Thay đổi tư duy trong phát triển chăn nuôi
BHG - Thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô gia trại, trang trại, khắc phục tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ đang trở thành hướng đi giúp người dân vùng cao Hà Giang có thu nhập ổn định.
Chăn nuôi theo quy mô gia trại đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho người dân tổ 11, thị trấn Nông trường Việt Lâm (Vị Xuyên). |
Nhận thấy chăn nuôi nhỏ lẻ không mang lại giá trị kinh tế, cách đây vài năm, ông Lù Văn Chương, thôn Nắm Ản, xã Tụ Nhân (Hoàng Su Phì) đã mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng chuồng trại quy củ để chăn nuôi trâu, bò theo hình thức vỗ béo. Hiện nay, đàn trâu, bò của gia đình ông luôn duy trì trên 30 con. Ngoài ra, ông còn chăn nuôi lợn đen sinh sản và nuôi giun Quế để tận dụng nguồn chất thải của đàn gia súc, hình thành hệ thống chăn nuôi khép kín. Để chăm sóc tốt cho đàn gia súc, ông thường xuyên tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo định kỳ, nhờ đó đàn vật nuôi luôn phát triển khỏe mạnh, đồng thời đảm bảo vệ sinh môi trường. Mỗi năm, mô hình chăn nuôi tổng hợp đem lại nguồn thu trên 300 triệu đồng cho gia đình ông.
Ông Lù Văn Chương cho biết: Nhiều năm trước, tôi cũng như các gia đình khác trong thôn, chủ yếu chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ và thường chăn thả tự nhiên để lấy sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp và đáp ứng nhu cầu thực phẩm của gia đình; giá trị kinh tế mang lại rất thấp. Sau khi học tập kinh nghiệm từ một số mô hình chăn nuôi hiệu quả, tôi đã quyết định đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp. Tôi nhận thấy, việc nuôi trâu, bò vỗ béo, phục vụ thức ăn tại chỗ thay vì chăn thả tự nhiên đem lại hiệu quả rõ rệt; đàn trâu, bò lớn nhanh, đạt trọng lượng tốt, rút ngắn thời gian xuất bán. Vì vậy, tôi luôn tích cực chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với các gia đình khác ở địa phương để cùng nhau thay đổi tư duy sản xuất, vươn lên làm giàu.
Phát triển chăn nuôi hàng hóa từ lợn đen Lũng Pù - giống vật nuôi bản địa của địa phương là hướng đi đem lại thành công cho HTX Tuấn Dũng (Mèo Vạc), với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. HTX hiện duy trì nuôi hơn 100 lợn nái sinh sản, 300 lợn thịt thương phẩm, hàng năm xuất bán ra thị trường khoảng 1.500 lợn giống chất lượng; tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Đại diện HTX cho biết: Lợn đen Lũng Pù là giống lợn bản địa có sức đề kháng cao, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu của địa phương nên ít dịch bệnh và dễ nuôi. HTX rất chú trọng việc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chỉ sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên như bột ngô, sắn nên cho chất lượng thịt thơm ngon, giá thành vì thế cũng cao hơn hẳn. Bên cạnh đó, HTX đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi đồng bộ, lắp đặt bể Biogas xử lý chất thải, lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, tạo nên chu trình chăn nuôi khép kín, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Để nâng cao giá trị ngành Chăn nuôi, những năm qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách, thu hút đầu tư, liên kết chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, tạo mọi điều kiện về quỹ đất, nguồn vốn để các HTX, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình phát triển chăn nuôi hàng hóa theo mô hình gia trại, trang trại. Chỉ tính riêng trong năm 2022, toàn tỉnh tăng thêm 49 trang trại, nâng tổng số trang trại lên 214. Trong đó, 2 trang trại quy mô lớn, quy mô vừa 13 trang trại, quy mô nhỏ 199 trang trại. Số lượng lớn các trang trại tập trung tại thành phố Hà Giang và các huyện: Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Bắc Mê.
Hiện nay, các huyện, thành phố đang tập trung phát triển 3 chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi gồm: Chuỗi giá trị sản phẩm bò Vàng, lợn đen địa phương và chuỗi giá trị sản phẩm mật ong Bạc Hà. Để thu hút các doanh nghiệp, HTX tham gia liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi giá trị, trên cơ sở chính sách của tỉnh, các địa phương đã và đang triển khai đồng bộ các cơ chế ưu đãi về thuế, hỗ trợ kinh doanh, hỗ trợ về hạ tầng, thị trường, xúc tiến thương mại; hỗ trợ các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi.
Bên cạnh đó, các ngành chuyên môn cũng chủ động quảng bá, giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, tập trung vào các sản phẩm nổi bật của tỉnh như: Sản phẩm chế biến từ thịt trâu, bò, mật ong Bạc Hà, gà Xương đen, lợn Lũng Pù... đến người tiêu dùng cả nước, đặc biệt là các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng ở những thành phố lớn. Tăng cường kết nối các đơn vị, doanh nghiệp liên kết, thu mua sản phẩm chăn nuôi để ổn định đầu ra cho người dân. Khuyến khích xây dựng liên kết giữa hộ với hộ, hộ với HTX, doanh nghiệp; vùng liên kết các xã với xã, huyện với huyện đối với sản phẩm chăn nuôi cùng loại để thống nhất quy trình sản xuất, tiêu chuẩn, mẫu mã sản phẩm, tạo ra khối lượng sản phẩm đủ lớn, đáp ứng nhu cầu thu mua, chế biến của doanh nghiệp, HTX...
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc