Khát vọng Sì Lò Phìn

08:13, 24/04/2013

HGĐT- Đã sang đầu hè mà trời vẫn mù mịt sương, lạnh se sắt. Để đến được thôn biên giới Sì Lò Phìn, xã Tùng Vài (huyện Quản Bạ) phải đi hơn 12 km với quá nửa đường đất, đá gập ghềnh cùng con dốc cao ngược tầm mắt. Cơn mưa đầu mùa làm con đường đến Sì Lò Phìn trở nên trơn trượt, dễ nản lòng người. Sau những dãy núi cao là vùng đất đầy gian khó cùng những người dân ngày đêm cần mẫn lao động, các thầy, cô bám bản gieo “mầm tri thức”...


Nỗ lực thoát nghèo:

Cách trung tâm xã khoảng 12 km, hầu hết đường vào thôn đều men theo triền đồi và núi đá cao. Ông Thào Cồ Chẩn, Bí thư Chi bộ thôn, cho biết: Sì Lò Phìn hiện có 99 hộ, nhưng còn đến 68 hộ nghèo. Cuộc sống của người dân cũng như các thầy, cô bám trụ gieo chữ nơi đây còn rất nhiều khó khăn, như khí hậu khắc nghiệt, đất sản xuất ít... Những năm qua, nhiều hộ đã nỗ lực khai phá thêm đất ruộng để cấy lúa, ngô, qua nhiều năm vỡ hoang nhưng đến nay toàn thôn cũng chỉ có hơn 132 ha đất canh tác. Với khát vọng đủ ăn, đủ mặc, người dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; áp dụng KH-KT; bỏ dần hủ tục... Thôn có điểm trường Mầm non và Tiểu học (lớp 1 đến lớp 3); con em đến tuổi đi học được tạo điều kiện đầy đủ, tình trạng bỏ học giữa chừng đã giảm nhiều so với trước. Năm 2012, Tập đoàn Viễn thông Quân đội - Chi nhánh Viettel Hà Giang và Bộ Chỉ huy BĐBP đã tài trợ xây cho lớp học mầm non. Cùng đó, Nhà nước đầu tư xây hồ “treo” dung tích khoảng 4.000m3, phục vụ sinh hoạt cho khoảng 50% người dân.

 


Hàng ngày, thầy và trò điểm trường Tiểu học Sì Lò Phìn cùng nhau bám lớp trong những phòng học dột nát.


Dẫn chúng tôi đi tìm hiểu đời sống người dân, ông Bí thư Chi bộ thở dài: “Bà con mình còn vất vả lắm. Là Bí thư chi bộ, tôi cùng mọi người đang tìm hướng phát triển. Mấy lần đi tập huấn phương pháp chăn nuôi, trồng trọt trên xã về là mình bày lại cách sản xuất để bà con áp dụng. Nhưng đất đai ở đây cằn cỗi, thời tiết thất thường nên cây ngô, cây đậu nó không chịu lên. Chính vì vậy, bà con thôn mình vẫn đói, chỉ mong cấp trên hỗ trợ làm đường giao thông, dẫn nước sạch và kéo điện về cho bà con”.

 

Gian nan chuyện “gieo” chữ:

