Thực hiện tốt chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số

08:59, 26/10/2019

BHG - Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới cực Bắc Tổ quốc với 19 dân tộc cùng chung sống đoàn kết; trong đó, dân tộc Mông chiếm 32%, dân tộc Tày 23,1%, dân tộc Dao 15%; có 5 dân tộc rất ít người. Hầu hết, đồng bào các dân tộc sinh sống ở địa bàn đặc biệt khó khăn, địa hình bị chia cắt mạnh, thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khí hậu khắc nghiệt, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt nên đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn tặng quà gia đình ông Sùng Sào Sinh, xã Bản Máy (Hoàng Su Phì). Ảnh: DUY TUẤN
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn tặng quà gia đình ông Sùng Sào Sinh, xã Bản Máy (Hoàng Su Phì). Ảnh: DUY TUẤN

Với mục tiêu “Vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về chính sách hỗ trợ phát triển KT – XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK), tỉnh đã tập trung ưu tiên, lồng ghép các nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân; xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Giai đoạn 2014 – 2019, tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh là trên 1.294,2 tỷ đồng; các địa phương đã thực hiện duy tu, bảo dưỡng 428 công trình cơ sở hạ tầng, thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng mô hình giảm nghèo, tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở. Nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Ai Len cho xã ĐBKK là 112 tỷ đồng, đã thực hiện đầu tư 57 công trình hạ tầng cơ sở thiết yếu tại các xã, thôn ĐBKH. Nguồn vốn bố trí thực hiện Nghị quyết 30a, giai đoạn 2016 - 2018 trên 621,1 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng 394 công trình hạ tầng, duy tu bảo dưỡng 80 công trình; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Nguồn vốn thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS theo Quyết định 1592 và Quyết định 755 ngày 20.5.2013 của Thủ tướng Chính phủ là 113 tỷ đồng, thực hiện các hợp phần: Hỗ trợ đất sản xuất; nước sinh hoạt phân tán; chuyển đổi ngành nghề; hỗ trợ thiết bị lọc nước; đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung. Thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31.10.2016 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT – XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 – 2020, UBND tỉnh đã phân bổ kinh phí trên 4,7 tỷ đồng hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 3.146 hộ DTTS nghèo trên địa bàn các xã thuộc vùng khó khăn. Đối với Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31.10.2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển KT - XH các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 – 2025, tỉnh đã phân bổ nguồn vốn trên 73 tỷ đồng để thực hiện các hợp phần hỗ trợ sản xuất, văn hóa, thông tin, xây dựng điểm thôn, bản tiêu biểu về bảo tồn kiến trúc, văn hóa truyền thống. Nguồn vốn bố trí thực hiện chính sách phát triển KT – XH vùng đồng bào dân tộc Cờ Lao giai đoạn 2011 – 2020 là 62,861 tỷ đồng, thực hiện đầu tư 10 công trình và hỗ trợ tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, xóa nhà tạm, xây khu vệ sinh và khu chuồng trại chăn nuôi, mua sắm nhạc cụ, trang phục dân tộc và hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên. Đối với chính sách cho người có uy tín trong đồng bào DTTS, tỉnh đã công nhận 11.767 lượt người có uy tín; hàng năm tổ chức tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin về tình hình KT – XH cho người có uy tín; tổ chức hội nghị biểu dương người có uy tín tiêu biểu, xuất sắc; tổ chức cho người có uy tín đi học tập trao đổi kinh nghiệm tại các địa phương trong và ngoài tỉnh, gặp mặt lãnh đạo Ủy ban Dân tộc; cấp phát đầy đủ các loại báo cho người có uy tín. Các chính sách đào tạo, quy hoạch, sử dụng cán bộ đồng bào DTTS trong hệ thống chính trị được thực hiện đúng quy định.

Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh và lãnh đạo tỉnh trò chuyện với đồng bào dân tộc thiểu số.             Ảnh: Biện Luân
Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh và lãnh đạo tỉnh trò chuyện với đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Biện Luân

Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe đồng bào DTTS được quan tâm, chú trọng; cơ sở vật chất và chất lượng đội ngũ cán bộ ở các cơ sở y tế không ngừng được nâng cao. Đến nay, 67,7% số xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế; 94,4% thôn có nhân viên y tế, đạt tỷ lệ 10,5 bác sỹ/vạn dân. Tỉnh đã triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo là người DTTS sinh con đúng chính sách dân số và các chính sách khác về y tế. Triển khai thực hiện nghiêm túc Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS”; hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo, đảm bảo 100% người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người DTTS sống ở vùng ĐBKK được cấp Thẻ bảo hiểm y tế.

Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách, tình hình KT – XH vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh có bước phát triển khá, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm hàng năm bình quân đạt từ 7 - 8%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 26,2 triệu đồng; 100% các xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm; 89,6% hộ dân ở nông thôn được sử dụng điện; mạng lưới và hạ tầng bưu chính viễn thông đến được trên 97% vùng núi, vùng sâu. Các chương trình, dự án về giảm nghèo, giải quyết việc làm, trợ giúp người nghèo từ ngân sách nhà nước được thực hiện tốt, có sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, địa phương; tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo nghề đạt trên 70%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 48%. Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2010 - 2015 giảm từ 41,8% xuống còn 17,91% (theo chuẩn nghèo cũ) và còn 31,17% năm 2018 (theo chuẩn nghèo đa chiều), ước hết năm 2019 giảm xuống còn 27%. Chất lượng giáo dục vùng dân tộc và miền núi được nâng lên. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được quan tâm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên, tham gia tích cực trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng Nông thôn mới.

Trong giai đoạn tới, tỉnh tiếp tục ưu tiên, tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững; quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ người DTTS; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Mục tiêu đến năm 2024 giảm tỷ lệ hộ nghèo trung bình 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm từ 5 -  6%/năm. Đảm bảo hộ nghèo, hộ cận nghèo người DTTS được hưởng đầy đủ các chính sách về y tế, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực và đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu để phát triển KT – XH; 75% lao động qua đào tạo; 100% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm thôn; trên 25% xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu đề ra, các cấp, ngành tập trung thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển sản xuất, thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo; phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; củng cố an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội vùng DTTS và miền núi; bảo tồn, phát triển văn hóa, thông tin vùng DTTS.

Hoàng Đức Tiến (Trưởng ban Dân tộc – Tôn giáo tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thông báo kết quả Hội nghị T.Ư 11 khóa XII; quán triệt Nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư

BHG - Ngày 25.10, tại hội trường lớn Tỉnh ủy, Tỉnh ủy Hà Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh thông báo nhanh kết quả hội nghị T.Ư 11 khóa XII; quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư T.Ư Đảng (khóa XII). Dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh có đồng chí: Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, lãnh đạo các Ban Xây dựng Đảng Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội, hội đặc thù của tỉnh…

 

25/10/2019
UBND tỉnh họp phiên tháng 10

BHG - Sáng 25.10, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh tổ chức Phiên họp nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH tháng 10; triển khai phương hướng nhiệm vụ trọng tâm tháng 11.2019 và xem xét, cho ý kiến vào tờ trình của một số sở, ngành. Tham dự phiên họp có các đồng chí trong Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

 

25/10/2019
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh tham gia ý kiến vào Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

BHG - Chiều 24.10, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XIV tiếp tục tiến hành thảo luận tại tổ về Chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận và Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, giai đoạn 1.

25/10/2019
Quốc hội nghe giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, sáng ngày 25/10, trước khi thảo luận toàn thể tại Hội trường...

25/10/2019