Xây dựng Làng Văn hóa du lịch tiêu biểu gắn xây dựng NTM ở tỉnh ta - một năm nhìn lại

17:28, 29/03/2013

HGĐT - “Du lịch cộng đồng” - Cụm từ mà trước đây tưởng như rất xa lạ đối với bà con, ít được nhắc đến trong những cuộc trò chuyện, giao tiếp hàng ngày. Còn nay, du lịch, tour hay du lịch cộng đồng đã thấm sâu vào từng nếp nhà, cuộc sống hàng ngày của bà con các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Bởi Hà Giang là tỉnh có cộng đồng 19 dân tộc anh em sinh sống; mỗi dân tộc đều có những đặc trưng văn hóa hết sức độc đáo. Đó là thế mạnh để tỉnh phát triển loại hình du lịch cộng đồng, tạo điều kiện cho du khách khám phá bản sắc văn hóa phong phú, phong cảnh tự nhiên, nguyên sơ của các bản, làng dân tộc vùng cao...


Chính bởi những thế mạnh sẵn có đó và để phát huy được tiềm năng về du lịch, đầu năm 2012, Hà Giang đã tổ chức Hội nghị triển khai xây dựng Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng NTM. Với 10 tiêu chí được đưa ra để làm cơ sở cho các huyện, thành phố tiến hành lựa chọn làng tiêu biểu, mang đậm bản sắc của các dân tộc để đầu tư xây dựng nhằm đảm bảo phục vụ khách du lịch có được những trải nghiệm về văn hóa, phong tục, tập quán và cách sống của người dân bản địa khi đến với Hà Giang. Sau quá trình một năm xây dựng và triển khai đã đem lại diện mạo mới, làm thay đổi bộ mặt nông thôn một cách rõ rệt, như: Thôn Bản Lạn (Bắc Mê); Thôn Chì (Quang Bình); Thôn Kiềm (Bắc Quang); Thanh Sơn (Vị Xuyên) và Nặm Đăm (Quản Bạ). Cũng từ đó, một số làng thông qua khai thác các sản phẩm du lịch, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện đáng kể. Từ đó, hình thành ý thức giữ gìn các giá trị văn hóa, tài nguyên du lịch, cảnh quan vệ sinh môi trường, an ninh trật tự.

 


Nhà Văn hóa cộng đồng thôn Phìn Hồ được đầu tư xây dựng hiện đại, khang trang, thoáng mát nhưng vẫn giữ được những nét kiến trúc truyền thống của người dân tộc Dao địa phương. Đây sẽ là một điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với địa phương.

Minh chứng cho những thành quả sau một năm mà chương trình đạt được, diện mạo của nông thôn đã thay đổi rõ rệt: Phìn Hồ, một trong những thôn vùng sâu, xa của xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) còn gặp muôn vàn khó khăn cản trở người dân nơi đây phát triển kinh tế, làm giàu bằng nguồn tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Nhưng những nguyên nhân chủ quan và khách quan gây nên sự khó khăn đó cũng không thể ngăn được ý chí, quyết tâm của người Dao nơi đây vươn lên làm giàu bằng việc phát triển đồi chè Shan tuyết cung cấp cho HTX Chế biến chè Phìn Hồ và làm du lịch cộng đồng. Du lịch cộng đồng ư? Một nơi xa xôi, cách trở, thiếu thốn đủ về mọi mặt. Từ cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị đều thiếu. Không nhà cao cửa rộng, đồ dùng sinh hoạt đều lạc hậu và điều trở ngại lớn nhất chính là con đường từ trung tâm xã vào tới thôn không thể xấu hơn bởi sự sụt lún, “ổ voi, ổ gà” với đầy bùn nhão sau mỗi cơn mưa. Ấy thế mà, sự nghiệp du lịch cộng đồng nơi đây vẫn từng ngày lớn lên như chính những cây chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở nơi đây. Đem những suy tư, trăn trở về du lịch cộng đồng nơi vùng đất khó khăn này phải như thế nào trao đổi với ông Đặng Quốc Tứ, Trưởng thôn Phìn Hồ; ông trả lời rất tự nhiên nhưng chuyên sâu về kiến thức: “Du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch do chính cộng đồng người dân phối hợp tổ chức, quản lý và làm chủ để đem lại lợi ích kinh tế và bảo vệđược môi trường chung thông qua việc giới thiệu với du khách các nét đặc trưng của địa phương. Như: Giới thiệu cho khách du lịch về những đồi chè, vườn chè Shan tuyết xanh ngát hàng trăm năm tuổi; về cuộc sống hoang sơ, mộc mạc, chưa bị hiện đại hóa vốn có từ bao đời của người Dao nơi đây. Điều mà du khách khó mà hình dung ra được ở nơi thành phố... Đây chính là một trong nhiều điều mà khách du lịch họ muốn thấy khi đi du lịch cộng đồng”. Quả đúng vậy! Trong những quyển sách, cẩm nang về du lịch cũng đã nhắc tới: Du lịch cộng đồng dựa trên chính sự tò mò, mong muốn của khách du lịch để tìm hiểu thêm về cuộc sống hàng ngày của người dân từ các nền văn hóa khác nhau. Du lịch cộng đồng thường liên kết với người dân thành thị đến các vùng nông thôn để thưởng thức cuộc sống tại đó trong một khoảng thời gian nhất định. Ông Tự khoe: “Dù mới chỉ đầu năm 2013 và hiện cả thôn mới có 4 hộ gia đình thực hiện mô hình “Home stay” nhưng đã thu hút trên 10 đoàn với gần 100 khách du lịch vào tham quan, khám phá và nghỉ tại nhà dân...”.

