Sáng mãi đường Hạnh phúc: Kỳ III - Trang sử đá và ngọn đuốc sáng trên miền cực Bắc

07:34, 19/03/2015

BHG- “Trái đất làm gì có đường, người ta đi mãi mới thành đường mà thôi”. Đó là một câu nói mang tính triết lí của một nhà văn nước ngoài được tôi nêu trong bài viết “50 năm con đường Hạnh Phúc” đăng tải trên Báo Hà Giang năm 2009, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày khởi công con đường huyền thoại này. Và ở Cao nguyên đá Đồng Văn, để có con đường Hạnh phúc (ĐHP) là cả một kỳ công của triệu lượt thanh niên xung phong (TNXP) 8 tỉnh và đồng bào các dân tộc Hà Giang.

[links()]

Treo mình nơi vách đá, mở đường qua Mã Pì Lèng, Mèo Vạc. Ảnh: sưu tầm
Treo mình nơi vách đá, mở đường qua Mã Pì Lèng, Mèo Vạc. Ảnh: sưu tầm

Trên dải đất Việt Nam, ĐHP là một trong những con đường nổi tiếng nhất. Trên tuyến đường này không phải là hình ảnh đường Trường Sơn thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ hay những con đường dốc lên miền Tây Bắc Điện Biên Phủ thời chống thực dân Pháp. Ở đây là con đường của tinh thần “tay không đánh nhau với đá” như lời nói đầy hình ảnh của các cựu TNXP, dân công từng tham gia mở con đường này. Chính vì thế, nếu lên mạng internet, vào Google và gõ từ khóa ĐHP, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều bài viết, hình ảnh nói về con đường này.

Có lẽ cả Việt Nam chúng ta chỉ có một con đường mang tên Hạnh phúc. Tại sao lại gọi là ĐHP, tôi đặt câu hỏi này với nhiều cựu TNXP và nhận được nhiều giải thích. Nhưng có một giải thích mà một số cựu TNXP đưa ra đó là năm 1961, Bác Hồ lên thăm Hà Giang, sau khi được Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Xã báo cáo tình hình con đường thanh niên các tỉnh và đồng bào Hà Giang đang mở trên Cao nguyên đá, sau khi nghe xong, Bác Hồ có nói đường mang đến hạnh phúc, no ấm cho đồng bào thì nên lấy tên là Hạnh phúc. Đây có thể là một lí giải hợp lô gích và lịch sử, bởi dịp lên thăm tỉnh ta năm 1961, Bác Hồ đã nhắc đến con đường, Người nói: “Bác khen ngợi các cháu thanh niên 6 tỉnh Việt Bắc xung phong đắp con đường Hà Giang – Đồng Văn. Mong các cháu thi đua hoàn thành cho thật tốt nhiệm vụ đó”.

Để có thể hiểu hơn, vì sao chúng ta có thể làm nên một con đường huyền thoại mà ban đầu nhiều người cho rằng, ý tưởng mở đường xuyên qua Cao nguyên đá chỉ là viển vông, tôi đã giành nhiều thời gian tìm đến với những con người lịch sử như nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đình Dy, “Kiến trúc sư trưởng” ĐHP, nguyên Chủ tịch MTTQ tỉnh cụ Sùng Đại Dùng, Bí thư Đoàn thanh niên công trường mở ĐHP và nhiều cựu TNXP mở đường. Qua ký ức của họ, kỳ tích về con ĐHP huyền thoại hiện về một cách khiêm tốn và nhẹ nhàng đến lạ. Thật xúc động, tôi chẳng thấy một ai kể lể công trạng về hơn 5 năm dòng dã với hàng triệu ngày công mở 185km đường đá. Chỉ có ký ức đầy xúc động về những ngày tháng thật đẹp của tuổi trẻ trên Cao nguyên đá Đồng Văn với tinh thần “Vì chủ nghĩa xã hội, vì miền Nam ruột thịt”. Thậm chí cựu TNXP Bùi Thị Liên (Cao Bằng) còn cho biết, thời ấy bà phải “nén” không dám... yêu vì phải phấn đấu giữ vững danh hiệu Chiến sỹ thi đua trên công trường. Đó chẳng phải là một sự hy sinh hay sao!?.

Con ĐHP được hoàn thành, nối Cao nguyên đá Đồng Văn với miền xuôi, điều mà trước đó bọn phản động trên vùng này còn thách thức “nếu Cộng sản mở được đường lên Đồng Văn, ngựa đực sẽ đẻ con, người sẽ đi ngược đầu xuống đất”. Đó là một kỳ tích được làm nên bởi sức mạnh tinh thần với cuốc, xẻng, xà beng, những sợi dây thừng của Đội Cảm tử 11 tháng treo mình nơi vách đá, tinh thần kiên cường của TNXP và đồng bào các dân tộc. Nhiều người phải xa gia đình, vợ con, mẹ già, người yêu hàng năm trời để đến với công trường. 14 TNXP đã ngã xuống vì sốt rét, tai nạn lao động khi tuổi đời còn rất trẻ, nhiều người còn mang thương tích vì mìn, đá hay những cơn sốt rét còn dai dẳng về sau...

Tấm bia đá lịch sử ghi lại những con số về đường Hạnh Phúc, được đặt trang trọng tại trung tâm thị trấn Mèo Vạc.
Tấm bia đá lịch sử ghi lại những con số về đường Hạnh Phúc, được đặt trang trọng tại trung tâm thị trấn Mèo Vạc.

