Nhiều sản phẩm của tỉnh được hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu độc quyền

15:09, 28/12/2020

BHG - Trong sự phát triển KT – XH hiện nay, việc xây dựng thương hiệu để nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, hạn chế bất lợi về giá, giúp người sản xuất có thương hiệu để tiếp cận thị trường, bán hàng và liên kết theo chuỗi giá trị là rất cần thiết. Qua việc xây dựng thương hiệu, tạo cơ sở pháp lý giải quyết các tranh chấp thương mại trong nước và quốc tế. Đồng thời, thương hiệu là cơ sở để quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng và đối thoại với khách hàng. Minh bạch hóa về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm thuyết phục được người tiêu dùng tin dùng.

Với ý nghĩa đó, năm 2020 Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Giang tích cực triển khai hoạt động hỗ trợ 5 HTX trong tỉnh bảo hộ nhãn hiệu độc quyền. Trong đó gồm các sản phẩm: Sản phẩm dệt lanh, sản phẩm chè, gạo Khẩu mang Tát Ngà, sản phẩm thịt HTX Nông nghiệp – Thương mại – Dịch vụ Cổng Thành, tinh dầu sả…

Đối với sản phẩm dệt lanh là một trong những sản phẩm quan trọng được Trung tâm hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu độc quyền của mảnh đất Hà Giang, dệt lanh không chỉ là một nghề truyền thống, một sản phẩm thuần túy mà nó còn là văn hóa, thấm đẫm những tinh túy của cuộc sống và tâm hồn người Mông trên Cao nguyên đá; các sản phẩm từ vải lanh gắn liền với các lễ hội, với đời sống của người Mông. Để gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa và quảng bá về nghề dệt lanh HTX dệt lanh Cán Tỷ ra đời, với các lĩnh vực kinh doanh như: Trồng cây lấy sợi, sản xuất sợi, sản xuất vải dệt thoi, hoàn thiện sản phẩm dệt, sản xuất hàng may sẵn, bán lẻ vải, len, sợi, chỉ khâu và hàng dệt khác, đại lý du lịch, tổ chức tua du lịch. Các sản phẩm từ vải lanh được bán rộng rãi ở các địa phương trong và ngoài tỉnh, với nhãn hiệu độc quyền có lô gô của HTX xã dệt lanh Cán Tỷ.

Với lòng đam mê, tâm huyết với nghề dệt lanh truyền thống, chị Giàng Thị Say, một phụ nữ người Mông đã thành lập HTX lanh Cán Tỷ, tại Thôn Đầu Cầu I, xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ. HTX có 28 thành viên, tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ; mức lương bình quân của mỗi lao động từ 3 - 5 triệu đồng/tháng. Không chỉ phát triển các sản phẩm lanh, HTX còn tìm cách bảo tồn thông qua việc dạy nghề dệt lanh truyền thống cho thế hệ trẻ.

Còn với HTX Kim Thăng huyện Quản Bạ, sau một thời gian ngắn từ khi thành lập đã và đang dần phát triển, khẳng định thương hiệu chè Shan tuyết cổ thụ, với vùng chè 21 ha, giống chè Shan của HTX nằm trên những ngọn núi cao, khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi nên những cây chè nơi đây xanh tốt, hương vị thơm ngon tự nhiên… Trung bình mỗi năm, HTX thu hoạch 7 tạ/ha. Nhờ đó, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn, góp phần ổn định đời sống cho bà con nơi đây, thu nhập của hộ dân 8 triệu đồng/tháng. Phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2019, các sản phẩm Bản Shan Bạch Trà, Bản Shan Hồng Trà, Bản Shan Trà đã được đánh giá xếp hạng 3 sao của tỉnh và đăng ký nhãn hiệu độc quyền với logo.

Không chỉ dừng lại thị trường trong tỉnh, thời gian tới HTX sẽ mở rộng thêm thị trường, quy mô sản xuất; tạo ra nhiều sản phẩm mới từ chè đồng thời phát triển thêm dịch vụ, thu hút nhiều khách hàng tiềm năng; khẳng định được thương hiệu chè Hà Giang trên thị trường trong nước.             

Về thôn Tát Ngà, xã Tát Ngà, huyện Mèo Vạc, đây là một trong những điểm sáng của xã về phát triển kinh tế và du lịch, trong đó có sự đóng góp một phần nhỏ của HTX dịch vụ NLN và DL thôn Tát Ngà. HTX thành lập từ năm 2017, tạo công ăn việc làm cho 10 người, có thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Cây lúa Khẩu mang dễ trồng và sinh trưởng tốt, hạt lúa chắc, có hàm lượng dinh dưỡng cao, mùi thơm, cơm dẻo phù hợp với khí hậu nơi cực Bắc Hà Giang. Phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2020, gạo khẩu mang đã được đánh giá xếp hạng 3 sao của tỉnh. Sản phẩm được đóng gói theo 3 loại 2kg, gói 5 kg, gói 10 kg. HTX đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn hợp lệ với logo.

