Khai thác giá trị du lịch hoài niệm trong phát triển du lịch bền vững

14:57, 28/02/2023

BHG - Hoài niệm là một trạng thái của cảm xúc, là sự khao khát những gì thuộc về quá khứ và thường là lý tưởng hóa những điều đó. Sản phẩm du lịch hoài niệm mang đến cho du khách những xúc cảm từ con người, vùng đất đã làm nên biểu tượng đẹp trong quá khứ; là sự hoài niệm về những dấu ấn lịch sử cách mạng, chiến tranh gắn với những câu chuyện từ xa xưa, mang giá trị nhân văn sâu sắc đối với hiện tại và tương lai…

Hà Giang - vùng đất biên cương địa đầu Tổ quốc Việt Nam, là tỉnh thoát khỏi chiến tranh biên giới phía Bắc Việt Nam muộn nhất (1979 - 1989), mang nhiều nét riêng, đặc sắc về lịch sử, văn hóa, giàu tiềm năng để phát triển du lịch; nhiều sản phẩm du lịch đã hình thành trên cơ sở khai thác những giá trị tài nguyên du lịch đặc sắc, riêng có của Hà Giang, trong đó đặc biệt là du lịch hoài niệm.

Hơn 10 năm gần đây, du lịch Hà Giang có sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Công tác phát triển sản phẩm du lịch đã được chú trọng, đặc biệt du lịch hoài niệm đang có xu hướng được khai thác như một sản phẩm đầy tiềm năng và độc đáo. Với hệ thống di tích lịch sử chiến tranh biên giới, du lịch hoài niệm, tưởng nhớ về đồng đội, thăm lại chiến trường xưa, nhớ về những kỷ niệm sâu sắc thiêng liêng gắn với đất và người Hà Giang là loại hình du lịch hấp dẫn, có thể mang lại những giá trị lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, lịch sử. Đặc biệt, tỉnh Hà Giang có nhiều địa danh không chỉ là những danh thắng đẹp mà còn là di tích lịch sử, văn hóa, in đậm dấu ấn của cuộc đấu tranh anh hùng, vô cùng gian khổ, đầy hi sinh, nhưng rực rỡ chiến công: Căng Bắc Mê, Đỉnh đèo Mã Pì Lèng, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia huyện Vị Xuyên; Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại điểm cao 468 (thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thuỷ)... có thể khai thác thành những sản phẩm du lịch hoài niệm.

Tour du lịch hoài niệm về Mặt trận Vị Xuyên của Công ty TNHH Folkfour (tháng 7.2022).
Tour du lịch hoài niệm về Mặt trận Vị Xuyên của Công ty TNHH Folkfour (tháng 7.2022).

Thực tiễn cho thấy một số sản phẩm du lịch hoài niệm tại tỉnh Hà Giang thời gian quan đã mang lại những kết quả khá khả quan: Góp phần quan trọng bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử cách mạng, đưa Hà Giang trở thành cầu nối quan trọng kết nối các chương trình du lịch vùng Tây Bắc và cả nước; nghĩa trang, di tích được đầu tư tôn tạo, nâng cấp kịp thời, đúng yêu cầu điều kiện hạ tầng phục vụ du lịch, các dịch vụ đi kèm cũng được cải thiện phù hợp với nhu cầu của du khách; khách du lịch hoài niệm nội địa tăng mạnh, thu nhập qua du lịch tăng, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của người dân địa phương; nhiều cá nhân, tập thể, cơ quan, bộ, ngành khi trở lại chiến trường xưa đã có những đóng góp tích cực về vật chất và tinh thần; nhiều hoạt động từ thiện như xây dựng, tôn tạo bia mộ, nhà tưởng niệm, nhà tình nghĩa…

Mặc dù có nhiều lợi thế về tiềm năng của du lịch hoài niệm, song còn rất nhiều khó khăn, thách thức cho Hà Giang để phát triển loại hình du lịch này một cách bài bản, khoa học, ví như vấn đề đào tạo nguồn nhân lực; sự xuống cấp của di tích; nhiều diện tích chưa được rà phá bom mìn, vật cản sau chiến tranh; nguồn lực đầu tư hạn chế; công tác tuyên truyền cho loại hình du lịch này chưa được đầu tư đúng mức; giao thông chỉ duy nhất có đường bộ; kinh nghiệm trong phát triển du lịch hoài niệm chưa chuyên nghiệp; thu hút đầu tư phát triển du lịch còn nhiều dư địa chưa được khai thác;…

Với những đánh giá về tiềm năng, thế mạnh, gắn với các định hướng phát triển du lịch, trong thời gian tới để du lịch hoài niệm có vị trí xứng đáng trong chiến lược phát triển ngành du lịch thì cần nghiên cứu, có biện pháp đột phá để phát triển:

1. Nghiên cứu ban hành những chính sách ưu đãi đầu tư tốt để thu hút các nhà đầu tư vào phát triển du lịch, các doanh nghiệp lữ hành tham gia khai thác, từng bước đưa du lịch hoài niệm trở thành xu hướng du lịch trong thời gian tới gắn với những tiêu đề: Du lịch thăm chiến trường xưa, du lịch về nguồn, du lịch kết nối tâm linh, du lịch huyền thoại… Qua đó, lưu truyền những giá trị giáo dục truyền thống, lòng yêu nước tốt đẹp đến với du khách, thấu hiểu những mất mát đau thương, sự khốc liệt tàn bạo của chiến tranh, biết trân trọng giá trị cuộc sống hòa bình thực chất, đúng nghĩa.