Hành trình mở đường vì thế đã để lại một dấu mốc đặc biệt, một trang sử đá và những khúc tráng ca bất diệt. Điều đầu tiên có thể thấy để làm nên con ĐHP là nhờ sự lãnh đạo, quan tâm của Đảng mà trực tiếp là Khu ủy Việt Bắc, Đảng bộ tỉnh. Trong điều kiện đất nước đang phải đương đầu với muôn vàn khó khăn sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, sự quan tâm của Khu ủy, của tỉnh với việc huy động nhân lực, vật lực mở con ĐHP là một sự quan tâm lớn. Sức mạnh để làm nên ĐHP cũng là sức mạnh của lịch sử trong giai đoạn đó. Con ĐHP đi vào xứ sở đá bao đời nghèo khó, khuất phục các thế lực phản cách mạng, muốn tách Cao nguyên đá ra khỏi bản đồ đất nước. Từ đó, khơi thông huyết mạch cho sự phát triển của vùng và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng. Đặc biệt hiện nay, khi Cao nguyên đá là Công viên địa chất Toàn cầu, con đường trở thành di sản, góp phần đưa Miền đá vươn lên. 

Qua công trình ĐHP, chúng ta thấy được sức mạnh đoàn kết dân tộc, lòng yêu nước, vai trò tiên phong của tuổi trẻ Việt Nam. Tinh thần chiến đấu, lao động, hy sinh của thế hệ ngày ấy như ngọn đuốc soi sáng đến thế hệ hôm nay và mai sau. Xúc động và phấn khởi thông tin cho chúng tôi nhân dịp đầu năm này, bác Nguyễn Đức Thiện, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh cho biết, ghi nhận công lao của các TNXP, Chủ tịch nước đã trao tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân” cho TNXP các tỉnh tham gia mở đường; 14 TNXP hy sinh trên công trường được công nhận là liệt sỹ. 50 năm giở lại trang sử đá, tên của những con người lịch sử, những người chỉ huy làm đường năm xưa vẫn sống mãi với công trường như: Nguyễn Văn Xã, Phạm Đình Dy, Nguyễn Văn Thọ, Bế Du, Sùng Đại Dùng, Vũ Đắc Điểm, Lê Thọ Lâm và biết bao TNXP, dân công như Đào Ngọc Phẩm, Vũ Cao Vân...

Chị Hùng Thị Giang, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Giang xúc động cho biết, ngày ấy chắc chắn các TNXP cũng có nhiều ước mơ, hoài bão và mong muốn hạnh phúc cho riêng mình. Nhưng họ lại tình nguyện chọn nhiệm vụ ở một nơi gian khó như công trường mở đường Hạnh Phúc với tinh thần “Tổ quốc gọi, thanh niên lên đường”. Đó là điều rất đáng khâm phục. Kỷ niệm 50 năm hoàn thành con đường, là dịp để thế hệ trẻ tri ân công lao của các thế hệ đi trước, đồng thời là đợt sinh hoạt chính trị cho đoàn viên thanh niên, giúp họ thấy được trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tất quốc.

Để kết lại bài viết, chúng tôi xin được nhắc đến lời của nhiều TNXP mở đường đó là, ĐHP là con đường “Ý Đảng, lòng dân”, là thành công vĩ đại của nhân dân, vì thế nếu các công việc, các chương trình, dự án của chúng ta ngày hôm nay khi hướng tới hạnh phúc, ấm no cho nhân dân, chắc chắn sẽ thành công như con ĐHP năm xưa.    

ĐHP được khởi công ngày 10.9.1959 và khánh thành ngày 20.3.1965. Điểm đầu từ phường Quang Trung, thành phố Hà Giang và kết thúc ở thị trấn Mèo Vạc với chiều dài 185km. Lực lượng tham gia làm gồm: TNXP các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hải Dương, Nam Định và đồng bào các dân tộc Hà Giang. Ngày công thực hiện là 2.246.321 ngày với khối lượng 2.899.638m3 đất đá. Chi phí làm đường hết 5.549.201 đồng.

HUY TOÁN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khai mạc Giải đua xe đạp Hà Giang mở rộng lần thứ nhất

BHG- Nằm trong chuỗi các sự kiện chào mừng kỷ niệm 50 con đường Hạnh Phúc, sáng ngày 18.3, UBND tỉnh phối hợp với Tổng cục TDTT (Bộ VHTT&DL), Công ty Cổ phần thương mại và hợp tác quốc tế Atravel tổ chức Lễ khai mạc Giải đua xe đạp Hà Giang mở rộng lần thứ nhất năm 2015. 

18/03/2015
Công bố Quyết định, trao Bằng Tổ quốc ghi công liệt sỹ TNXP; trao KNC Vì sự nghiệp phát triển Hà Giang; trao giải Cuộc thi tìm hiểu về CĐHP

BHG- Tối 17.3, tại Hội trường lớn UBND tỉnh, BCĐ tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày hoàn thành con đường Hạnh Phúc (CĐHP) đã tổ chức Lễ công bố Quyết định, trao Bằng Tổ quốc ghi công liệt sỹ TNXP; trao Kỷ niệm chương (KNC) Vì sự nghiệp phát triển Hà Giang và trao giải Cuộc thi tìm hiểu về CĐHP. 

18/03/2015
Khánh thành nâng cấp Nghĩa trang liệt sỹ Thanh niên xung phong

BHG- Sáng 18.3, tại huyện Yên Minh, Sở Văn hóa Thể thao và du lịch tổ chức Lễ khánh thành nâng cấp Nghĩa trang liệt sỹ Thanh niên xung phong (TNXP). Đến dự có đồng chí Trần Đức Quý, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, Hội cựu TNXP; lãnh đạo huyện Yên Minh cùng đông đảo bà con nhân dân trong huyện…

18/03/2015
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp – "chìa khóa" nâng cao thu nhập cho nông dân và giảm nghèo bền vững

Kỳ I: Thực trạng sản xuất và sự cần thiết tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

17/03/2015