Bảo tồn di sản văn hóa: Nhìn từ cao nguyên đá Đồng Văn

15:45, 25/11/2014

Phong cảnh tuyệt vời, con người thân thiện là cảm nhận của nhiều du khách từng đến với cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Và không chỉ dừng lại ở những hình ảnh mang tính quảng bá, điểm đến cao nguyên đá đang ngày được du khách trong nước và quốc tế lựa chọn.


Du khách đua nhau đổ về cao nguyên đá để được đắm chìm trong sắc trắng hồng của hoa tam giác mạch - một sản phẩm du lịch đặc biệt. Không chỉ có đá và mùa hoa tam giác mạch, cao nguyên đá Đồng Văn còn là cái nôi văn hóa với sự góp mặt của 17 dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc đều có bản sắc riêng, độc đáo, thể hiện ở những lễ hội truyền thống như: lễ hội Lồng Tồng (lễ xuống đồng) của dân tộc Tày, Nùng; lễ hội Cấp Sắc (lễ trưởng thành) của dân tộc Dao; lễ hội Gầu Tào (hội chơi đồi hay hội chơi núi) của dân tộc Mông... Và có lẽ, những phiên chợ vùng cao chính là nơi chứa đựng không gian văn hóa đậm nét nhất của đồng bào các dân tộc. Chợ thường họp mỗi tuần một lần vào sáng sớm dịp cuối tuần. Những phiên chợ Phó Bảng, Đồng Văn, Lũng Cú, Sà Phìn… náo nhiệt, đầy sắc màu níu chân du khách.

Cao nguyên Đồng Văn trở thành công viên địa chất đầu tiên của Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á .
Cao nguyên Đồng Văn trở thành công viên địa chất đầu tiên của Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á .

Với những giá trị đặc sắc, nổi bật, năm 2010, tại Lesvos (Hy Lạp), Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (GGN) đã chính thức công nhận cao nguyên đá Đồng Văn là công viên địa chất toàn cầu. Như vậy, Đồng Văn trở thành công viên địa chất đầu tiên của Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á (sau công viên Langkawi của Ma-lai-xi-a) được tổ chức GGN công nhận là thành viên của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu. Mới đây, cao nguyên đá Đồng Văn được tái công nhận là công viên địa chất toàn cầu giai đoạn 2015 - 2018. Theo quy định của UNESCO, sau 4 năm được công nhận, nếu địa danh không bảo đảm các yêu cầu về bảo tồn thì sẽ bị rút danh hiệu. UNESCO đánh giá: Kể từ khi cao nguyên đá Đồng Văn trở thành công viên địa chất toàn cầu, lượng khách du lịch đến với Hà Giang liên tục tăng, người dân cũng được hưởng lợi hơn nhờ du lịch. Đến nay 100% số thôn bản, trường học trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn được tuyên truyền giáo dục về công tác bảo vệ, giữ gìn di sản. Có thể thấy, một trong những tiêu chí được công nhận chính là việc người dân bản địa đã tham gia bảo tồn, gìn giữ di sản một cách hiệu quả.

Một du khách nước ngoài chia sẻ: Tôi còn nhớ một lần du lịch lên Hà Giang, một chị bán cam ở chợ chịu khó bỏ chút thời gian trèo lên chiếc xe máy lấm bụi đường của tôi để chỉ đường đến tận nơi. Và xúc động hơn nữa là thái độ của những người chủ mảnh đất đó, dù kinh tế đang phát triển cần mở rộng nhưng luôn nhớ lời dặn của người bố đã mất là phải giữ nguyên hiện trạng khu vực khảo cổ để các nhà khoa học đến làm việc. Người thanh niên ấy tâm sự về thời niên thiếu được bố đưa đi xem khắp các di chỉ khảo cổ ở Hà Giang. Vốn là một kỹ sư và có trình độ tiếng Pháp, khi đào đất làm gạch bán phát hiện thấy bãi đá tiền sử, ông lập tức khoanh vùng cấm khai thác ngay trên đất của mình và mời các nhà khoa học trong tỉnh và từ Hà Nội lên nghiên cứu, đồng thời dặn dò con cháu phải gìn giữ. Đó chính là câu chuyện minh họa rõ nhất về kinh nghiệm giao cho địa phương và người dân tại chỗ quản lý di sản.

TS Lê Thanh Hải (Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan) đánh giá: Quyết định của Unesco tái công nhận danh hiệu của cao nguyên đá Đồng Văn chính là lời khen ngợi có giá trị nhất cho nỗ lực của giới chuyên gia, các cấp chính quyền và nhất là những người dân có ý thức đang sống trong khu vực này. Họ là tấm gương về bảo tồn di tích không phải bằng cách khoanh vùng nhốt vào tủ kính và xây bảo tàng trưng bày, mà gìn giữ cổ vật bằng chính những hành động rất bình thường nhưng đầy ý thức và kiến thức trong cuộc sống hằng ngày khi khai thác thiên nhiên để mưu sinh. Đây chính là xu hướng bảo tồn đương đại đang được khuyến khích trên thế giới, tìm được điểm giao thoa giữa các nhóm lợi ích khác nhau, và được thực hiện ở một địa phương nhưng lại mang tầm thế giới toàn cầu.

Sự thành công bước đầu của cao nguyên đá Đồng Văn cho thấy khi  người dân được hưởng lợi từ di sản, không ai hết, chính họ là chủ thể bảo vệ di tích, di sản đó. Cuộc sống người dân không vì di sản đó mà kém đi mà có di sản, di tích phải được phát triển tốt hơn, đó chính là hướng đi đúng.


baohaiphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Người nhạc sĩ của quê hương đá núi
HGĐT- Ông sinh tháng 5.1938 tại Hà Giang. Quê cha đất Tổ lại ở huyện Kiến Xương (Thái Bình). Năm 1924 cha ông rời quê lên non nước Cao Bằng. Năm 1932 cha ông di cư sang vùng cực Bắc đá núi Hà Giang lập nghiệp đến giờ.
30/10/2014
Dấu ấn Đoàn nghệ thuật “Cổng trời xanh”
HGĐT- Được thành lập cùng với 10 Đoàn nghệ thuật (ĐNT) bán chuyên nghiệp trong toàn tỉnh, thời gian qua, ĐNT “Cổng trời xanh” huyện Quản Bạ đã khẳng định được vị trí trong việc nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ và nhân dân các dân tộc, với rất nhiều chương trình nghệ thuật biểu diễn trong và ngoài huyện. Đồng thời, giành được nhiều giải thưởng trong các kỳ liên hoan
30/10/2014
Chạm bạc ở Cao Bồ, nghề truyền thống có sức sống bền bỉ
HGĐT- Chạm bạc là một nghề thủ công đòi hỏi sự tinh xảo, khéo léo của đôi bàn tay người thợ. Những đường nét trạm trổ hình vảy cá, hoa, chim... và cách tết sợi công phu của người Dao ở Cao Bồ đã tạo ra những sản phẩm trang sức bằng bạc vô cùng độc đáo, mang đậm nét văn hóa.
30/10/2014
Độc đáo và ấn tượng
HGĐT - Những chiếc mảng giản đơn, lặng lẽ vận chuyển người và hàng hóa qua sông mỗi ngày… nay được khoác lên mình những màu sắc sặc sỡ, trở thành phương tiện đua tài trong Lễ hội cấp huyện; lần đầu tiên được tổ chức, Lễ hội đua Mảng huyện Bắc Mê đã để lại nhiều ấn tượng độc đáo trong lòng du khách gần xa.
27/10/2014