Say đắm tiếng khèn Mông

10:34, 02/01/2024

BHG - Ai đã từng lên với Công viên Địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ không chỉ choáng ngợp, thích thú trước cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ, tươi đẹp mà còn bị cuốn hút, đắm say bởi tiếng khèn Mông da diết, như tiếng gió Xuân thì thầm lướt trên cành đào hé nụ, rồi tan nhẹ vào sương núi, bay bổng lên tới phía cổng trời. Với người dân tộc Mông, chiếc khèn là “linh hồn”, là người bạn tri ân, là “báu vật” được lưu truyền mãi mãi.

Những người Mông cao tuổi trên miền đá kể rằng, xưa có một đôi vợ chồng sinh được 6 người con trai khôi ngô, tháo vát. Một ngày nọ, 2 vợ chồng ngồi đợi những đứa con đi nương về thì bất ngờ bị cơn lũ cuốn trôi. Thương nhớ đấng sinh thành, 6 người con khóc thảm thiết suốt 9 ngày, 9 đêm, đến khi giọng bị tắt, họ vào rừng lấy ống trúc về thổi thay cho tiếng khóc. Cảm thương tấm chân tình của những người con hiếu thảo, Thần núi đã ban tặng cho họ bí quyết làm một chiếc khèn, được ghép bởi 6 ống sáo gắn chặt với nhau, để họ gửi gắm vào đó những lời yêu thương thắm thiết, vơi đi nỗi đau mất người thân. Từ đó, khèn Mông ra đời.

Nghệ nhân dân gian Sùng Mí Pó, thôn Tả Phìn, xã Hố Quáng Phìn, huyện Đồng Văn (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn cách chế tác khèn Mông cho học sinh.
Nghệ nhân dân gian Sùng Mí Pó, thôn Tả Phìn, xã Hố Quáng Phìn, huyện Đồng Văn (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn cách chế tác khèn Mông cho học sinh.

Cũng giống như những chàng trai người Mông cùng trang lứa, ông Sùng Mí Pó, thôn Tả Phìn, xã Hố Quáng Phìn (Đồng Văn) cũng không biết chiếc khèn truyền thống của dân tộc mình có từ bao giờ, chỉ biết từ nhỏ, ông đã thấy bố, các ông, các chú trong thôn thổi và múa khèn. Tiếng khèn ấy từng ngày bồi đắp tâm hồn ông tình yêu tha thiết với quê hương, đất nước, với truyền thống dân tộc, rồi ông học thổi khèn, múa khèn, làm khèn và trở thành nghệ nhân dân gian chế tác khèn Mông nổi tiếng. Tôi gặp ông Pó vào một chiều Đông muộn, mặt trời đi ngủ sớm sau dãy núi tai mèo sắc nhọn, nhưng đôi tay ông vẫn đang tỷ mẩn làm khèn. Ông kể: “Làm khèn Mông phải trải qua nhiều công đoạn, công đoạn nào cũng quan trọng, đòi hỏi phải tỉ mỉ, chỉn chu từng chi tiết và khả năng cảm nhận âm nhạc của người làm, có vậy chiếc khèn mới có âm thanh bay bổng và hay, vì thế làm khèn không làm nhanh được, mỗi chiếc khèn tôi làm mất 2 - 3 ngày để hoàn thành, giá mỗi chiếc khèn trung bình 500 nghìn đồng, có những chiếc khèn khách yêu cầu cao hơn thì giá cao hơn”.

Cây khèn là một phần cuộc sống của người Mông, họ dùng tiếng khèn để kết nối tâm linh với người đã khuất, họ thổi khèn trong dịp lễ quan trọng, họ mang khèn xuống chợ gọi bạn và tiếng khèn là cây cầu bắc lời tỏ tình đôi lứa yêu nhau. Người chơi khèn giỏi là người vừa biết thổi khèn kết hợp với múa khèn. Người thổi được khèn và biết múa khèn đều phải trải qua một quá trình lao động nghệ thuật kiên trì. Động tác múa khèn rất đa dạng, phong phú, múa nhảy đưa chân, quay đổi chỗ, quay tại chỗ, vờn khèn, lăn nghiêng, lăn ngửa, múa ngồi xổm, đi tiến, đi lùi, chân này chạm gót chân kia. Đối với các bài khèn có âm hưởng vui tươi thì động tác nhảy múa cũng mãnh liệt, phóng khoáng, nhanh và khó hơn.

