Ngô Đông sinh khối mở ra cách làm mới ở Bằng Hành

10:00, 17/01/2022

BHG - Trồng ngô sinh khối không còn là cách làm mới. Tuy nhiên, ở xã Bằng Hành (Bắc Quang), trồng ngô Đông sinh khối liên kết với doanh nghiệp mở đường cho cách làm mới của bà con nông dân. Thu nhập của người trồng ngô sinh khối ước đạt từ 34 – 37 triệu đồng/ha chỉ sau khoảng 75 – 80 ngày trồng. Ngô sinh khối, đang tạo tư duy, cách làm vụ Đông rất rõ nét tại vùng quê này.

Ông Hoàng Tâm, thôn Tân Thành kiểm tra diện tích ngô vụ Đông.
Ông Hoàng Tâm, thôn Tân Thành kiểm tra diện tích ngô vụ Đông.

Giữa Đông, vậy mà cách đồng thôn Tân Thành lại khoác trên mình một màu tươi xanh đến ngỡ ngàng. Bà Vi Thị Nhung vui vẻ: Ruộng ngô lớn này là của nhà tôi, sau hơn 2 tháng trồng cây ngô đã bắt đầu đơm bông, ra bắp; chỉ ít ngày nữa doanh nghiệp họ vào đặt lịch thu hoạch cho từng nhà. Giá bán ngay tại ruộng bình quân là 850 đồng/kg. Thu xong vụ ngô, có tiền sắm Tết và cũng đủ tiền mua giống, phân bón để làm vụ Xuân. Trồng ngô sinh khối chi phí nhân công giảm, dễ làm, không phải lo bán sản phẩm. Cây ngô khi thu hoạch, bán ngay tại ruộng, không mất thời gian phơi, không phải lo gồng gánh về nhà, lo tẽ hạt, lo ẩm, mốc, mối mọt... Bà Nhung mong muốn, chính quyền xã nên kêu gọi doanh nghiệp vào xã liên kết với bà con để chuyển hướng sản xuất trong thời gian tới. Cùng chung ý kiến với bà Nhung, bà con thôn Trung Tâm cũng đề xuất: Chính quyền xã nên tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp vào liên kết làm ăn với người dân. Có doanh nghiệp lo đầu ra, bà con sẽ yên tâm tăng gia sản xuất. Còn trồng cây gì, hoặc nuôi con gì, do doanh nghiệp đặt hàng, doanh nghiệp hỗ trợ 1 phần đầu tư để người dân, doanh nghiệp ràng buộc lẫn nhau cùng làm, cùng có lợi ích.

Chủ tịch UBND xã Bằng Hành, Ngọc Văn Bảo cho biết: Vụ Đông năm nay là năm đầu tiên Bằng Hành mạnh dạn “kéo” doanh nghiệp vào làm ăn cùng bà con. Trong số 64 ha cây vụ Đông, có trên 15 ha trồng ngô sinh khối có liên kết với doanh nghiệp. Vụ ngô sinh khối năm đầu cũng chỉ làm được trên 15 ha, với khoảng gần 50 hộ tham gia. Quá trình làm thử cũng ghi nhận có rất nhiều điểm sáng; người dân – doanh nghiệp đã bắt tay nhau cùng bàn bạc làm ăn. Doanh nghiệp cần phải giảm đi ít lợi nhuận và cần tính toán mở rộng khả năng bao tiêu thêm nhiều mặt hàng rau, củ, quả tại địa phương. Mở rộng diện tích và đa dạng sản phẩm cũng là cách để Bằng Hành giải phóng năng lực sản xuất. Để từ đó, tạo và mở rộng quy mô sản xuất không chỉ vụ Đông mà có thể chuyển đổi hình thức sản xuất đến các vụ trong năm. Đại diện Công ty Hồ Toản - đơn vị liên kết trồng ngô sinh khối cho biết, Công ty sẽ xem xét thực tiễn làm ăn với bà con Bằng Hành; cân nhắc lại toàn bộ quá trình triển khai, công tác thu mua sản phẩm và hạch toán lỗ, lãi để tiếp tục triển khai. Hy vọng, thời gian tới Công ty sẽ liên kết với bà con trong xã để mở rộng sản xuất và tiến tới đa dạng hoá các loại cây trồng vào các vụ trong năm 2022.

Theo tính toán sơ bộ, mỗi ha ngô sinh khối sẽ mang lại thu nhập bình quân từ 34 – 37 triệu đồng/ha/trong khoảng 75 – 80 ngày/vụ. Làm được như vậy, Bằng Hành sẽ đưa giá trị sản xuất trên mỗi ha đạt doanh thu ít nhất trên 100 triệu đồng/năm, tăng gấp nhiều lần so với trồng lúa hiện nay. Ngoài cây ngô, Bằng Hành còn trồng rất nhiều rau, đậu các loại chưa có liên kết tiêu thụ. Điều này đã được Thường trực xã xem xét để mời gọi doanh nghiệp mở rộng quy mô bao tiêu nông sản trong thời gian tới. Đây, chính là “chìa khoá” để Bằng Hành chuyển từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần hiện nay, sang làm kinh tế nông nghiệp hàng hoá. Tuân thủ theo quy luật kinh tế thị trường, có nhu cầu, ắt sẽ có nguồn cung. Từ đó, bắt buộc người nông dân trong xã phải chuyển hướng làm ra những hàng hoá theo nhu cầu tiêu dùng. Cách làm đó sẽ tránh được rủi ro, tránh được tình trạng: Được mùa, mất giá xẩy ra thường xuyên trong thời gian qua.

Bài, ảnh: Nguyễn Hùng


Cùng chuyên mục

Cô gái dân tộc Dao đa năng ở Giàn Thượng

BHG - Dáng người nhỏ nhắn, gương mặt hiền lành, giọng nói truyền cảm, đôi tay thoăn thoắt, nhiệt tình "vác tù và hàng tổng"… là những nhận xét ấn tượng mà người dân và khách hàng dành cho cô gái người Dao Trương Thị Niệm, sinh năm 1988, thôn Giàn Thượng, xã Tiên Kiều (Bắc Quang).

17/01/2022
Phát huy vai trò "trụ cột" của ngành Tài chính

BHG - Nâng cao hiệu quả công tác quản lý quỹ, kiểm soát chặt chẽ các khoản chi ngân sách nhà nước (NSNN); đảm bảo an toàn tiền và tài sản nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; đẩy mạnh cải cách hành chính và hiện đại hóa ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động... Nhóm mục tiêu chiến lược này mang đến bước tiến vượt bậc để góp phần xây dựng Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả.

17/01/2022
Cựu chiến binh Nguyễn Đình Trụ điển hình làm kinh tế giỏi

BHG - Trong những năm qua, thực hiện phong trào thi đua "Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi", các cấp Hội Cựu chiến binh (CCB) trong tỉnh đã triển khai tích cực, sâu rộng với nhiều hình thức, mô hình phong phú thu hút nhiều hội viên CCB nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Từ phong trào đó, sau khi rời quân ngũ...

17/01/2022
Lạc quan với triển vọng của Việt Nam trong năm 2022

Mặc dù phải đối mặt với hàng loạt khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, tuy nhiên trong các năm 2020, 2021 Việt Nam đã có những chiến lược linh hoạt, kịp thời, phù hợp bảo đảm an toàn sức khỏe người dân, duy trì ổn định nền kinh tế, đạt được những thành tựu quan trọng, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Những kinh nghiệm, kết quả mà Việt Nam đạt được trong hai năm qua đã tạo nền tảng vững chắc cho sự hồi phục, phát triển kinh tế của đất nước trong năm 2022.

14/01/2022