Giải pháp phát triển đậu tương hàng hóa vùng cao phía Bắc

14:16, 23/09/2014

HGĐT - Trong 2 ngày từ 22-23.9, tại Hoàng Su Phì, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Giang (Sở NN-PTNT) và UBND huyện Hoàng Su Phì tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chuyên đề “Giải pháp phát triển đậu tương hàng hóa vùng cao phía Bắc”.


Dự diễn đàn có đồng chí Vương Mí Vàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố của tỉnh; đại diện các tỉnh, thành khu vực phía Bắc; các hộ dân trồng đậu tương huyện Hoàng Su Phì...


Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: Đậu tương là loại cây trồng nguồn gốc nhiệt đới và á nhiệt đới nên yêu cầu về chế độ nhiệt có phạm vi tương đối rộng. Trong vòng 5 năm gần đây, diện tích và sản lượng đậu tương của nước ta có xu hướng giảm dần với khoảng 30 nghìn ha, năng suất hầu như không thay đổi, bình quân 14,3 tạ/ha. Vùng sản xuất đậu tương lớn thứ 2 cả nước tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La... Định hướng phát triển cây đậu tương vùng miền núi phía Bắc xác định: Khai thác vùng bãi ngang, vùng đất cao chuyên trồng màu, vùng Trung du có truyền thống trồng đậu tương để trồng 2 vụ Xuân và Hè - Thu; lựa chọn bộ giống thích hợp cho từng vụ, từng vùng sinh thái, kết hợp tuyển chọn, áp dụng các giống đậu tương ngắn ngày, dài ngày cho năng suất cao; xây dựng quy trình canh tác chi tiết từng vụ, từng vùng sản xuất theo hướng đáp ứng đúng yêu cầu của cây, giảm chi phí sản xuất, đặc biệt chi phí giống, thuốc bảo vệ thực vật.



 Đại biểu tham quan mô hình đậu tương tại xã Chiến Phố (Hoàng Su Phì)
 

Ở Hà Giang, đậu tương thuộc nhóm cây trồng mũi nhọn, quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Sản xuất đậu tương hàng hóa tập trung 7 huyện gồm Hoàng Su Phì, Xín Mần, Yên Minh, Đồng Văn, Quản Bạ, Bắc Mê, Mèo Vạc, chiếm trên 95% diện tích và sản lượng. Năm 2014, diện tích đậu tương toàn tỉnh gieo trồng đạt gần 24 nghìn ha, năng suất bình quân 13 tạ/ha, hiệu quả kinh tế mang lại gần 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, do đặc thù tỉnh miền núi, trình độ, tập quán canh tác còn hạn chế nên hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp cũng như cây đậu tương chưa tương xứng tiềm năng, thế mạnh. Trong thời gian tới, Hà Giang tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn sản xuất hàng hóa, phấn đấu đến năm 2015, tổng diện tích đậu tương đạt 25 nghìn ha, sản lượng đạt trên 40 nghìn tấn, đảm bảo 85% diện tích tương đương 23.134 ha thâm canh, trong đó 85% giống mới.

 

Là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế, Hoàng Su Phì xác định rõ, phát triển đậu tương hàng hóa gắn với thâm canh giai đoạn 2011-2015, nhằm nâng cao giá trị/ha đất canh tác, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần XĐGN cho nhân dân. Cùng với chính sách phát triển cây đậu tương, Hoàng Su Phì đã chủ động sản xuất giống đậu tương DT84 tại chỗ để hỗ trợ những hộ, vùng chưa chủ động giống. Năm 2014, diện tích gieo trồng đậu tương của huyện đạt trên 5,4 nghìn ha, tăng 820 ha so với năm 2010, sản lượng đạt trên 8 nghìn tấn, tăng hơn 2,4 nghìn tấn so với 2010. Từ những giá trị thực tế của cây đậu tương, Hoàng Su Phì phấn đấu duy trì diện tích hàng năm trên 5,5 nghìn ha, sản lượng đạt trên 8,2 nghìn tấn, trong đó diện tích sản xuất hàng hóa tập trung đạt khoảng 2 nghìn ha tại các xã Chiến Phố, Sán Sả Hồ, Pờ Ly Ngài, Nàng Đôn, Pố Lồ, Ngằm Đăng Vài, Tụ Nhân... duy trì và phát triển vùng sản xuất giống đậu tương tại chỗ hàng năm đạt 50 ha tại xã Chiến Phố.

 

Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Vương Mí Vàng nhấn mạnh: Tỉnh Hà Giang xác định đậu tương là cây trồng mũi nhọn, ngay từ năm 2011, UBND tỉnh đã ban hành Đề án phát triển cây đậu tương hàng hóa tập trung giai đoạn 2011-2015; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 47/2012/NQ-HĐND, trong đó có nội dung hỗ trợ công nghiệp chế biển sản phẩm từ nông nghiệp... Với các chính sách kích cầu, cây đậu tương không ngừng tăng nhanh về diện tích, sản lượng, trở thành một trong những cây trồng mũi nhọn, giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Chủ tịch HĐND tỉnh mong muốn, qua diễn đàn sẽ có nhiều ý kiến thảo luận, đóng góp cho việc phát triển cây đậu tương của Hà Giang và các tỉnh phía Bắc.

 

Tại diễn đàn, các đại biểu trình bày tham luận, kết quả nghiên cứu về giống, kỹ thuật canh tác đậu tương cho vùng miền núi phía Bắc; giải pháp phát triển đậu tương hàng hóa; kết quả thực hiện mô hình khuyến nông về sản xuất cây đậu tương hiệu quả...


Thiên Thanh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến làm việc tại huyện Quang Bình
HGĐT - Ngày 22.9, tại huyện Quang Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến đã có buổi làm việc với lãnh đạo 3 huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình và lãnh đạo các Sở: Nông nghiệp và PTNT; Tài chính; Lao động thương bình và xã hội; Trung tâm giống và cây trồng Đạo Đức về tiến độ Chương trình trồng mới và phát triển, nâng cao giá trị phẩm cam, quýt năm 2014; Dự án xây
23/09/2014
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn làm việc với BTV Huyện ủy Đồng Văn
HGĐT- Ngày 21.9, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh có buổi làm việc với BTV Huyện ủy Đồng Văn về công tác chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ tới và kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 9 tháng đầu năm, bàn giải pháp thực hiện thời gian tới.
22/09/2014
Hội nghị triển khai công tác xây dựng kế hoạch phát triển KT – XH và lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 – 2020
HGĐT- Ngày 19.9, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai công tác xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội (KT – XH) và lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 – 2020.
19/09/2014
Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Xín Mần lần thứ 2
HGĐT- Sáng 19.9, huyện Xín Mần long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ 2, nhiệm kỳ (2014 – 2019) - Đây là Đại hội điểm của tỉnh.
19/09/2014