Xã Đức Xuân chưa mặn mà với cây trồng vụ Đông

10:40, 18/10/2014

HGĐT- Đức Xuân là xã vùng 3 của huyện Bắc Quang. Xã có 8 thôn bản, gồm 5 dân tộc cùng sinh sống là Tày, Dao, Nùng, Mông, Kinh. Nền kinh tế chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Hiện tại xã có 468 hộ dân với trên 2.200 nhân khẩu, trong đó có 117 hộ nghèo và cận nghèo, chiếm 25,3%.


Về tận nơi mới thấy hết được những khó khăn của xã: Hệ thống đường giao thông liên thôn chưa được đầu tư tu sửa, đường từ trung tâm huyện vào xã chỉ có duy nhất tuyến đường độc đạo; việc giao thông đi lại cũng như buôn bán, trao đổi hàng hóa hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi tại nhiều thôn, bản vẫn còn hạn chế trong việc cung cấp nước sản xuất cho cây trồng khi mùa khô đến. Cùng với đó, Đức Xuân còn được coi là vùng có điều kiện tự nhiên và khí hậu khắc nghiệt... Khắc phục những khó khăn đó, những năm qua cấp ủy, chính quyền xã đã nỗ lực phát triển nông nghiệp. Riêng năm 2014, được sự hỗ trợ từ các nguồn vốn của Nhà nước dành cho xã vùng 3, xã canh tác được hơn 223,3ha lúa, gần 200ha diện tích trồng ngô và các cây lương thực khác. Vụ Hè – thu năm nay, năng suất lúa trên địa bàn xã ước đạt 55 tạ/ha, sản lượng ước đạt 885,5 tấn. Bên cạnh đó, chăn nuôi đã có sự chuyển biến, tổng đàn gia súc toàn xã đạt 3.378 con, tổng đàn gia cầm có 12.800 con.



Nhiều diện tích đất đã thu hoạch vụ Hè – thuxong vẫn còn ... im ắng.


Những kết quả trên rất đáng ghi nhận đối với một vùng đất còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, có một điều dễ nhận thấy ở Đức Xuân đó là tư duy sản xuất vẫn còn nhiều điều phải trăn trở. Qua trao đổi với lãnh đạo xã, được biết, vụ Đông năm nay, xã xây dựng kế hoạch triển khai trồng thử nghiệm 0,5ha cây khoai tây và 30ha cây rau màu các loại. Theo bà con nơi đây cho biết: Số diện tích rau màu vụ Đông chủ yếu trồng xung quanh vườn nhà, còn diện tích đất ruộng trên nhiều cánh đồng của xã nhiều năm rồi vẫn chưa trồng cây vụ Đông được. Có thể thấy, đối với vùng đất có trên 2.200 nhân khẩu, kinh tế dựa vào nông nghiệp, trong khi Đức Xuân không phải là vùng trọng điểm về du lịch, không phải là nơi phát triển làng nghề truyền thống, sản xuất tiểu thủ công nghiệp... thì những con số mà kế hoạch sản xuất vụ Đông được xã đề ra còn khá khiêm tốn so với tiềm năng có thể khai thác ở địa phương. Điều đó trở nên đáng phải suy nghĩ khi mà thực tiễn nhu cầu của người dân tại địa phương đối với mức tiêu thụ sản phẩm từ nông nghiệp ngày càng cao.


Hiện tại đang là giữa tháng 10, Đức Xuân thu hoạch gần xong lúa Hè - thu. Và trong lúc này, tại nhiều địa phương của tỉnh cũng có tiến độ thu hoạch lúa Hè - thu như ở Đức Xuân đã và đang tích cực chuẩn bị trồng cây vụ Đông nhằm tăng hệ số sử dụng đất, phát huy thế mạnh vùng đồng thời tăng sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu rau màu, thực phẩm ở địa phương, thì ở xã Đức Xuân, nhiều diện tích đất nông nghiệp ở xã vẫn rất... im ắng. Qua tìm hiểu, thực tế từ những năm qua ở Đức Xuân diễn ra tình trạng nhiều diện tích đất sau khi thu hoạch vụ Hè - thu được “ngủ đông” đến tận tháng 2 năm sau, “chờ” đến khi đó người dân mới bắt đầu gieo trồng vụ Xuân. Trong khi đó, trên địa bàn xã lại rất ít có việc làm thêm ngoài sản xuất nông nghiệp. Thiết nghĩ rằng, nhiều gia đình ở đây sau khi thu hoạch vụ Hè – thu, trong khoảng thời gian chờ vụ Xuân thì bà con sẽ làm gì hay cũng “nghỉ đông”!?.