Đời sống của người dân đã khó khăn, chuyện học chữ của bọn trẻ còn nan giải hơn. Điểm trường Mầm non được xây dựng, nhưng điểm trường Tiểu học vẫn còn những khó khăn. Bao thế hệ qua, các học sinh ở đây phải học trong các “lớp” tạm bợ. Hiện thôn có gần 60 học sinh với 3 phòng học trình tường đang xuống cấp trầm trọng. Điểm trường có 3 lớp (từ lớp 1 đến lớp 3), ngăn cách nhau bằng những mảnh gỗ của người dân góp lại, mỗi phòng rộng khoảng 18m2. Những ngày mưa to, các “lớp” dột tứ bề, đang học các em lại phải di chuyển bàn ghế... Khi chúng tôi có mặt ở điểm trường, lũ trẻ đón khách lạ bằng ánh mắt ngơ ngác, trong những bộ quần áo cũ kỹ, nhuốm bùn đất. Cơn mưa hôm trước làm nền nhà bị ướt, các em phải co cụm lại một bên nhưng cũng không tránh được những vũng nước lênh láng dưới nền đất. Nhà trình tường, lại không có điện nên trong lớp rất tối, chút ánh sáng trời rọi theo mái nhà bị dột vừa đủ để thầy, trò nhận... mặt chữ. Thầy Phạm Hải Cường, giáo viên cắm bản 3 năm nay, ngậm ngùi:“Đời sống kinh tế còn khó khăn lắm, học sinh đến lớp thiếu thốn đủ thứ, nhất là vào mùa đông giá rét, thấy thương các em đến nao lòng, mỗi giáo viên chúng tôi ở đây hễ có dịp về xuôi là quyên góp áo quần cho các em nhưng chỉ hỗ trợ được phần nào, nhu cầu đủ ấm giữa chốn núi rừng quanh năm mây phủ này cần có sự chung tay của nhiều tấm lòng hảo tâm nữa mới mong sưởi ấm được các em”, Thầy Cường chỉ mong: Sì Lò Phìn sớm có đường, điện, trường và “sóng” điện thoại hết chập chờn để các thầy, cô đỡ nhớ người thân, cho đồng bào mình vơi bớt cực nhọc trong lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống bền vững nơi biên cương!

 

Tình người nơi gian khó:

Bù lại cái nghèo vật chất là sự giàu có về tinh thần, tình cảm. Đến đâu, rượu ngô trong vắt cũng được chắt đầy bát, cùng đó là lời mời trân trọng của người quê núi làm động lòng trắc ẩn. Nhà nào cũng một lòng tin Đảng, yêu Bác, yêu đồng bào mình và sẵn sàng chia năm, sẻ bảy bát mèn mén thấm đẫm mồ hôi. Hỏi về mong muốn của bà con trong thôn, ai cũng ước: Có con đường để gần hơn với văn hóa cộng đồng; có điện về cho đêm sáng tỏ, cho đám trẻ học bài, người lớn xem ti-vi, xem... các nơi trong tỉnh, trong huyện cùng bà con cả nước làm ăn, xây dựng đời sống mới; rồi có trường học mới... Chiều biên giới bình yên, các cô gái Mông vẫn sặc sỡ trong bộ đồ dân tộc đeo gùi bước thoăn thoắt trên lối mòn chênh vênh triền núi, hồn nhiên chụm lại quanh mó nước rửa mặt thật duyên. Cùng đó là những quyết sách của cấp ủy, chính quyền là cơ sở vững chắc để người dân càng thêm vững tin chung sức, đồng lòng xây dựng cuộc sống ổn định, no ấm với những khát vọng giản đơn.


TRẦN HIỀN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Từ nhận thức đến phát huy nội lực xây dựng cộng đồng khuyến học
HGĐT - Nói chuyện với ông La Ngọc Thuyết, người dân tộc Tày ở bản Pom Cút, xã Đường Âm, huyện Bắc Mê để hiểu thêm công cuộc Khuyến học, khuyến tài ở một vùng đất xa xôi, hẻo lánh. Ông bảo: "Điều quan trọng vẫn là nhận thức của mỗi người về chuyện học tập của gia đình, dòng họ và con cái.
29/03/2013
Nhiều HSSV ở Đồng Yên có thêm điều kiện theo đuổi ước mơ học tập
HGĐT- Là xã thuộc huyện Bắc Quang, Đồng Yên có 1.644 hộ dân với 7.376 khẩu, hộ nghèo chiếm 5% và hộ cận nghèo chiếm 8,1%. Hơn 60% hộ dân sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, nên đời sống của bà con nơi đây vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là những hộ gia đình có con em là HSSV đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và học nghề. Từ khi
28/03/2013
Kết quả sau 5 năm triển khai Chương trình tín dụng cho vay HSSV
HGĐT- Từ khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với HSSV, đối tượng đã được mở rộng hơn. HSSV có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ nghèo, hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người (BQĐN) tối đa bằng 150% mức BQĐN của hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn (HCKK) về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh được vay
28/03/2013
Đoàn đại biểu Quốc khóa XIII tỉnh Hà Giang giám sát, làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông
HGĐT- Sau khi giám sát tại các huyện, thành phố, ngày 25.3, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh ta do đồng chí Thào Hồng Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII của tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát, làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Về phía
27/03/2013