EU đoàn kết bảo vệ sức khỏe người dân

06:56, 16/02/2022

Dịch Covid-19 gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng không quốc gia nào có thể một mình xử lý các mối đe dọa sức khỏe xuyên biên giới. Nhận thức rõ vấn đề này, Liên minh châu Âu (EU) đang đẩy nhanh việc thành lập liên minh y tế khu vực, nhằm đoàn kết, sẵn sàng ứng phó các thách thức y tế trong tương lai. 

EU nỗ lực bảo đảm nguồn cung vắc-xin ngừa Covid-19 cho các nước thành viên.
EU nỗ lực bảo đảm nguồn cung vắc-xin ngừa Covid-19 cho các nước thành viên.

Ủy viên EU phụ trách y tế và an toàn thực phẩm Stella Kyriakides (X.Ki-ri-a-ki-đét) nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đã nêu bật vai trò quyết định của sự phối hợp giữa các thành viên EU trong từng giai đoạn, từ ứng phó khủng hoảng đến phục hồi. Dựa trên bài học quan trọng này, EU cần bảo đảm có các công cụ và quyền hạn phù hợp để xử lý các tình huống khẩn cấp. Trên tinh thần đó, mới đây, Cơ quan ứng phó và chuẩn bị khẩn cấp y tế (HERA) đã thông qua chương trình hành động năm 2022, đánh dấu sự ra mắt chính thức của cơ quan này. HERA được thành lập một phần nhằm tránh lặp lại kịch bản thời kỳ đầu dịch Covid-19 bất ngờ càn quét châu Âu, đặt hệ thống y tế khu vực vào thế bị động.

Với ngân sách hoạt động trong giai đoạn 2022-2027 là 6 tỷ euro, HERA được kỳ vọng sẽ trở thành “tháp canh gác” giúp EU “đi trước đón đầu”, nhanh chóng phát hiện, sẵn sàng ứng phó các trường hợp y tế khẩn cấp xuyên biên giới, và bảo vệ công dân khỏi các mối đe dọa sức khỏe trong tương lai. Trong trường hợp khẩn cấp, cơ quan này sẽ bảo đảm việc phát triển, sản xuất và phân phối thuốc, vắc-xin và vật tư y tế. HERA đồng thời có nhiệm vụ hỗ trợ các cơ quan y tế chủ chốt khác của EU như Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) và Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC).

Việc thành lập HERA là một trong những bước đi quan trọng của EU trong nỗ lực hiện thực hóa kế hoạch tham vọng xây dựng Liên minh Y tế châu Âu, do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất vào cuối năm 2020. Theo đề xuất của EC, EU sẽ tăng cường sự phối hợp ở cấp độ khu vực khi đối mặt các mối đe dọa nghiêm trọng xuyên biên giới đối với sức khỏe người dân, hỗ trợ các nước thành viên sẵn sàng ứng phó khủng hoảng y tế trong tương lai, đồng thời cải thiện khả năng phục hồi của hệ thống y tế châu Âu.

Được các nước thành viên chung tay, góp sức xây dựng trong thời gian qua, triển vọng hình thành Liên minh Y tế châu Âu đang ngày càng trở nên rõ ràng. Tại cuộc họp không chính thức của các Bộ trưởng Y tế EU mới đây, diễn ra tại thành phố Grenoble (Pháp), Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran (Ô.Vê-răng) bày tỏ tin tưởng, một tuyên bố chung sẽ sớm được ký kết, đặt nền tảng cho việc thành lập liên minh y tế khu vực. Theo kế hoạch, thời gian tới, các cuộc thảo luận chuyên sâu về vấn đề này sẽ tiếp tục diễn ra với sự tham gia của một hội đồng khoa học.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo, sau hai năm kể từ khi bùng phát, đại dịch Covid-19 tại châu Âu có thể sẽ sớm bước vào một giai đoạn lắng dịu, nhờ tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao, biến thể Omicron gây bệnh nhẹ hơn và mùa đông lạnh giá sắp kết thúc. Tuy nhiên, giới chức y tế nhận định, chương trình tiêm chủng vẫn cần được tiếp tục và EU cũng phải chuẩn bị ứng phó giai đoạn tiếp theo của đại dịch với khả năng xuất hiện các biến thể mới của vi-rút SARS-CoV-2. Trong bối cảnh đó, việc thành lập liên minh y tế được kỳ vọng không chỉ bảo vệ sức khỏe của người dân EU mà còn bảo vệ cả nền kinh tế, xã hội của các nước thành viên “mái nhà chung” trước đại dịch Covid-19, cũng như những thách thức y tế trong thời gian tới.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen (U.Lây-en) khẳng định, EU không thể đợi đại dịch kết thúc mới bắt tay vào chuẩn bị cho tương lai. Hơn lúc nào hết, các nước thành viên cần kề vai, sát cánh xây dựng Liên minh Y tế châu Âu, “tấm khiên” vững chãi bảo vệ sức khỏe người dân

Theo nhandan.vn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bỉ phát hiện ca đầu tiên mắc biến thể mới BA.3, số ca mắc/ngày ở Nga lần đầu vượt mốc 100.000
Đến sáng 30/1, thế giới có trên 372,19 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,67 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
30/01/2022
Thụy Điển, Hàn Quốc tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ 4 cho người cao tuổi

Thụy Điển và Hàn Quốc là hai nước sau Đức và Israel triển khai tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ 4 cho nhóm người có nguy cơ cao. Trong khi Chính phủ Hàn Quốc sẽ triển khai tiêm vaccine COVID-19 mũi thứ 4 cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao trong tháng này, thì Thụy Điển cũng khuyến cáo những người trên 80 tuổi cần tiêm mũi tăng cường thứ 2 giúp tăng cường hệ miễn dịch trước biến thể Omicron.

15/02/2022
WHO kêu gọi thế giới không bỏ lỡ cơ hội kiểm soát đại dịch trong năm 2022
Theo thống kê của Worldometers tính đến 8 giờ ngày 15/2, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận gần 1,6 triệu ca mắc mới Covid-19, giảm gần 400.000 ca so với một ngày trước đó. Đáng chú ý, Nga và Đức là hai quốc gia duy nhất phát hiện hơn 100.000 ca mắc mới trong ngày, lần lượt là 197.949 ca và 108.216 ca. 
15/02/2022
Lo ngại bùng phát dịch cúm mùa nghiêm trọng sau COVID-19
Các chuyên gia y tế cảnh báo đỉnh dịch cúm mùa có thể đã được dập tắt một cách nhân tạo thông qua các biện pháp kiềm chế dịch COVID-19, làm tăng khả năng xảy ra một đợt bùng phát dịch hiếm gặp vào mùa Xuân hoặc mùa Hè năm nay.
14/02/2022