Cần tổ chức nhiều phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi

08:20, 26/06/2014

HGĐT- Trong những năm gần đây, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi do Sở Công thương Hà Giang tổ chức ở các huyện trên địa bàn tỉnh ta đã nhận được sự hưởng ứng sâu rộng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa. Với những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu do Việt Nam sản xuất, các phiên chợ đã thu hút đông đảo người dân đến mua hàng. Đây cũng là chương trình nằm trong Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam " được Bộ Công thương triển khai từ lâu.



Phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi được tổ chức tại xã Sủng Tráng (Yên Minh) thu hút đông đảo bà con mua bán.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến công thương (KCXTCT) đã phối hợp với các doanh nghiệp, HTX, các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh tổ chức thành công 10 phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, về các huyện trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó có 4 phiên được hỗ trợ nguồn kinh phí của T.Ư và 6 phiên là nguồn kinh phí của tỉnh. Trung bình mỗi phiên chợ thu hút trên 2.000 lượt người dân đến tham quan và mua hàng. Lượng hàng hóa trao đổi là trên 200 triệu/phiên. Mỗi phiên chợ được tổ chức trong 4 ngày, gồm 25 gian hàng của 12 doanh nghiệp tham gia và được tổ chức ở các xã vùng sâu, vùng xa của 10 huyện, gồm: Quang Bình, Xín Mần, Hoàng Su Phì, Bắc Mê, Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Vị Xuyên và Bắc Quang. Hàng hóa được bày bán là hàng do Việt Nam sản xuất, có đầy đủ nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm... Các mặt hàng tham gia phiên chợ gồm: May mặc; đồ dùng học tập; đồ gia dụng như sành, sứ, nhôm, nhựa; hàng điện, điện tử như quạt điện, ti vi, máy tính, thiết bị viễn thông; thực phẩm như nước mắm, hàng khô, bánh kẹo, sữa... Người dân đến tham quan, mua hàng không phải mua vé vào phiên chợ.


Theo Trung tâm KCXTCT cho biết: Được sự quan tâm của Sở Công thương, UBND các huyện, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị như Phòng Công thương, UBND các xã có địa điểm tổ chức phiên chợ, trung tâm văn hóa, điện lực, công an, Đội quản lý thị trường các huyện. Cụ thể tại mỗi phiên chợ, Trung tâm KCXTCT phối hợp các Phòng Công thương với Công an xã, huyện xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát không để xảy ra trộm cắp, mất an ninh trật tự, nghiêm cấm các hình thức đánh bạc, các hoạt động văn hóa không lành mạnh tại. Đồng thời, có phương án kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra... Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng tại mỗi phiên chợ được Đội quản lý thị trường các huyện tổ chức chặt chẽ, đúng quy định. Tại mỗi phiên chợ cũng được Trung tâm văn hóa các huyện lồng ghép các buổi biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn nghệ và chiếu phim lưu động để phục vụ nhân đến xem và cổ vũ...


Việc tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn nhằm mục đích tuyên truyền, vận động người dân yêu tiên dùng hàng nội địa, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Bên cạnh đó, việc triển khai các phiên chợ còn nhằm mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng hóa do Việt Nam sản xuất phục vụ nhân dân vùng nông thôn. Các doanh nghiệp khi tham gia phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi còn được Nhà nước hỗ trợ chi phí tuyên truyền quảng cáo; cơ sở hạ tầng phục vụ phiên chợ và chi phí thuê, dàn dựng gian hàng tiêu chuẩn.


Tuy nhiên trong quá trình tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi cũng gặp nhiều khó khăn, đó là nhiều doanh nghiệp, HTX không mặn mà tham gia, do chi phí vận chuyển tốn kém; sức mua của người dân ở các phiên chợ vừa được tổ chức còn ít hơn so với các tháng cuối năm 2013; do thời tiết không thuận lợi, bước vào mùa mưa nên cũng ảnh hưởng đến việc tổ chức phiên chợ. Chính vì vậy rất cần sự quan tâm của các ngành, của tỉnh hỗ trợ thêm chi phí để tổ chức các phiên chợ. Trong quý III, quý IV, Bộ Công thương đã phê duyệt hỗ trợ kinh phí cho Trung tâm KCXTCT tổ chức 3 phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi. Trung tâm KCXTCT cũng trình UBND tỉnh hỗ trợ 7 phiên chợ nữa để tổ chức trên 10 huyện trong tỉnh.


Có thể nói, chương trình Đưa hàng Việt miền núi đã tạo điều kiện để người dân nông thôn, miền núi, những nơi còn khó khăn có cơ hội sử dụng hàng Việt Nam chất lượng, giá phải chăng. Với địa hình phức tạp như tỉnh ta lại giáp với Trung Quốc rất phong phú các loại hàng hóa nên người dân đã bao năm nay phần lớn là dùng hàng của Trung Quốc, nay các phiên chợ đưa hàng Việt đến tay người dân là một việc làm mang nhiều ý nghĩa, dần thay đổi thói quen và ưa dùng hàng nội địa của người dân. Với hy vọng đó, mong muốn của người dân trong thời gian tới là tỉnh ta sẽ tổ chức thêm nhiều phiên chợ đưa hàng việt về nông thôn để người dân có cơ hội tiếp cận hàng Việt.


Lê Lâm

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Yên Minh thành lập 36 Tổ hợp tác sản xuất nông, lâm nghiệp thôn bản
HGĐT- Thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện Yên Minh ban hành kế hoạch và hướng dẫn các xã, thị trấn về việc thành lập các Tổ hợp tác sản xuất nông, lâm nghiệp thôn bản. Đến nay, trên địa bàn đã thành lập, ra mắt được 36 Tổ hợp tác sản xuất nông, lâm nghiệp thôn bản ở 18 xã, thị trấn (mỗi xã 2 tổ, mỗi tổ có 3 thành viên, có quy chế hoạt động cụ thể).
26/06/2014
Khởi công Dự án xây dựng Nhà máy chì kim loại tại Khu Công nghiệp Bình Vàng
HGĐT- Sáng 25.6, tại Khu Công nghiệp Bình Vàng, Công ty CP Luyện kim màu Hà Giang thuộc Công ty CP Tập đoàn Công nghiệp Tây Giang tổ chức Lễ khởi công Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất chì kim loại. Đến dự có đồng chí: Nguyễn Đình Khang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các cơ quan, ban ngành của tỉnh, huyện
25/06/2014
Công tác quản lý và đặt in hóa đơn của doanh nghiệp
HGĐT- Trong những năm qua, qua công tác kiểm tra, hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh đều thực hiện nghiêm túc các quy định về việc sử dụng, tự in, đặt in hóa đơn, thông báo phát hành hóa đơn và báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo định kỳ, đúng quy định.
25/06/2014
Chi cục Thuế Bắc Quang: Ước 6 tháng thu đạt 58 % dự toán năm 2014
HGĐT- Chi cục Thuế huyện Bắc Quang triển khai nhiệm vụ thu NS năm 2014 trong tình hình KT-XH trên địa bàn chưa thật sự ổn định, còn gặp nhiều khó khăn, việc cắt giảm đầu tư công, thắt chặt chi tiêu, vốn đầu tư xây dựng cơ bản giảm nhiều so với các năm trước. Nhiều DN, HTX phải ngừng nghỉ kinh doanh, số ít hoạt động kinh doanh cầm chừng, kém hiệu quả.
25/06/2014