Lão nông 74 tuổi tâm huyết với cây chè Shan tuyết trên đỉnh đèo Gió

09:16, 02/06/2023

BHG - Câu chuyện lão nông 74 tuổi Hoàng Thanh Ngọc ở thôn Bản Vẽ vẫn hàng ngày say mê, tâm huyết với cây chè Shan tuyết, từng bước đưa sản phẩm địa phương tiêu thụ rộng khắp thị trường trong nước đã được người dân xã Nà Chì (Xín Mần) lan tỏa.

Ông Hoàng Thanh Ngọc hàng ngày vẫn đi hái chè để chế biến sản phẩm chè Bản Vẽ.
Ông Hoàng Thanh Ngọc hàng ngày vẫn đi hái chè để chế biến sản phẩm chè Bản Vẽ.

Theo chân cán bộ nông nghiệp xã Nà Chì, chúng tôi tìm đến gia đình ông Hoàng Thanh Ngọc. Con đường ngoằn ngoèo, bám theo sườn núi, dốc đá cheo leo, cách trung tâm xã gần 7 km.

Sau hơn 1 tiếng đi xe máy, chúng thôi đã đến được ngôi nhà của ông. Ngôi nhà sàn theo phong cách truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, phía trước nhà là những thửa ruộng lúa bậc thang đang thì con gái, phía sau là đồi chè xanh ngắt. Thấy chúng tôi đến, ông Ngọc gác lại công việc, ngồi trò chuyện, tâm sự về chuyện làm chè trên đỉnh núi. Rót chén trà còn phả hơi nóng, ông Ngọc chia sẻ: Tôi sinh ra và lớn lên ở thôn Bản Vẽ, cuộc sống của gia đình gắn liền với cây chè Shan tuyết. Nhiều cây chè cổ thụ đã có từ trước khi tôi sinh ra và đang phát triển tốt đến bây giờ. Cây chè Bản Vẽ sinh trưởng và phát triển trên đỉnh đèo Gió, nơi giao thoa giữa đất trời, khí hậu mát mẻ, quanh năm sương mù bao phủ, vì thế sản phẩm chè Bản Vẽ luôn có sự khác biệt so với các vùng chè khác. Hiện nay, những cây chè cổ thụ được người dân xem là sản vật quý báu mà cha ông để lại. Từ những gốc chè cổ này trải qua nhiều đời các hộ dân đã nhân rộng những đồi chè xanh tươi, tạo nên một nguồn sinh kế quan trọng cho gia đình tôi cũng như bà con trong thôn.

Dẫn chúng tôi ra thăm đồi chè của gia đình, ông Ngọc hào hứng chỉ những cây chè Shan tuyết cổ thụ có tuổi gấp nhiều lần so với tuổi của ông. Những búp chè Shan tuyết tươi non mơn mởn đua nhau vươn lên. Ông Ngọc cho biết thêm: Cây chè ở đây hoàn toàn phát triển tự nhiên, không sử dụng bất cứ một loại chất kích thích nào. Người làm chè ở Bản Vẽ luôn tâm niệm rằng “Để có được chè ngon thì phải hái được chè tốt, làm được chè tốt”, để khách hàng sử dụng được chè sạch từ khâu chế biến đến khi hoàn thành sản phẩm ra thị trường. Nhờ đó, hương vị chè Bản Vẽ khi pha có hương thơm dịu, có màu nước xanh nõn chuối pha với màu nâu cánh dán nhạt. Khi uống có vị chát nhẹ nhàng, vị ngọt hậu riêng biệt. Đến nay, chè Bản Vẽ của gia đình ông Hoàng Thanh Ngọc có thị trường tiêu thụ khắp cả nước và được người tiêu dùng ưa chuộng, đặt hàng quanh năm. Nhiều khách hàng từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác sau khi thưởng thức chè Bản Vẽ đã liên hệ đặt hàng làm thức uống hàng ngày và làm quà tặng với nhiều sản phẩm như: Hồng trà, Bạch trà và trà Phổ Nhĩ. Với giá bán 200 nghìn đồng/kg, được cho là “bình dân” phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng, nên sản phẩm chè Bản Vẽ chế biến ra bao nhiêu được đặt hàng mua bấy nhiêu.

Hiện, gia đình ông Hoàng Thanh Ngọc sở hữu gần 5 ha chè Shan tuyết, nếu chè không có sâu bệnh thì một năm cũng cho thu hoạch được khoảng 1 tấn chè khô, thu nhập của gia đình trung bình đạt gần 300 triệu đồng/năm. Thôn Bản Vẽ có khá nhiều hộ trồng chè, tổng diện tích chè của cả thôn trên 50 ha. Năm 2020, do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết nên một số diện tích trồng ngô kém hiệu quả, ông Hoàng Thanh Ngọc đã mạnh dạn đi đầu trong việc đưa cây chè Shan tuyết nhân rộng thay thế diện tích ngô để tăng diện tích vùng nguyên liệu và chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa. Hiện tại, số diện tích chè trồng mới đang sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn sẽ cho thu hoạch, mang lại thu nhập cho gia đình.

Bài, ảnh:  VĂN LONG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

“Giải cơn khát” miền cực Bắc

BHG - Kỳ đầu: Tái diễn điệp khúc… “mùa khát”. Khô hạn kéo dài, cây trồng khô héo, cuộc sống người dân lao đao vì thiếu nước… đang là hình ảnh miền đất cực Bắc đang phải gánh chịu. Đây là vấn đề cấp thiết, đặt ra “bài toán” đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất của đồng bào biên cương. Mặc dù nhà nước đầu tư xây dựng “hồ treo”, bể chứa nước nhưng không khác gì “muối bỏ bể” khi biến đổi khí hậu ngày càng tác động nặng nề. Đâu sẽ là giải pháp chiến lược để giúp bà con “giải cơn khát” mùa khô?

30/05/2023
Agribank Xín Mần góp dòng vốn quý giúp người dân phát triển kinh tế
BHG - Với bề dày kinh nghiệm cùng với sự gắn kết bền vững với tam nông, Agribank Xín Mần luôn là địa chỉ tin cậy của người dân khi cần đến nguồn vốn phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa.
30/05/2023
Đất cằn cho quả ngọt trên dải biên cương
BHG - Thực hiện nghị quyết lãnh đạo của Đảng ủy, chỉ huy Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT - QP) 313 (Quân khu 2), những năm qua, các cơ quan, đơn vị trong Đoàn đã xây dựng, thực hiện nhiều mô hình tăng gia, sản xuất có hiệu quả, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn đơn vị đứng chân. Trong đó, mô hình trồng Dâu tây của Đội Sản xuất và Xây dựng cơ sở chính trị (SX&XDCSCT) số 2 được coi là mô hình thử nghiệm thành công, cho năng suất, chất lượng cao, góp phần mở ra hướng phát triển sản xuất chuyên canh bền vững. Mô hình này được cấp ủy, chính quyền huyện Xín Mần và các xã trong vùng dự án ghi nhận, đánh giá cao.
28/05/2023
Hà Tĩnh tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư
Tại hội nghị, Hà Tĩnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 14 nhà đầu tư với 15 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 9.616 tỷ đồng.
28/05/2023