Đánh bại chủ nghĩa cá nhân – đặc tính cách mạng nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh

15:40, 14/07/2022

BHG - Đánh bại chủ nghĩa cá nhân, người cách mạng, Đảng cách mạng phải suốt đời trau dồi cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, suốt đời tận tụy phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đất nước. Đây là đặc tính cách mạng nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh trên bình diện đạo đức.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người tại căn cứ địa Việt Bắc (năm 1951). Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người tại căn cứ địa Việt Bắc (năm 1951). Ảnh tư liệu

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội phải đánh bại chủ nghĩa cá nhân. Tư tưởng xã hội chủ nghĩa là đối lập với tư tưởng cá nhân chủ nghĩa. Đảng chân chính cách mạng phải tiêu biểu, mẫu mực về đạo đức, văn hóa “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Trong lý luận về Đảng Cộng sản cầm quyền, Người trù tính sâu xa phải đặc biệt coi trọng xây dựng Đảng về đạo đức, về văn hóa. Chỉ dẫn ấy của Hồ Chí Minh đang soi sáng cho Đảng và nhân dân ta trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện hiện nay.

Tính cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh còn biểu hiện đậm nét qua dũng khí tự phê phán và phê phán của người cách mạng và Đảng cách mạng về những khuyết điểm, sai lầm đã mắc phải, có thái độ khách quan, khoa học trong phân tích, đánh giá thực trạng, xem xét kỹ lưỡng những nguyên nhân, hoàn cảnh dẫn đến những khuyết điểm, sai lầm đó để kiên quyết sửa chữa, thúc đẩy phong trào cách mạng tiến lên. Đó là phẩm chất cao quý, can đảm của những người cách mạng và Đảng cách mạng chân chính. Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh rằng, tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất làm cho Đảng tiến bộ không ngừng, thành một Đảng chắc chắn, mạnh khỏe như người không có bệnh, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên giữ gìn và phát huy được tính cách mạng, tính tiền phong gương mẫu, được quần chúng tin tưởng và ủng hộ, giữ vững niềm tin với Đảng và thắt chặt mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với quần chúng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ yêu cầu, phương châm, phương pháp tự phê bình và phê bình mà mấu chốt là phải có động cơ, mục đích đúng, phương pháp khéo léo, thận trọng, kiên quyết mà mềm mỏng, có lý có tình, thấu lý đạt tình. Mở đầu tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947), Người đặt vấn đề phê bình và sửa chữa, chỉ ra 3 căn bệnh nguy hiểm: Bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, thói ba hoa mà không ít cán bộ, đảng viên mắc phải. Người tỏ thái độ kiên quyết phải tẩy sạch những chứng bệnh ấy, tẩy sạch quan liêu, tẩy sạch chủ nghĩa cá nhân, coi đó là bệnh gốc, “bệnh mẹ” đẻ ra trăm ngàn bệnh khác, những thói hư tật xấu khác, làm hư hỏng cán bộ, suy yếu tổ chức… Trong bản Di chúc, Người căn dặn: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”, phải giữ gìn đoàn kết, nhất trí, thống nhất tư tưởng và hành động như giữ gìn con ngươi của mắt mình.

Tính cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh qua dũng khí tự phê phán và phê phán mà Người chỉ dẫn là tính Đảng, là nhân tố và điều kiện quan trọng làm cho cách mạng có sức mạnh tự bảo vệ. Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh, cách mạng lấy sức mạnh trong lòng dân, vì thế Đảng ta và mỗi cán bộ, đảng viên phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, dân giúp đỡ, dân ủng hộ, dân bảo vệ thì muôn việc sẽ thành công.

Trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, lời dạy của Bác vẫn vẹn nguyên giá trị và là tư tưởng chỉ đạo, phương châm hành động đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong tự phê bình và phê bình, đấu tranh bài trừ chủ nghĩa cá nhân ra khỏi đời sống xã hội.

Các cấp ủy, tổ chức Đảng và mỗi đảng viên trong cả nước cần quán triệt sâu sắc hơn nữa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, có thái độ quyết tâm hơn trong đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân, góp phần xây dựng Đảng ta xứng đáng “là đạo đức”, “là văn minh”, đủ sức chèo lái, đưa đất nước ta phát triển phồn vinh, hạnh phúc theo tâm nguyện của Người.

Đại tá, TS: Hồ Nam Trân (Học viện Chính trị, Bộ Quốc Phòng)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí
BHG - Sáng 14.7, tại Hà Nội, Ban Tổ chức T.Ư phối hợp với Bộ Thông tin & Truyền thông, Tạp chí Xây dựng Đảng tổ chức hội nghị trực tuyến bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2022. Đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư dự và chỉ đạo hội nghị; cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư; lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh có lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh uỷ; lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn.
14/07/2022
Xây dựng Đảng vững mạnh trên dải đất biên cương - Kỳ I: Giáo dục chính trị, tư tưởng - nhiệm vụ hàng đầu trong xây dựng Đảng
BHG - Đẩy mạnh đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên; kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách... Những quyết sách này được kỳ vọng tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng Đảng của tỉnh, góp sức để Đảng ta thực sự là đạo đức, văn minh như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong.
14/07/2022
Sáng 14.7, Kỳ họp thứ Bảy HĐND tỉnh tập trung thảo luận tại hội trường với nhiều nội dung quan trọng
BHG - Sáng 14.7, Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIII bước vào ngày làm việc thứ 2; thảo luận tập trung tại hội trường nhiều nội dung quan trọng. Các đồng chí: Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Chúng Thị Chiên, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Hoàng Văn Vịnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên thảo luận. Dự có các đồng chí: Đặng Quốc Khánh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành…
14/07/2022