Sản xuất vụ Đông có ý nghĩa quan trọng trong phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Đối với các xã vùng 3, đặc biệt đối với xã khó khăn Đức Xuân thì sản xuất vụ Đông càng trở nên cần thiết hơn cả. Nó không chỉ đáp ứng được nhu cầu “tự cung, tự cấp” mà còn thúc đẩy tư duy sản xuất của người dân ở đây. Ngoài ra, với tổng diện tích để canh tác trồng cả năm đối với cây lúa có đến hơn 200ha, gần 300ha diện tích trồng cây hoa màu và lương thực, vì thế việc đưa nhiều loại giống cây trồng trong vụ Đông như các loại rau, củ ngắn ngày phù hợp sẽ tận dụng được tối đa số diện tích đất nông nghiệp trên và cải tạo đất để chuẩn bị cho gieo trồng vụ Xuân năm tới. Bên cạnh đó, Đức Xuân đã từng là “điểm nóng” và thường tiềm ẩn nguy cơ khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép thì việc tuyên truyền, vận động khuyến khích người dân tăng gia sản xuất vụ Đông sẽ góp phần thay đổi nhận thức cho người dân đồng thời giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn.


VĂN LONG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nằm giữa vùng chè Vị Xuyên... vẫn thiếu nguyên liệu (!?)
HGĐT- Nhà máy Chế biến chè Việt Lâm là 1 trong 4 nhà máy chế biến chè thuộc Công ty TNHH thương mại Hùng Cường, đặt tại thị trấn Việt Lâm, nơi được coi là trung tâm vùng chè huyện Vị Xuyên. Với dây chuyền chế biến chè theo công nghệ đồng bộ, khép kín, công suất dây chuyền chế biến hơn 20 tấn chè tươi/ngày. Thế nhưng, hiện nay, nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng cung cấp
18/10/2014
Cây trồng vụ Đông, ấm lòng người dân Quản Bạ
HGĐT- Tiết trời se lạnh của những ngày cuối Thu báo hiệu một mùa đông khắc nghiệt đang đến với người dân “một nắng hai sương” của huyện Quản Bạ. Những năm qua, cây trồng vụ Đông đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Qua kinh nghiệm sản xuất của bà con, vụ Đông phải được gieo trồng sớm, đảm bảo thời gian sinh trưởng và thu hoạch mà không ảnh hưởng tới sản xuất vụ
16/10/2014
Trước thông tin cam sành Hà Giang bán tràn lan trên thị trường
HGĐT- Cứ đếnđầu tháng 10 hàng năm, người tiêu dùng lại lo lắng khi sản phẩm cam sành trôi nổi trên thị trường gắn nhãn mác cam sành Hà Giang được bày bán công khai với giá rất rẻ, chỉ từ 10 - 15 ngàn đồng, thậm chí có nơi chỉ bán với giá 6-8 ngàn đồng. không chỉ giá rẻ mà các loại cam đang được bày bán có mẫu mã đẹp, không có hạt, nhìn rất bắt mắt nên người tiêu dùng cứ vô
16/10/2014
Lãng phí Xưởng chè Nà Chì, cần thu hồi để tái sản xuất
HGĐT- Xưởng thu mua, chế biến chè Nà Chì (xã Nà Chì, huyện Xín Mần) có từ trước những năm 1990 - 1999; được xây dựng để thu mua, chế biến chè cho đồng bào 4 xã phía Nam của huyện, gồm: Nà Chì, Quảng Nguyên, Khuôn Lùng và Tân Nam. Trên diện tích hơn 3.000 m2, Nhà nước đã xây dựng 1 nhà xưởng rộng hơn 300m2, trong đó lắp đặt 6 dây chuyền chế biến chè tươi. Bên trong sân xưởng,
16/10/2014