Với những giá trị về văn hóa, truyền thống, nghệ thuật, năm 2015, nghệ thuật Khèn của người Mông tỉnh Hà Giang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Để gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Mông, hàng năm UBND huyện Đồng Văn tổ chức Lễ hội khèn Mông với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn trong đó đặc biệt là chương trình thi biểu diễn khèn Mông. Là 1 trong những thí sinh nhỏ tuổi nhất tham gia tại Lễ hội khèn Mông lần thứ VIII năm 2023, em Sùng Thị Duyên, lớp 6, Trường PTDT nội trú Phố Bảng (Đồng Văn) chia sẻ: “Em học múa khèn đã lâu, trước đây em chỉ múa, nhưng khi nghe các bạn nam thổi khèn rất hay, em đã yêu thích và bắt đầu học thổi, qua tiếng khèn có thể cảm nhận được những tâm tư, tình cảm của người thổi gửi gắm vào đó, em muốn lan tỏa nét đẹp văn hóa trong tiếng khèn Mông đến các bạn trong trường và mọi người xung quanh”.

Cùng với Lễ hội khèn Mông, nhiều địa phương trong tỉnh chú trọng phát triển nghề chế tác khèn, đưa khèn Mông trở thành sản phẩm quà tặng du lịch ý nghĩa, các trường học mời nghệ nhân dân gian đến truyền dạy thổi khèn Mông cho học sinh, ngành Văn hóa phối hợp mở các lớp dạy nghề làm khèn Mông. Tại nhiều thôn trên Cao nguyên đá, việc chế tác khèn Mông trở thành một nghề mang lại thu nhập ổn định, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác, chiếc khèn Mông được lưu truyền, gìn giữ và phát huy để tiếng khèn vang xa trên đỉnh núi như tiếng lòng, như niềm kiêu hãnh của chàng trai Mông.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ngày hội Văn hóa, Du lịch dân tộc Dao, thành phố Hà giang lần thứ 2

BHG - Chiều 30.12, tại thôn Cao Bành, xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang), UBND thành phố Hà Giang tổ chức khai mạc Ngày hội Văn hóa, Du lịch dân tộc Dao lần thứ 2 năm 2024. Dự lễ khai mạc có các đồng chí: Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Mạnh Lợi, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Hầu Minh Lợi, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện các nhà tài trợ cùng đông đảo nhân dân, du khách.

31/12/2023
Khơi dậy tình yêu văn hóa truyền thống trong học sinh

BHG - Sau 3 năm thực hiện Kế hoạch số 12 của UBND tỉnh về giáo dục kỹ năng sống, lịch sử, văn hóa truyền thống (VHTT) cho học sinh (HS) phổ thông giai đoạn 2021 - 2025, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các trường học và đặc biệt là sự tham gia nhiệt tình của các em HS, VHTT đã "bám rễ" vào thế hệ trẻ, luôn được gìn giữ, phát huy với nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo.

29/12/2023
Giữ gìn và phát triển nghề đan lát ở Thái An

BHG - Nghề đan lát truyền thống đã gắn bó lâu đời với bà con dân tộc Mông ở xã Thái An (Quản Bạ) được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những sản phẩm từ nghề thủ công này không chỉ phục vụ cho cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, mà còn là nét đẹp văn hóa cần bảo tồn và phát huy.

27/12/2023
Theo chân dịch vụ “ông già Noel” tặng quà đêm Giáng sinh

BHG - Vào đúng ngày Lễ Giáng sinh, không xe tuần lộc bay, hay bước ra từ lò sưởi như trong câu truyện cổ tích, nhưng những “ông già Noel” thời hiện đại vẫn hoàn thành sứ mệnh là mang những món quà, đồ chơi và kẹo cho "những đứa trẻ ngoan".

25/12/2023