn, hướng dẫn dạy học trực tuyến cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên khối THCS và THPT. Các trường thực hiện việc dạy học trực tuyến trên các nền tảng: Zoom; vnEdu connect; Google meet; Microsoft teams; Viettel K12;… hoặc hình thức khác phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, đảm bảo tiến độ chương trình môn học theo khung kế hoạch thời gian năm học.

Kết thúc năm học đầu tiên triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, các trường đã chú trọng đổi mới quản trị theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của cơ sở và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên. Việc sử dụng SGK và các nguồn học liệu, thiết bị dạy học phù hợp thực tiễn. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp 1 đạt 94,5%, tăng 1,6% so với năm học trước.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thế Bình nhấn mạnh: Chương trình GDPT 2018 đang mang lại những đổi mới tích cực cho ngành GD&ĐT. Để tiếp tục triển khai chương trình hiệu quả, đúng lộ trình, ngoài những nỗ lực của địa phương trong việc khắc phục khó khăn, đảm bảo các điều kiện thực hiện theo yêu cầu chương trình, Hà Giang đề xuất với Chính phủ, các bộ, nghành T.Ư cho chủ trương không thực hiện tinh giản biên chế 10% đối với ngành Giáo dục, đặc biệt đối với các địa phương vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn; bổ sung chỉ tiêu, số lượng giáo viên đảm bảo định mức dạy học; ban hành thông tư hướng dẫn cách xác định giá biên soạn tài liệu giáo dục địa phương; nâng mức lượng cơ bản đối với nhà giáo giảng dạy môn đặc thù để thu hút giáo viên; sớm ban hành hướng dẫn tuyển sinh và tổ chức dạy học chương trình lớp 10 để các địa phương chủ động dạy học đúng lộ trình.

                     Bài, ảnh: BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tỉnh đoàn tuyên dương 2 cán bộ Đoàn tiêu biểu toàn quốc
BHG - Sáng 21.3, Tỉnh đoàn Hà Giang tổ chức tuyên dương cán bộ Đoàn tiêu biểu toàn quốc và trao giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2022.
22/03/2022
Cán bộ Công an nhặt được tài sản trả lại cho người dân
BHG - Vừa qua, thiếu tá Dương Văn Lợi, cán bộ Công an huyện Quản Bạ trong lúc đang trên đường đến đơn vị làm việc đã nhặt được 1 chiếc điện thoại Iphone 6s plus do người dân đánh rơi. Ngay sau đó, đồng chí Lợi đã đăng tải lên mạng xã hội Facebook để thông báo và tìm chủ  nhân. Sau 1 giờ đồng hồ, em Hoàng Phương Giang, học sinh cấp 2 trường THCS Tam Sơn đã liên hệ xác nhận và đến nhận lại chiếc điện thoại của mình. 
22/03/2022
Chợ Trung tâm huyện Quản Bạ hoạt động ổn định sau hỏa hoạn
BHG - Những ngày cận Tết Nguyên đán 2022, tại thị trấn Tam Sơn đã xảy ra vụ hỏa hoạn tại chợ Trung tâm huyện Quản Bạ đã làm cuộc sống đảo lộn và gây thiệt hại cho địa phương và 49 hộ kinh doanh, buôn bán trong chợ. Sau 3 tháng xảy ra vụ cháy, với sự nỗ lực khắc phục và hỗ trợ của các cấp, ngành của tỉnh, chính quyền địa phương, Ban quản lý chợ (BQL) đến nay chợ Trung tâm huyện Quản Bạ đã hoạt động ổn định trở lại, những tiếng cười rộn ràng của người mua và người bán tạo nên một luồng sinh khí mới tại chợ sau khi “hồi thương”.
22/03/2022
Hà Giang đẩy mạnh tuyên truyền hưởng ứng Giờ trái đất năm 2022
BHG - Giờ Trái đất năm 2022 với thông điệp là: “Kiến tạo tương lai - Bây giờ hoặc không bao giờ” nhấn mạnh vào tính cấp bách của hành động, sẽ diễn ra từ 20h30 đến 21h30, Thứ Bảy, ngày 26.3. Nhằm mục đích  nâng cao nhận thức của cộng đồng với các hoạt động thiết thực về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.
22/03/2022