2. Các di tích lịch sử cách mạng cần được tư vấn, khai thác giá trị một cách khoa học để có các phương án phát huy: Đầu tư, cải tạo, xây dựng, hình thành các tuyến trải nghiệm,… Để thực sự cung cấp được cho du khách sự bổ ích về thông tin, sự hứng thú về khám phá tìm hiểu.

3. Chú trọng đào tạo nguồn lực làm du lịch hoài niệm một cách qui củ, bài bản, chuyên nghiệp. Có thể nói, điểm nghẽn thách thức chất lượng du lịch của Việt Nam nói chung và Hà Giang nói riêng chính là nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch. Đội ngũ này cần được đào tạo bài bản, dần tránh tình trạng “thừa không chuyên, thiếu chuyên nghiệp”; cần có lộ trình đào tạo kiến thức chuyên ngành, liên ngành, ngoại ngữ, giúp người làm nghề du lịch có kiến thức nền tốt hơn, nhân sinh quan tích cực hơn và thế giới quan rộng mở hơn. Ngoài ra, nhân lực làm du lịch hoài niệm còn phải được rèn luyện ý thức về phát triển du lịch bền vững, có tư duy nghề nghiệp, không chỉ hoàn thành tốt công tác chuyên môn có tính kỹ năng mà còn phải đóng vai trò dẫn dắt và định hướng cộng đồng tạo ra các giá trị của du lịch hoài niệm…

4. Tăng cường truyền thông nhằm cung cấp thông tin quảng bá về du lịch hoài niệm tại địa phương đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Trong đó, chú trọng việc chuyển đổi số hoá dữ liệu về du lịch, truyền thông về hình ảnh du lịch hoài niệm trên nền tảng số; quảng bá trên các nền tảng tiktok, facebook, youtube,…

Để phát triển du lịch, Hà Giang cần đa dạng hoá các sản phẩm du lịch; thường xuyên khai thác, nhận diện, xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù dựa vào lợi thế so sánh của mỗi vùng miền, dân tộc, địa phương khác nhau và du lịch hoài niệm chính là một sản phẩm du lịch hứa hẹn mang lại giá trị du lịch bền vững cho Hà Giang.

Phạm Văn Tú (Thành viên Hội đồng lý luận tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

CNN trầm trồ trước 7 hang động đẹp nhất Việt Nam

Đất nước Việt Nam hiện lên đầy hùng vĩ và hoang sơ trong mắt du khách quốc tế qua những kì quan hang động tuyệt vời. “Nhóm của tôi thuộc Hiệp hội Nghiên cứu hang động Anh đã khám phá hơn 500 hang động ở Việt Nam. Nhưng chúng tôi vẫn chỉ khám phá được khoảng 30% diện tích này. Còn rất, rất nhiều hang động nữa sẽ được khám phá” - một thành viên của Hiệp hội Nghiên cứu hang động Anh chia sẻ với CNN travel.

28/02/2023
Xín Mần, vùng du lịch xanh đầy tiềm năng
BHG - Xín Mần là vùng du lịch có nhiều điểm đến hấp dẫn với nhiều loại hình phong phú như: Du lịch sinh thái, du lịch văn hoá, du lịch nghỉ dưỡng...
27/02/2023
Khai mạc Festival 'Về miền Quan họ - 2023': Miền di sản - Tinh hoa và bản sắc
Tối 25/2, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Bắc Ninh long trọng tổ chức khai mạc Festival “Về miền Quan họ-2023”, kết nối tinh hoa các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh với chủ đề "Miền di sản-Tinh hoa và bản sắc". Đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lẵng hoa chúc mừng.
26/02/2023
Màu hoa đỏ nơi biên cương
BHG - Hà Giang, nơi địa đầu Tổ quốc, núi non hùng vĩ và những danh lam thắng cảnh tuyệt vời. Cột cờ Lũng Cú, Cổng trời, núi Cô tiên, Nhà Vương, Mã Pì Lèng, sông Nho Quế…, là những điểm đến thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Đặc biệt nơi đây còn có chứng tích “sống” của lịch sử - Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên và Đền thờ các Anh hùng liệt sỹ tại điểm cao 468.
24/02/2023