Thời gian tới, HTX phấn đấu đưa gạo Khẩu mang Tát Ngà thành sản phẩm nông nghiệp đặc sản, chất lượng cao của địa phương; đồng thời phát triển văn hóa, du lịch, dịch vụ gắn với xây dựng các sản phẩm OCOP nhằm đưa nền kinh tế của xã phát triển nhanh và bền vững.

Một trong những sản phẩm ấn tượng được Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Giang hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu độc quyền là sản phẩm thịt của HTX Nông nghiệp – Thương mại – Dịch vụ Cổng Thành, huyện Yên Minh. HTX thành lập từ năm 2019, có 7 thành viên, tạo việc làm cho 5 người, trả công từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng; sản lượng thịt hàng năm khoảng 2 tấn, nguồn cung cấp thịt từ giống trâu, bò Cao nguyên đá Hà Giang; sản phẩm được đóng gói hút chân không với trọng lượng 100gr, 200gr, 300gr và 500gr. Đến nay, HTX xây dựng nhãn hiệu độc quyền Thịt trâu, bò khô cao nguyên đá Hà Giang với tiêu chí chú trọng kiểm soát về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Với thiết kế thể hiện hình ảnh chiếc cổng thành và hình ảnh chiếc đầu trâu HTX mong muốn tạo cơ hội cho người dân địa phương phát triển kinh tế bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm, giới thiệu ra các thị trường rộng hơn, đáp ứng nhu cầu ẩm thực của người dân và du khách gần xa.                     

Trong năm qua, sản phẩm tinh dầu sả của HTX chiết xuất tinh dầu Độc Lập huyện Vị Xuyên với sản phẩm tinh dầu sả hoan hoan cũng đã được Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Giang hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu độc quyền. Tinh dầu sả được chiết xuất từ thành phần thân và lá của cây sả bằng phương pháp tiến hành chưng cất hơi nước. Sản phẩm có tác dụng sát trùng, khử mùi, đuổi côn trùng, kích thích tiêu hóa, trị lạnh bụng, cảm lạnh, đau đầu, đau bụng do kích thích tuần hoàn máu làm tinh thần tỉnh táo, làm mới không gian và làm mềm da, đồng thời chống da nhờn và mồ hôi chân chống ký sinh trùng được ruột và làm giảm sốt… Có thể dùng tinh dầu sả như một thứ nguyên liệu thêm vào thực phẩm để tạo hương vị.

Theo lãnh đạo HTX chiết xuất tinh dầu Độc Lập cho  biết: Sản phẩm tinh dầu sả hoan hoan sẽ được khách hàng sử dụng theo nhiều cách khác nhau như: có thể thêm dầu sả vào máy phun sương, que khuếch tán, dùng bình xịt hay đèn khuyếch tán tinh dầu, xoa trực tiếp... để giúp mái tóc trở nên bóng mượt, hạn chế đứt gãy và luôn thơm ngát; da sáng khỏe, đều màu; giúp không khí xung quanh có mùi thơm nhẹ nhàng, đầy sảng khoái trong gian bếp vừa nấu ăn xong còn vương lại mùi dầu mỡ, thức ăn; giúp giảm đau cơ sau khi tập luyện thể thao.

                                                                             PV


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Góp phần cho những cánh rừng thêm xanh

BHG - Bằng việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) và chi trả kịp thời, đúng quy định gắn với bảo vệ và phát triển rừng bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, những năm qua Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hà Giang đã đóng góp không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức của nhân dân, huy động được sự vào cuộc của cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

 

27/12/2020
Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp

BHG - Với sự quyết liệt cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, những năm qua tỉnh ta đã thu hút được một số doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó, không chỉ huy động được nguồn lực cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sản xuất nông nghiệp mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

27/12/2020
"Vì tương lai xanh - thêm cây, thêm sự sống"

BHG - Thời gian qua, Agribank Hà Giang đã phát động phong trào "Một triệu cây xanh - Thêm cây, thêm sự sống". Phong trào này đã và đang góp phần thay đổi nhận thức, khuyến khích cán bộ, nhân viên, đoàn viên thanh niên Agribank Hà Giang tham gia chung tay cùng cộng đồng chống biến đổi khí hậu.

26/12/2020
Trồng ngô sinh khối ở Hương Sơn

BHG - Hương Sơn là một trong những xã đi đầu của huyện Quang Bình về chuyển đổi diện tích lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng ngô sinh khối, với mục tiêu xây dựng và hình thành mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi; đang tạo lên bước ngoặt đổi đời cho hàng chục hộ dân trên địa bàn, với những lợi ích về kinh tế và môi trường sinh thái.

 

26/12/2020