 

Chỉ như vậy thôi, cũng đã đủ biết người dân Hà Giang đã biết nhìn nhận tầm quan trọng của du lịch và những hiệu quả to lớn của du lịch cộng đồng mang lại khi thực hiện xây dựng Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng NTM. Minh chứng cho điều này chính là kết quả đạt được sau một năm thực hiện Tuyên bố Panhou. Mặt bằng kinh tế của các Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng NTM có sự thay đổi rõ rệt và chuyển biến theo hướng tích cực; đời sống của người dân trong làng từng bước ổn định, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 10 triệu đồng/năm. Số hộ khá, giàu, trung bình tăng. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng của thôn, bản cũng được đầu tư, xây dựng theo đúng kiến trúc truyền thống để sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đón tiếp khách đến tham quan; 100% số hộ di dời chuồng trại gia súc, gia cầm xa nhà; có công trình phụ khép kín, vệ sinh sạch sẽ trong nhà, ngoài sân, ngõ, chất thải được thu gom, xử lý tập trung theo đúng quy định. Cũng theo tiêu chí, hiện các làng nghề truyền thống đã được khôi phục và khuyến khích phát triển làng nghề theo đúng bản sắc văn hóa dân tộc như: Nghề chạm bạc, rèn, dệt thổ cẩm, đan lát và nghề thủ công...

 

Tuy nhiên, những kết quả đạt được trong một năm qua mới chỉ là bước đầu của cả một quá trình phát triển dài lâu. Để du lịch - du lịch cộng đồng đi vào hoạt động một cách bài bản, người dân làm chủ thể thì việc hình thành và hỗ trợ các mô hình doanh nghiệp kinh doanh du lịch cộng đồng tại địa phương chính là một trong những yếu tố quan trọng để góp phần đảm bảo tính bền vững. Bên cạnh đó, việc xúc tiến du lịch trực tiếp thông qua các BQL Du lịch cộng đồng xã khuyến khích các hộ gia đình, các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia vào kinh doanh du lịch trên cơ sở tuân thủ các quy định chung về du lịch cộng đồng của địa phương. Cùng với đó, để Hà Giang trở thành trung tâm của du lịch của vùng và cả nước thì rất cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội; tỉnh cũng cần có cơ chế, chính sách riêng cho công tác xây dựng Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh. Có vậy, việc phát triển sự nghiệp du lịch nói chung và du lịch cộng đồng mới thực sự phát huy hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và xã hội.


Bài, ảnh: Phi Anh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đông đảo du khách dự Lễ Khai hội Tây Thiên 2013
Sáng 26/3, tại Khu di tích danh thắng Tây Thiên, tỉnh Vĩnh Phúc đã chính thức Khai hội Tây Thiên 2013.
27/03/2013
Văn Khúc đón nhận Bằng Cây Di sản Việt Nam
HGĐT- Chưa bao giờ xã Văn Khúc quê tôi vào dịp đón xuân mới khắp thôn xómlòng người lại phấn khởi, nhộn nhịp tưng bừng như Xuân Quý Tỵ năm nay.
27/02/2013
Ca nương Kiều Anh thành “của hiếm” ở Tìm kiếm tài năng Việt Nam
Bán kết 6 chương trình Tìm kiếm tài năng – Vietnam’s Got Talent mùa thứ hai được truyền hình trực tiếp vào 20h ngày 24-3-2013 trên VTV3 ghi nhận sự đột phá trong tiết mục của ca nương Nguyễn Kiều Anh. Các tài năng nhí cũng có phần thi hấp dẫn.
25/03/2013
Bước nhảy hoàn vũ 2013: Trình làng phong cách tự chọn
Sau khi chương trình “Gương mặt thân quen” lên sóng vào tối thứ 7 hàng tuần kết thúc, sân chơi Bước nhảy hoàn vũ 2013 sẽ thay thế. Số đầu tiên của Bước nhảy hoàn vũ mùa thứ 4 sẽ chính thức lên sóng vào lúc 21h ngày 23-3-2013. 10 cặp đôi sẽ thể hiện các điệu nhảy Tự chọn.
22/03/2013