Đồng Văn tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về chế độ chi trả dịch vụ môi trường rừng

08:09, 26/08/2022

BHG - Những năm qua, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Đồng Văn. Nhờ có tiền DVMTR, người nhận khoán bảo vệ, phát triển rừng có thêm nguồn thu cải thiện cuộc sống; đơn vị chủ rừng và quản lý rừng có nguồn tái đầu tư cho phát triển rừng, phát triển hạ tầng. Nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức cho người dân về chế độ này, các cấp, các ngành, các xã, thị trấn của huyện Đồng Văn đã đẩy mạnh việc tuyên truyền chính sách đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Qua đó, giúp người dân từ chưa biết, đến biết, đến hiểu và hiểu rõ; các hộ dân đã tích cực nhận rừng, tham gia nhận khoán bảo vệ rừng phục vụ chi trả DVMTR. Từng bước cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống.

Hội thi tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR do Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng phối hợp với huyện Đồng Văn tổ chức.
Hội thi tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR do Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng phối hợp với huyện Đồng Văn tổ chức.

Đối với huyện vùng cao Đồng Văn, việc bảo vệ rừng có mối quan hệ mật thiết với bảo vệ nguồn nước. Chính vì vậy công tác phát triển, bảo vệ rừng luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng thực hiện. Hàng năm, huyện triển khai Tết trồng cây gắn với thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh, thu hút đông đảo người dân hưởng ứng. Theo kế hoạch, năm 2022 toàn huyện trồng gần 200 nghìn cây xanh, thực hiện chăm sóc trên 142 ha rừng, khoanh nuôi bảo vệ trên 21 nghìn ha rừng, ổn định tỷ lệ che phủ rừng đạt 40,8%. Trong những tháng đầu năm, phối hợp tổ chức tiếp nhận và chi trả kinh phí DVMTR năm 2022 với tổng kinh phí trên 15,4 tỷ đồng, đồng thời công bố diện tích rừng có cung ứng DVMTR.

Bên cạnh công tác tuyên truyền qua các kênh thông tin đại chúng như Báo Hà Giang, Đài PT - TH tỉnh, trang thông tin của huyện, xã. Vừa qua, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân các xã, thị trấn về chế độ chi trả DVMTR, UBND huyện đã tổ chức “Hội thi tuyên truyền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng” gắn với công tác quản lý bảo vệ rừng theo hình thức sân khấu hóa, đã thu hút đông đảo các đội thi đến từ các xã, thị trấn tham gia. Hội thi đã bám sát các hoạt động liên quan đến việc thực hiện chính sách DVMTR, truyền tải thông tin đầy đủ, kịp thời, thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân. Đội thi xã Phố Cáo là đội giành giải Nhất trong hội thi. Đồng chí Mua Thị Mỷ, Phó Chủ tịch UBND xã Phố Cáo, Đội trưởng Đội thi, cho biết: Tham gia hội thi, chúng tôi đã mang đến những tiểu phẩm và tình huống về Luật Lâm nghiệp và các chính sách chi trả DVMTR thực tế nhất giúp người dân dễ hiểu, dễ nhớ. Đồng thời còn là những hình ảnh, thông điệp sinh động về bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng. Đây cũng chính là những tài liệu chúng tôi thực hiện tuyên truyền trong nhân dân suốt thời gian qua. Đến nay, nhận thức của người dân trong xã về chế độ này được nâng lên rất nhiều, xã Phố Cáo cũng được đánh giá là địa phương thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng.

Đồng chí Phạm Đức Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, cho biết: Thời gian qua, ngành chuyên môn, các xã, thị trấn đã đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về chính sách chi trả DVMTR gắn với công tác quản lý bảo vệ rừng. Đẩy mạnh việc tuyên truyền các kiến thức pháp luật về lâm nghiệp và chính sách chi trả DVMTR cho cán bộ, nhân dân, cộng đồng dân cư, đặc biệt là các chủ rừng để có kiến thức pháp luật tham gia bảo vệ rừng, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp. Thời gian tới, để tạo sức lan toả rộng rãi, có chiều sâu, huyện sẽ chỉ đạo tiếp tục tuyên truyền tới nhân dân một cách đa dạng về hình thức và phong phú về nội dung. Từ đó tăng cường sự tham gia của cán bộ, công chức, đoàn viên, các chủ rừng, nhân dân trong việc tự bảo vệ rừng và thực hiện quyền của mình; đồng thời tuyên truyền cho gia đình các kiến thức pháp luật trên. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng yêu cầu các phòng chức năng, các xã, thị trấn thực hiện quản lý, sử dụng tiền DVMTR gắn với công tác bảo vệ và phát triển rừng đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả theo quy định.

Bài, ảnh: My Ly


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

2 nông dân của Hà Giang đạt danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2022

BHG - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vừa mới công bố danh sách 100 "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2022. Trong đó Hà Giang vinh sự có 2 nông dân nằm trong danh sách này.

31/07/2022
Bắc Mê phát huy lợi thế nuôi thủy sản
BHG - Những năm gần đây với sự quan tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền đã tạo điều kiện cho người dân huyện Bắc Mê làm giàu từ lợi thế địa phương với việc phát triển kinh tế trên lòng hồ thủy điện, góp phần làm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp cũng như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nông thôn địa phương và giúp người dân giảm nghèo.
27/07/2022
Cây chè cổ thụ xã Đường Hồng cần được bảo tồn, xây dựng thương hiệu
BHG - Xã Đường Hồng (Bắc Mê) hiện có 39 ha cây chè; trong đó có hàng nghìn cây chè cổ thụ, tuổi đời từ 50 - 100 năm. Đây là cơ hội để địa phương xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị những cây chè cổ, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân. Thế nhưng, hiện vẫn chưa có cá nhân, tổ chức nào đến cùng xã xây dựng thương hiệu chè cổ thụ này.
26/04/2022
Đánh thức hương chè Nậm An
BHG - Cây chè cổ thụ ở Nậm An ước đã có vài trăm năm tuổi. Người già trong bản Dao Nậm An nhớ đến đời cháu Triệu Chàn Vinh làm chè đã là đời thứ 8, thứ 9 gì đó, thế nhưng cây chè vẫn ra đầy búp, đầy lộc ở khắp trên các đồi, vườn và trong rừng nguyên sinh Phìn Hồ. Và cũng thật vui đến đời cháu Vinh làm chè, cháu nó mới đưa được lộc hái từ cây chè của bản trở thành một loại hàng hóa quý, được cả thế giới công nhận...
25/03/2022